Vẻ đẹp bộ sưu tập mới nhất của nhà thiết kế Minh Hạnh trong đêm biểu diễn Phong cách của tôi (My Style) trung tuần tháng 8 là lý do chính để tôi “hạ quyết tâm” về Củ Chi gặp ông Sáu Nga. Thực ra, chừng 10 năm trước, Minh Hạnh đã là nhà thiết kế đầu tiên ở Việt Nam tiên phong trong việc “xài” da cá sấu, trăn may thành túi... theo phong cách lạ. Bộ sưu tập “Phong cách của tôi - 2013”, sẽ được mang đi trình diễn vào đêm thời trang ngày 7/9 tại lâu đài Hoàng gia Chambord - TP Loier-et-Cher (Pháp) tới đây.
“Nhìn lên sàn diễn, thấy da sấu do mình làm ra được may thành váy áo thế, hỏi thật, ông thấy vui không?”, chúng tôi hỏi. Ông Sáu Nga thủng thẳng: “Ừ, cũng bình thường…”. “Ông có giúp, tư vấn Minh Hạnh lựa da sấu may trang phục?”. “Không bao giờ. Tôi chỉ là nhà cung cấp nguyên phụ liệu. Cổ vào kho, lựa da sấu theo ý mình”. Da mềm, màu cơ bản, theo khuynh hướng thời trang - tiêu chí cơ bản Minh Hạnh lựa da sấu làm bộ sưu tập.
Ông Sáu Nga - chủ trang trại cá sấu Tồn Phát chuyên cung cấp da cá sấu để may áo, túi ví. |
“Da sấu là chất liệu độc đáo, rất quý hiếm nên giá trị cao. Khi thiết kế trang phục bằng da sấu, cần phải có một ý tưởng mạnh, cẩn trọng để tạo ra những phong cách độc đáo trong qua trình xử lý, vì da sấu có đặc điểm là không có cỡ (size) giống nhau. Những biến hoá bất ngờ từ những mảng da có hoạ tiết khác biệt của từng con cá sấu sẽ làm trang phục thêm sinh động vì sự khác biệt không trùng lắp.
Da sấu sẽ trở thành một chất liệu mang lại nhiều hiệu ứng cho các nhà thiết thời trang và hiệu quả kinh tế cho đất nước. Hiện ở nước mình, chỉ có một vài đơn vị có quy trình khép kín, thiết bị hiện đại để xử lý da cá sấu có chất lượng tốt nhất”, Minh Hạnh chia sẻ.
Nuôi sấu để bảo tồn, phát triển
Ông Sáu Nga rõ ràng không phải là một người mặn chuyện. Nghe chúng tôi hỏi về việc nuôi sấu, ông nói nhát gừng. “Chuồng trại không tốt, cá cắn nhau, da lủng lỗ. Mà da lủng lỗ thì còn giá trị chi nữa? Da không tốt cũng còn là khi da có đốm do bị vi khuẩn ăn da. Sáu tháng phải kiểm tra sức khoẻ cá định kỳ một lần”.
Trang trại Tồn Phát rộng 7 ha, nằm dọc theo con kênh Đông của huyện Củ Chi, chia hai khu tách bạch, nằm xa nhau: Khu chăn nuôi và khu xử lý da sấu. Khu chuồng trại không mùi tanh, lặng phắc. Cá sấu là giống vật không ưa ồn ào. Nhất là cá sấu con - ồn ào là chúng bỏ ăn.
Cứ đến 5-6h chiều là giờ cho sấu ăn. Lúc 10h sáng, trong từng khoanh chuồng, sấu nằm im phắc, con đầm trong hồ, thi thoảng cũng có con trườn, nhảy tũm hồ phủ xanh bèo hoa dâu, con lại nằm chóc ngóc mắt ty hý gian xảo, nhiều con há to miệng lộ nanh lởm chởm.
Ông Sơn, người phụ trách khu chuồng trại bảo, sấu thoát mồ hôi từ miệng, nó há miệng, cho đỡ nóng. Cá sấu nước ngọt nuôi ở Việt Nam chủ yếu là cá sấu Xiêm (crocodylus Siemensis). Hiện thời, trong trang trại ông Sáu Nga nuôi 2.000 con cá sấu bố mẹ làm giống, 7- 8 năm tuổi, cá đực được đánh số lẻ, cá cái đánh số chẵn, và hơn 10.000 cá sấu con. Cũng có cả cá sấu nước mặn. Cá sấu nước mặn mỏ dài, giá trị da cao hơn.
“Trước nuôi cá sấu cũng lời, độ này thì không vì giá thức ăn lên cao, kiểm dịch chất lượng thức ăn cũng khó”, ông Nga nói. Sấu phàm ăn, nhưng đừng nghĩ nó phàm ăn, mà ném nuôi nó bằng thứ thịt động vật thối thiu rẻ tiền. Sấu bệnh, chữa còn tốn tiền hơn. Mỗi kilogram cá sấu tăng trọng cần 4-5 kg mồi. “Nuôi sấu lâu năm, cũng không bao giờ làm bạn với nó được. Sấu chưa bao giờ nhận ra người nuôi. Nó là loại máu lạnh đúng nghĩa, chăm nó cả chục năm, đi xớ rớ, nó vẫn vợt mình”, ông Nga nói.
Mỗi loại da cá sấu sẽ được sử dụng theo cách khác nhau, da mổ bụng có gai làm túi, áo; da xẻ lưng, da không gai làm thắt lưng, giày... |
Thế nên việc nặng là giết sấu, xẻ thịt, lột da đều do những công nhân mạnh khoẻ, và… vững thần kinh đảm nhận. Công đoạn này người ngoài không được phép chứng kiến. Hiện giờ, trung bình mỗi tháng, trang trại của ông Sáu Nga hóa kiếp 300 - 500 con sấu tầm 2-3 tuổi, dài 1,2-1,5 m, nặng 10-20 kg. Da để xuất và da may đồ. Có các loại da: Da mổ bụng có gai làm túi, áo; da xẻ lưng, da không gai làm thắt lưng, giầy.., và da xẻ hông. “Da sấu được xuất đi nhiều nước, riêng Mỹ chưa vào được. Thị trường Châu Âu thích da bụng, Trung Quốc thích da lưng lẫn bụng, gai to, Việt Nam thì thích da “chín tới”, vừa vừa...”, ông Sáu Nga nói.
Một cái ví, túi da sấu, chính hiệu “Made in Vietnam”, hiện giá ít nhất cũng 3-5 triệu đồng. Không phải chị em nào người Việt cũng mạnh tay “tự thưởng” cho mình một món đồ làm từ da sấu. “Nhưng thấy người mẫu, mấy cô “sao” khoe túi hàng hiệu nước ngoài những mấy chục triệu một chiếc, ông có thấy tiếc vì họ không dùng hàng Việt?”, chúng tôi hỏi. Ông Nga trầm ngâm: “Thiệt tình, chúng ta còn thua ở thương hiệu; chất lượng da thuộc cũng chưa bằng được của Italia, Pháp. Công nghệ thuộc da họ có hàng trăm năm, mình mới vào nghề chính thức hơn chục năm. Còn phải học nhiều”.
Nguyên là giáo viên môn Anh Văn, người Tây Ninh, đầu những năm tám mươi thế kỷ trước, ông Sáu Nga chuyển ngành sang kinh doanh. Bắt đầu “làm bạn” với sấu từ 1987. Năm 1994, sau khi Sở NN&PTNT TPHCM cho phép đăng ký nuôi, kinh doanh cá sấu, một số đơn vị nuôi sấu ở TPHCM ra đời. Có lúc, TPHCM chọn cá sấu là vật nuôi phát triển kinh tế và là sản phẩm biểu trưng cho ngành nông nghiệp thành phố này.
Năm 2000, ông Sáu Nga lập công ty Tồn Phát với ý nghĩa bảo tồn và phát triển cá sấu. “Lăn lóc” với sấu gần 30 năm, từ việc ấp trứng sấu, nở thành con tới thuộc, nhuộm da, may sản phẩm, với ông Sáu Nga, khó nhất vẫn là công đoạn thuộc da. Thuộc làm sao cho da sấu rờ vào thấy mềm như… lụa. Giới nuôi sấu lấy da của TP.HCM vẫn còn nhớ chuyện ông Sáu Nga bỏ tiền tỷ thuê thầy người Italia về truyền nghề thuộc da.
Hiện thời ông Sáu Nga đang rất bận rộn để làm ra những tấm da sấu thật chất lượng, chuẩn bị cho Hội chợ đồ da ở Italy năm 2014, để có thể hãnh diện và tự hào: Da sấu này chánh hiệu Made in Vietnam.