Theo dữ liệu của Trading Economics, hôm 3/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu tăng 2,6 USD/thùng, tương đương 2,38% so với 24 giờ trước đó lên 111,63 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI tăng 2,52% lên 108,43 USD/thùng.
Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế giải thích giá dầu quay đầu tăng khi lo ngại thiếu hụt nguồn cung vượt nỗi sợ suy thoái. Mới đây, đội ngũ chuyên gia của JPMorgan còn cho rằng trong trường hợp xấu nhất, giá dầu sẽ tăng lên mức 380 USD/thùng.
"Giá dầu thế giới tăng cao do cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya gây cản trở nghiêm trọng đối với hoạt động xuất khẩu dầu", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Americas Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - giải thích với Zing.
Biến động của giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu trong vòng một năm qua. Ảnh: Trading Economics. |
Gián đoạn nguồn cung
"Tình huống này đã từng xảy ra. Nguồn cung khan hiếm và tình trạng gián đoạn tại các cảng Libya sẽ tạo sức ép lên thị trường dầu", ông giải thích.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya đã khiến các cảng chính - Es Sider, Ras Lanuf - và mỏ dầu El Feel phải đóng cửa. Điều này khiến xuất khẩu giảm khoảng 2/3 so với mức bình thường.
Libya - quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi - đã mắc kẹt trong cuộc xung đột kéo dài 11 năm kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo M.Gaddafi vào năm 2011. Xung đột khiến hoạt động của các đường ống dẫn dầu thô, nhà máy lọc dầu và cảng xuất khẩu của Libya thường xuyên bị gián đoạn.
Trong khi đó, theo ông Craig Erlam - nhà phân tích có trụ sở ở Anh - các cuộc đình công ở Na Uy cũng khiến sản lượng dầu giảm khoảng 4%. "Ngoài ra, các động thái của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) cũng góp phần thúc đẩy giá dầu", ông nói với Zing.
Thị trường dầu thế giới vẫn bị thắt chặt nghiêm trọng. Điều đáng buồn là trường hợp duy nhất khiến giá giảm đáng kể là một cuộc suy thoái
Ông Craig Erlam - nhà phân tích có trụ sở ở Anh
Nhóm này quyết định một lần nữa tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày vào tháng 8, nhưng không đưa ra bình luận gì sau đó. "Điều đó có nghĩa là kế hoạch nâng sản lượng vẫn còn rất mờ mịt. Nguồn cung toàn cầu đang đối mặt với tình trạng bấp bênh", ông Erlam nhận định.
Giới quan sát cũng cho rằng mức tăng sản lượng của OPEC là không đủ để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu. Trên thực tế, các quốc gia thành viên cũng đang chật vật đạt mục tiêu sản lượng.
Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng của OPEC+ đã giảm 2,8 triệu thùng/ngày so với mức thỏa thuận vào tháng 5.
"Thị trường dầu thế giới vẫn bị thắt chặt nghiêm trọng. Điều đáng buồn là trường hợp duy nhất khiến giá giảm đáng kể là một cuộc suy thoái", vị chuyên gia bình luận.
Nói với Zing, ông Moya cũng cho rằng lo ngại suy thoái đang góp phần hạ nhiệt giá dầu. Nhưng theo ông, giá đã giảm khoảng 17% so với mức kỷ lục hồi tháng 3. Vì vậy, giá sẽ không giảm nhiều vì nguồn cung thực tế vẫn còn khan hiếm.
Có thể đạt 380 USD/thùng?
Theo đội ngũ phân tích của JPMorgan Chase & Co., giá dầu toàn cầu có thể đạt mức 380 USD/thùng nếu Nga giảm sản lượng dầu thô nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.
Các lãnh đạo G7 (nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng. Đó là ngăn Nga thu lợi từ cuộc chiến ở Ukraine nhờ giá năng lượng tăng vọt, đồng thời giảm thiểu thiệt hại đối với kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh đang thảo luận về việc áp mức giá trần đối với dầu từ Nga.
Ý tưởng này cho phép Nga bán dầu cho các thị trường không áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, nhất là những nước có thu nhập trung bình và thấp - nhằm hạ nhiệt giá dầu toàn cầu. Nhưng với mức giá trần, doanh thu từ dầu của Nga cũng sẽ bị hạn chế.
Trong trường hợp xấu nhất, Nga dừng bơm 5 triệu thùng/ngày, giá dầu thế giới có thể lên tới 380 USD/thùng. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của JPMorgan, Moscow có thể cắt giảm sản lượng dầu thô 5 triệu thùng/ngày mà không gây tổn hại quá lớn đến nền kinh tế.
Nhưng đó là cơn ác mộng đối với phần còn lại của thế giới. Theo đó, nếu Nga cắt giảm 3 triệu thùng dầu thô/ngày, giá dầu Brent chuẩn quốc tế sẽ vọt lên 190 USD/thùng. Trong trường hợp xấu nhất, Nga dừng bơm 5 triệu thùng/ngày, giá dầu có thể lên tới 380 USD/thùng.
"Rủi ro lớn nhất là Nga chọn trả đũa kế hoạch áp giá trần bằng cách giảm xuất khẩu", đội ngũ của JPMorgan nhận định. Theo đó, Moscow sẽ cắt giảm sản lượng để làm tổn hại các nền kinh tế phương Tây. "Sự thắt chặt của thị trường dầu toàn cầu phụ thuộc vào phía Nga", nhóm chuyên gia cảnh báo.