Sau khi tăng trưởng "đáng kể" trong tuần qua, diện tích lỗ thủng ozone ở Nam Cực hiện lớn hơn 75% so những năm trước cùng giai đoạn, thậm chí còn lớn hơn cả lục địa mà nó bao phủ, CNN đưa tin.
“Các dự đoán hiện nay cho thấy lỗ thủng năm nay đã lan rộng to hơn so với bình thường", Vincent-Henri Peuch, Giám đốc Copernicus, cho biết.
Lỗ thủng tầng ozone hình thành hàng năm ở Nam Cực hiện lớn hơn lục địa này. Ảnh: Copernicus. |
Theo Copernicus, lỗ thủng năm 2020 cũng bắt đầu hình thành một cách bất thường vào tháng 9, và sau đó trở thành "một trong những lỗ thủng tầng ozone tồn tại lâu nhất trong hồ sơ dữ liệu".
Sự suy giảm nghiêm trọng ozone, tạo thành một lỗ thủng phía trên Nam Cực diễn ra vào mùa xuân ở Nam bán cầu, tức là từ tháng 8 đến tháng 10. Lỗ hổng này thường đạt kích thước lớn nhất vào giữa tháng 9 và giữa tháng 10, theo Copernicus.
Lỗ thủng thường là do các chất hóa học, chẳng hạn clo và brom di chuyển vào tầng bình lưu, tạo ra phản ứng xúc tác phá hủy ozone.
Nghị định thư Montreal năm 1987 được 187 nước phê chuẩn đã quy định hạn chế sử dụng các chất hóa học phá hủy tầng ozon (nhóm CFC).
Tuy nhiên, Copernicus theo dõi sự thay đổi của tầng ozone cho biết mặc dù có những dấu hiệu tích cực, lỗ thủng ozone tại Nam Cực khó có thể phục hồi hoàn toàn cho đến những năm 2060 hoặc 2070.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 8 cho biết thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng nhiệt độ toàn cầu tăng 2,5 độ C và tầng ozone của Trái Đất sẽ bị sụp đổ kèm theo những hậu quả khủng khiếp nếu CFC không bị cấm theo nghị định thư.
Nếu viễn cảnh đó xảy ra, chỉ tính riêng nước Mỹ sẽ có thêm 280 triệu ca ung thư da mỗi năm, kèm theo 45 triệu ca đục thủy tinh thể, theo số liệu của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA).