Sáng 9/11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Báo cáo nhanh tổng thể hậu quả cơn bão số 12, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhận định tổng lượng mưa ở khu vực từ Huế đến Khánh Hòa đạt mức kỷ lục, 19 tỷ m3.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: T.M. |
Về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp, ông Hoài cho biết 8 tỉnh đề nghị hỗ trợ 31.745 tấn gạo, trong đó Quảng Trị 2.000 tấn, Thừa Thiên - Huế 1.000 tấn, Quảng Nam 500 tấn, Quảng Ngãi 1.500 tấn, Bình Định 1.000 tấn, Phú Yên 500 tấn, Khánh Hòa 25.000 tấn, Đắc Lắc 245 tấn.
Trung Bộ có thể hứng chịu cơn bão số 13
Dự báo tình hình thời tiết trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, cho hay lượng mưa ở khu vực Trung Bộ (Nghệ An - Phú Yên) giảm, còn khoảng 20-50 mm.
Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đêm nay và sáng mai tiếp tục đi sâu vào Biển Đông.
“Mô hình dự báo của Mỹ và Nhật Bản đều cho thấy áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên khi đi vào quần đảo Hoàng Sa, rồi lệch dần về phía bắc, không ảnh hưởng tới đất liền”, ông Cường chia sẻ.
Lý giải cho việc này, ông Cường cho biết ngày 14-15/11, không khí lạnh tăng cường từ phía bắc xuống, tác động khiến bão suy yếu, gây gió mạnh.
Bên cạnh đó, kịch bản xấu nhất được ông Cường đưa ra là bão đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, gây mưa lớn. Hiện là thời điểm cuối mùa và kết hợp với không khí lạnh, hoạt động của bão có thể rất phức tạp như cơn bão số 12 hoặc suy yếu khi vào giữa Biển Đông, bẻ ngoặt lên phía bắc.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường cũng lo ngại với kịch bản này và cảnh báo người dân chuẩn bị phòng chống kịp thời.
Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão sau khi vào Biển Đông. Ảnh: NCHMF. |
“Cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng thiệt hại vẫn rất lớn”
Nói về đợt mưa bão vừa qua, ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, khẳng định công tác dự báo chính xác. Thiệt hại lớn do người dân thiếu hiểu biết và kỹ năng chống bão.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, Bộ quốc phòng, cho biết đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị dừng công tác huấn luyện, để tìm kiếm khắc phục hậu quả cơn bão. Trong khi đó, trung tướng Phạm Quang Cử, Phó tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần, Bộ Công an, nhận định chưa bao giờ cả hệ thống chính trị vào cuộc đối phó với bão số 12, nhưng thiệt hại vẫn rất lớn.
Ông Cử thẳng thắn nêu vấn đề chính quyền cơ sở và người dân chưa quyết liệt, còn chủ quan. “Nếu cơn bão này vào Nghệ An, Hà Tĩnh, tôi tin thiệt hại sẽ bớt nghiêm trọng. Tình trạng sơ tán dân, nhưng sơ tán ai, người dân đã cập thuyền vào bến có lên bờ không. Đây là vấn đề rất đau”, trung tướng Cử nhấn mạnh.
“Hiện Luật Phòng chống thiên tai chưa có điều khoản cưỡng chế người dân di dời, loanh quanh họ lại quay về nhà. Với người dân, tài sản rất quan trọng, song nếu không còn tính mạng thì tài sản chẳng có ý nghĩa gì“, ông Cử nêu.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết với sự cố 8 tàu thuyền bị chìm ở cảng Quy Nhơn, phao số 0 từ trước đến nay là địa điểm neo đậu, chẳng làm sao cả.
"Dự báo thời tiết rất khó, không thể nào thắng nổi thiên nhiên, tôi cho rằng không phải lỗi bên nào mà do máy móc, thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu", ông Công nói.
“Bà con cần bao nhiêu gạo, cấp từng đó”
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, theo chức năng nhiệm vụ được phân công cử ngay các đoàn công tác để trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Để kịp thời hỗ trợ người dân vùng bão lũ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị người dân cần bao nhiêu thì xuất cấp hỗ trợ từng đó, các địa phương, bộ, ngành khẩn trương tổng hợp, rà soát, đề xuất để tổ chức cấp phát.
Phó thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong quá trình khắc phục hậu quả bão lụt, tổ chức lực lượng để tìm kiếm người mất tích.
Người dân Hội An dọn dẹp, mong sớm trở lại cuộc sống. Ảnh: Giáp Hồ. |
Ông cũng yêu cầu triển khai hỗ trợ sớm việc ổn định đời sống cho người dân.
“Đảm bảo không người dân nào bị đói, phải dùng nước không hợp vệ sinh, bị ốm đau mà không có thuốc điều trị do mưa bão. Các địa phương phải chịu trách nhiệm trước hết trong việc bố trí nguồn lực hỗ trợ ngay cho người dân, đề xuất huy động lực lượng vũ trang giúp đỡ người dân sửa chữa nhà cửa”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.