Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiếm bạc triệu mỗi ngày nhờ xem bói, chữa bệnh

Được nhiều người truyền tai nhau về tài coi bói, chữa bệnh của “thầy lang” Đào Thị Ven (Tư Ven) ở ấp 2, xã Mỹ Thọ (H.Cao Lãnh, Đồng Tháp), chúng tôi quyết định chuyến đi thực tế nhằm thỏa mãn sự tò mò.

Chữa bệnh bằng “bùa”
Thầy lang băm Tư Ven (người phụ nữ đứng cạnh bàn thờ) đang “hành nghề” xem bói.
Địa điểm “hành nghề” coi bói, chữa bệnh của “thầy” Tư Ven là căn nhà gỗ nằm khuất trong con hẻm phía dưới Cống Tư Luốc thuộc ấp 2, xã Mỹ Thọ (đường vào xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh). Không cần phải kêu cửa, chúng tôi chạy xe vào sân nhà của “thầy” để tiếp cận.

Khoảng 5h sáng, trong nhà có 9 - 10 người khách đang đợi để “thầy” coi bói hoặc chữa bệnh. Chúng tôi tìm một chỗ trong góc nhà ngồi quan sát. “Thầy” Tư Ven là một phụ nữ to béo khoảng 60 tuổi, mặc đồ bộ và khoác áo bà ba bên ngoài. Bà ta liên tục cầm nhang quơ qua quơ lại khấn vái, cầu nguyện lầm bầm gì đó cho khách trước bàn thờ nghi ngút khói.

“Chị ơi, hôm nay chị đi cô Tư làm gì thế?”, cô bạn đồng nghiệp hỏi chị H., ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình. Chị H. cho biết: “Chị và con gái đi gặp cô Tư (chỉ bà Tư Ven) để xin lá bùa bình an. Con chị đi làm trên thành phố, từ khi có bùa của cô Tư, nó đi làm ăn được lắm. Nhà hơi xa nên 4h là tranh thủ đi đến đây”.

Trong lúc chờ đợi đến lượt mình, tôi đến ngồi cạnh người đàn ông được mấy người khách bảo là chồng của “thầy” Tư Ven, tên Võ Thành Thật (Ba Thật) để hỏi thăm tình hình “làm ăn” của gia đình. Tôi hỏi: “Đông khách không chú”? Ông ta hoài nghi: Hỏi làm chi? Chú ở đâu tới? Tới để xem bệnh hay làm phép? “Anh em con ở Sa Đéc qua chữa bệnh”, tôi đáp. Sau một hồi trò chuyện, ông ta thân thiện và không còn hoài nghi. Ông cho tôi biết, khuya hôm đó cho đến lúc tôi và cô bạn đồng nghiệp đến, vợ ông đã coi bói và xem bệnh cho khoảng 20 người khách đến từ khắp các tỉnh.

Đến lượt tôi và cô bạn đồng nghiệp được chạm mặt với “thầy” Tư Ven. Do đã đứng xem bệnh, làm phép cho khách liên tục, vẻ mặt của “thầy” Tư Ven lộ rõ mệt mỏi, mồ hôi trên trán của bà ta rơi lộp độp.

“Cô cần gì?”. Tỏ vẻ mệt mỏi, cô bạn đi cùng bảo: “Không biết bị gì mà sao con không ăn, không ngủ được. Thấy nặng đầu suốt ngày”. Bà ta nhìn nét mặt, rồi phán theo dạng đánh vào tâm lý. “Ăn, ngủ không được mà còn nặng đầu nữa. Chắc là lòng bàn tay, lòng bàn chân lạnh ngắt hả con?”. Cô bạn gật đầu lia lịa. “Mày bị ma ám rồi con ơi”, bà ta nói. Chúng tôi giả vờ tỏ vẻ lo lắng. Bà ta giải thích: “Là mày có ghệ ma đi theo ám đó con. Nó theo mầy hoài luôn. Mầy khó có chồng lắm”.

Nói xong bà ta lấy một xấp giấy vàng vàng, đỏ đỏ, bảo là “bùa” rồi dùng ba cây nhang khấn vái lầm bầm và bảo cô bạn tôi về nhà mỗi ngày lấy một ít đốt uống sẽ đỡ, vài ngày sau thì quay lại trị bệnh tiếp. Do sơ ý cô bạn đồng nghiệp tôi quên để tiền cúng tổ liền nhận được ánh mắt khó chịu của “thầy” Tư Ven.
Nhiều người mê tín dị đoan đã đến để được “thầy” Tư Ven trị bệnh.
Đến lượt tôi, do đã biết được ý của “thầy”, không chờ cho bà hỏi, tôi nhanh nhảu nói: “Cô ơi mấy bữa trước con bị nặng đầu, nhờ cô cho thuốc (bùa) uống thấy đỡ lắm. Đi làm công nhân nên cũng có nhậu lai rai, giờ nóng gan nữa hay gì rồi cô ơi”. Bà ta liền phán: “Thấy thuốc của cô cho con uống hay chưa. Con không được uống rượu, uống rượu nhiều sẽ hại và bị bệnh gan đó. Để cô cho thuốc uống nữa nè”. Nói xong, bà ta gói cho tôi một xấp “bùa”, rồi bảo về đốt uống sẽ khỏi. Đáp lễ với thầy, tôi gật đầu lia lịa rồi móc trong túi mấy tờ tiền polyme xanh đặt lên đĩa tiền cúng tổ và nhận được ánh mắt vui mừng của bà ta.

“Thầy” Tư Ven không đòi hỏi việc đặt tiền tổ nhiều hay ít để xem bói, chữa bệnh mà tùy theo “lòng hảo tâm” của khách. Hôm đó, trước khi rời nhà “thầy” Tư Ven, chúng tôi thấy đĩa tiền tổ có rất nhiều tờ tiền polyme đủ mệnh giá, ước khoảng 1 triệu đồng. Chắc chắn đĩa tiền lễ này sẽ nhiều thêm vì khi chúng tôi về vẫn còn vài người khách ngồi chờ tới lượt của mình.

Khách cho nhiều tiền... coi bói, chữa bệnh mới hay

Gia đình “thầy” Tư Ven không ruộng đất, không nghề nghiệp ổn định, bà hành nghề coi bói, chữa bệnh cách nay đã lâu. Trước đây gia đình bà đi thu mua lúa, do thua lỗ bán ghe, lên bờ kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Sau đó xuống miệt Bảy núi An Giang học nghề xem bói. Ngoài coi bói và chữa bệnh bằng “bùa”, “thầy” Tư Ven còn có trò nhập xác chữa bệnh khá độc.

Khi một ai đó bị bệnh đến cho bà xem bói, chữa bệnh, “thầy” sẽ khấn vái trước bàn thờ và được linh hồn quá cố, chết cách đây nhiều năm tên là ông Lèo nhập vào để bà đón bệnh, xem bói cho khách. Với chiêu nhập hồn từ ông Lèo này, “thầy” Tư Ven đã kiếm được không ít tiền của nhiều người mê tín dị đoan. Ông C. ở gần nhà “thầy” Tư Ven nói: “Không biết bà ta học ở đâu cái trò lên xác coi bói chữa bệnh mà 4 - 5h sáng khách tới coi rần rần. Nhiều khi khách tới sớm, kêu cửa chó sủa um sùm”.

Cũng theo ông C., đã có trường hợp người dân địa phương chứng kiến cảnh “thầy” Tư Ven trị bệnh (bắt ma) cho người ở địa phương khác đến bằng cách đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, người dân địa phương biết được đến can ngăn mới giữ được tính mạng.

Bà S. chủ một quán nước gần nhà “thầy” Tư Ven nói: “Bệnh gì cô Tư cũng trị được hết, ung thư, bệnh gan... Nhưng không biết có hết hay không mà người ở nơi khác đến trị rất đông. Tôi thấy bà này lạ lắm, coi bói, trị bệnh gì đó khách đặt tiền tổ từ 50.000 đồng trở lên mới hay, chứ ít quá sẽ không bằng”. Theo bà S. việc “thầy” Tư Ven coi bói, chữa bệnh cho khách, lực lượng công an của địa phương nắm rõ vì đã có lần “thầy” đã bị bắt, tuy nhiên mọi việc vẫn đâu vào đấy. Tới nay, tình trạng này diễn ra và có phần tinh vi hơn.

Để qua mặt ngành chức năng, “thầy” lang băm Tư Ven chọn khoảng thời gian 4 - 5h sáng là thời điểm “hành nghề”, đến khoảng 7 - 8h thì việc xem bói, chữa bệnh chấm dứt. Ông C. nói: “Vợ chồng bà Tư Ven kiếm bạc triệu mỗi ngày và có cuộc sống phè phỡn. Đề nghị ngành chức năng địa phương vào cuộc chứ ấp này là ấp văn hóa”.

Theo Đồng Tháp Online

Bạn có thể quan tâm