Chỉ cần một thao tác nhấc bổng xe máy qua lan can trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đội quân cửu vạn trung tuổi ở đây đã dễ dàng bỏ túi 60.000 - 80.000đ/xe, thậm chí còn hơn.
Nghề vác xe này xuất hiện trong thời gian qua, khi Sở GTVT Hà Nội thực hiện lệnh cấm các phương tiện xe thô sơ, xe gắn máy, môtô đi vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Sau một thời gian thực hiện lệnh cấm, nhiều người vẫn làm ngơ hoặc vô tình không biết hồn nhiên đi vào đường cấm. Họ đã trở thành mồi ngon của đội vác xe chuyên nghiệp luôn túc trực hai bên đường.
Theo quan sát của chúng tôi ngay tại đầu đường cao tốc Pháp Vân đã có hàng chục nam thanh niên, tuổi từ 35-55 đứng chờ xe vi phạm để kiếm tiền. Trong số này nhiều người vừa vác xe vừa kiêm nghề xe ôm chở khách.
Với mỗi lần bốc xe qua lan can này họ đòi của người đi đường ít nhất 50- 60 nghìn đồng. |
Chị Nguyễn Thị Mai bán hàng nước ở vỉa hè đoạn này cho biết, trung bình từ ngày thực hiện lệnh cấm vẫn có hàng chục xe máy vi phạm mỗi ngày. Nếu liều mạng đi tiếp sẽ bị cảnh sát giao thông tuýt còi ngay, tiền nộp phạt và những rắc rối cũng quá mệt.
Lúc này chính là thời cơ để cánh xe ôm kiêm vác xe qua lan can thuê lao ra ngã giá, chặt chém người đi đường. Chúng tôi nhận thấy lan can ở đây khá cao, với 2 người ngồi trên xe máy mà chót biết mình đi vào đường cấm cũng không thể nào tự vác xe qua lan can được. Ít nhất phải có 3 hoặc 4 người mới có thể vác được chiếc xe máy qua lan can.
Có mặt ở khu vực này lúc 16-17h chiều, chúng tôi thấy cứ khoảng 15-20 phút lại có một chiếc xe máy đi vào đường cấm, mà lại là đường ngược chiều, không thể quay đâu được. Ngay khi "con mồi" xuất hiện, đội quân bốc xe phi ra, rồi bất ngờ hô: "Đường cấm rồi! cấm! cấm!. Nếu đi tiếp trên kia có công an chốt chặn, sẽ bị tóm đó".
Lúc này nhiều người điều khiển phương tiện mới tá hỏa biết mình đã vi phạm lỗi đi vào đường cấm. Nắm bắt được tâm lí người vi phạm giao thông, họ tỏ ra khá nhiệt tình chỉ đường đi, lối lại để thoát khỏi tình cảnh hiểm nghèo này.
Để thoát khỏi khu vực cấm, cách duy nhất là phải vác xe qua lan can sang phía bên kia đường. Nhưng khi xe vừa được 3-4 người xúm lại nhấc ra khỏi lan can sang bên kia đường, thì họ bắt đầu đòi hỏi tiền công.
Nhiều chủ xe máy đưa ra tờ 20.000 đồng, thì cánh cửu vạn này mặt nặng mày nhẹ, nhất định không chịu. Họ đòi ít nhất công của 3-4 người vác xe cũng phải 60.000 - 80.000 đồng để chia nhau. Thậm chí có nhiều chủ xe tay ga còn phải bỏ cho đội bốc xe này 100.000đ, chỉ vì xe của mình quá nặng. Nếu ai năn nỉ, kì kèo mãi, hoặc cùng phụ giúp vác xe qua lan can thì cái giá chốt hạ cũng phải 50.000 đồng rồi mới được đi.
Thậm chí có chủ phương tiện đứng lại cãi vã, phân bua với cánh vác xe này một lúc, nhưng rồi cũng đành ngậm đắng nuôt cay trả tiền rồi đi. Bởi đôi co vừa mất việc, chả được gì, hơn nữa nếu cố đi lên phía trước gặp cảnh sát giao thông thì còn rắc rối hơn nhiều.
Thấy xe vi phạm trên đường cao tốc Pháp Vân là nhóm cửu vạn cơ hội lại xuất hiện. |
Anh Thân Tiến, quê ở Bình Lục, Hà Nam một nạn nhân vừa bị đội vác xe chặt chém 80.000 đồng sau khi được vác con xe qua lan can trong có 2 phút bức xúc cho biết: “Tôi mới đi lên Hà Nội qua đây lần đầu tiên, chưa quen đường lại không để ý biển chỉ dẫn nên chẳng may đi vào đây. Cứ tưởng 2 tên đó tốt với mình, ra cùng mình khênh xe qua lan can. Xong việc tôi định biếu họ 20.000 đồng để uống nước, nhưng không ngờ họ nhất định đòi 80.000 đồng cho 2 người. Đúng là chặt chém dã man".
Có mặt trong khoảng hai tiếng đồng hồ trên đoạn đường này, chúng tôi đã thấy khoảng 10 xe dính bẫy đi vào đường cấm và bị chặt chém. Tính bình quân một ngày đội quân bốc xe ở đây kiếm được 400.000-500.000 đồng/người một cách hết sức đơn giản.
Lực lượng chức năng thì cho biết đã nắm bắt được tình hình và sẽ có tăng cường quân số để kiểm tra kiểm soát nhằm dẹp kiểu kiếm tiền cơ hội, chặt chém trên.
Tuy nhiên đội quân vác xe thuê chủ yếu là người bản địa, họ đứng chờ con mồi ở vỉa hè chẳng hề có vi phạm thì làm sao mà phạt hay dẹp bỏ được. Chúng tôi thiết nghĩ để kiểu kiếm tiền cơ hội như đội quân vác xe ở đường cao tốc Pháp Vân thời gia qua không còn nữa thì chính người đi đường phải nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông và cẩn thận, chú ý quan sát biển báo.