10/7 là ngày thứ 2 TP.HCM áp dụng lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Là thành phố đông dân nhất và trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, việc TP.HCM "đóng cửa" trong 15 ngày sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, song lại là giải pháp rất cần thiết vào lúc này.
Thực hiện thống nhất, không “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nhận định giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 16 là một quy định đã được tính toán rất kỹ, được các chuyên gia của Bộ Y tế tư vấn chặt chẽ với chính quyền địa phương.
“Để tránh số ca nhiễm tăng cao, tránh sự sụp đổ hệ thống phòng dịch của thành phố lớn nhất cả nước thì không còn cách nào khác là ra quyết định giãn cách”, ông Hiếu nói.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh điều cần thiết bây giờ là ủng hộ chính sách chống dịch của TP.HCM, thực hiện đồng bộ, thống nhất, không “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Ảnh: Bá Chiêm. |
Kể từ khi TP.HCM có dịch, theo ông Hiếu, chính quyền thành phố đã áp dụng các biện pháp theo từng nấc, cho thấy sự cân nhắc rất lớn của thành phố nhằm lo cho người dân. Giải pháp vừa chống dịch, vừa lo cho dân và giữ các hoạt động kinh tế là điều ai cũng mong muốn, song qua hơn một tháng cho thấy giải pháp đã thất bại và cần thay đổi chiến lược, thực hiện một cách quyết liệt hơn.
Do đó, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y nhấn mạnh điều cần thiết bây giờ là ủng hộ chính sách chống dịch của TP.HCM, thực hiện đồng bộ, thống nhất, không “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
“Đã thực hiện giãn cách thì phải làm triệt để, kiên quyết, không để tình trạng chỗ này thì giãn cách mức độ này, chỗ khác lại giãn cách mức độ khác”, ông Hiếu lưu ý và khẳng định nếu giãn cách xã hội triệt để, số lượng ca bệnh ở TP.HCM sẽ giảm xuống.
Nếu giãn cách xã hội triệt để, số lượng ca bệnh ở TP.HCM sẽ giảm xuống
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu
Tận dụng trong thời gian giãn cách, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu góp ý TP.HCM cần tiếp tục thực hiện việc lấy mẫu, truy vết, song phải làm rất khoa học, không làm hình thức và chạy theo số lượng.
Khi giãn cách, chúng ta có thời gian nên cần lên kế hoạch, sắp xếp lấy mẫu ở những vùng lõi, vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Còn những vùng chưa bị ảnh hưởng thì tiếp tục theo dõi.
“Nếu lấy mẫu diện rộng ở thành phố 10 triệu dân như TP.HCM, trong quá trình lấy mẫu sẽ có nguy cơ lây nhiễm, tốn nguồn lực về kinh tế khi sức người, sức của bỏ ra quá lớn”, theo ông Hiếu.
Lấy mẫu diện rộng ở thành phố 10 triệu dân như TP.HCM sẽ tốn nguồn lực về kinh tế khi sức người, sức của bỏ ra quá lớn. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ngoài ra, ông góp ý TP.HCM cần triển khai lấy mẫu ngẫu nhiên từ tư vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia dịch tễ để đánh giá diễn biến của dịch bệnh.
“Cần có dự báo xem dịch đã đến đỉnh chưa hay đã qua đỉnh, để có biện pháp phù hợp, sẵn sàng chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại. TP.HCM không cần thiết đóng cửa đúng 15 ngày. Khi đỉnh dịch đã qua, các ổ dịch được khoanh, không xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng thì có thể mở cửa sớm hơn dự kiến để ổn định nền kinh tế, vì TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Tăng tốc truy vết, xét nghiệm để tách F0 khỏi cộng đồng
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) dự báo số ca nhiễm ở TP.HCM còn tăng do số ca nhiễm mới và cả cũ chưa được phát hiện.
Không truy vết, xét nghiệm để tách F0 khỏi cộng đồng thì giãn cách xã hội cũng không có hiệu quả
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Ủng hộ quyết định giãn cách của thành phố, ông Khanh cho rằng TP.HCM nên tận dụng 15 ngày này để truy vết, dùng xét nghiệm để tìm ra các ca F0 và người sắp thành F0 để cách ly, tách ra khỏi cộng đồng. “Nếu không làm được việc này, giải pháp giãn cách cũng không có hiệu quả”, ông nói.
Chung góc nhìn, Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh (Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney, Australia), cũng cho rằng song song với xét nghiệm nhóm có nguy cơ, TP.HCM cần xét nghiệm truy vết các F theo tinh thần xét nghiệm nhanh, trả kết quả nhanh, truy vết và cách ly kịp thời.
Nữ tiến sĩ nhận định việc phần lớn người dân ở nhà trong thời gian giãn cách là yếu tố thuận lợi để tăng tốc truy vết, xét nghiệm, giảm lây nhiễm.
Theo chuyên gia, phần lớn người dân ở nhà trong thời gian giãn cách là yếu tố thuận lợi để tăng tốc truy vết, xét nghiệm, giảm lây nhiễm. Ảnh: Duy Anh. |
Với dự đoán nếu tăng tốc truy vết, số F0 có thể được phát hiện nhiều khiến lượng F1 tăng cao, TS Thu Anh nhấn mạnh giải pháp cách ly F1 tại nhà để tránh lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung.
Với mục tiêu “bảo vệ tuyến đầu”, bà cũng nhấn mạnh cần bảo vệ các bệnh viện bằng cách phân luồng, sàng lọc bệnh nhân khoa học, nhiều lớp, giảm dần rủi ro.
Ngoài ra, TP.HCM cũng cần lên kế hoạch cho kịch bản khi dịch bệnh diễn biến xấu, thậm chí có thể phải kéo dài thời gian giãn cách.
Nếu vượt ngưỡng 10.000 ca nhiễm, bà Thu Anh cho rằng TP.HCM nên tính giải pháp cách ly F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà.
Dùng “của để dành” để hỗ trợ người dân
Bên cạnh các giải pháp về chuyên môn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu mong chính quyền TP.HCM quan tâm đến người dân nhiều hơn nữa, đặc biệt chính sách cho người yếu thế.
Theo ông, trong đại dịch Covid-19, người nghèo, người thu nhập thấp hoặc không có thu nhập sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất; những người bị bệnh tật, ốm yếu cũng cần được quan tâm, nên chính quyền phải có phương án hỗ trợ cụ thể, rõ ràng trong đợt giãn cách đặc biệt nhất này.
Bên cạnh các giải pháp về chuyên môn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu mong chính quyền TP.HCM quan tâm đến người dân nhiều hơn nữa, đặc biệt chính sách cho người yếu thế. Ảnh: Thanh Đức. |
Nhắc lại thời điểm một năm trước, ông Hiếu cho biết chúng ta đã thực hiện một đợt giãn cách, nhưng giải pháp đó được áp dụng ngay từ đầu mùa dịch. Còn lần này, TP.HCM áp dụng giãn cách là giải pháp “nâng thang” sau hơn một tháng chiến đấu với dịch.
“Trong quãng thời gian đó, bao nhiêu 'của để dành' của người dân đã tiêu hết rồi, Chính phủ và các đoàn thể cũng cần dùng 'của để dành' để giúp đỡ, hỗ trợ người dân”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho rằng để người dân yên tâm giãn cách, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của chính quyền, TP.HCM cần đảm bảo hỗ trợ tối thiểu cho người dân về nhu cầu ăn uống, lương thực, thực phẩm.
Còn TS Thu Anh kiến nghị TP.HCM có kế hoạch cụ thể hỗ trợ kinh tế cho người dân bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cách ly xã hội. Bà nhấn mạnh chính quyền cần cung cấp, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu. Về tinh thần, có thể tăng cường chương trình trực tuyến để giảm căng thẳng và khích lệ tư duy tích cực cho người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Bình luận