Ác nhân và phản anh hùng xuất hiện từ những ngày đầu của điện ảnh. Bất kỳ nơi nào tốt đẹp thì cũng tiềm tàng cái xấu xa.
Chứng kiến sự phát triển của Hollywood, ta có thể thấy từ những khuôn mẫu ban đầu mà ngày nay có vô vàn hình dung về kẻ xấu. Tàn độc hay xảo quyệt, quyến rũ hay đáng sợ, quyền năng hay tham vọng, các nhân vật này xuất hiện với đủ hình hài, nguồn gốc, động cơ làm nên bộ mặt phim ảnh. Một số thậm chí còn đi xa hơn, thách thức những quan niệm cũ về thế nào là một phản diện xuất sắc.
Thời kỳ kiểm duyệt đã xấu là phải “xấu triệt để”
Thời kỳ kiểm duyệt tại Hollywood bắt đầu từ những năm 30, kết thúc vào năm 1952 nhưng ảnh hưởng của nó kéo dài qua nhiều thập niên trước và sau mốc thời gian chính thức. Thời kỳ này, các nhân vật thiện hay ác thì cũng được đặt trong khuôn mẫu cứng nhắc.
Đặc biệt, tuyến phản diện trong phim phương Tây thời kỳ đó phải cảm thấy hối hận, phải bị trừng phạt cho những hành vi xấu xa khi phim hạ màn. Nếu không, tác phẩm sẽ bị vùi dập bởi báo chí và ảnh hưởng trầm trọng đến doanh thu.
Cũng từ đây một số đặc điểm nổi trội của ác nhân được hình thành mà khán giả có thể bắt gặp cho tới tận bây giờ. Nhân vật phù thủy tà ác trong The Wizard of Oz (1939) được khắc họa với vẻ ngoài gớm ghiếc, làn da xanh, chiếc mũi dài. |
Hiện thân từ nỗi sợ “tà giáo” trong văn hóa con người, tuyến nhân vật phù thủy ác độc sau này còn xuất hiện nhiều trong phim. Dễ thấy phải nhắc tới Agatha Harkness trong series WandaVision của Marvel ra mắt năm nay.
Người giàu cũng là đối tượng ưa thích để các nhà làm phim tước bỏ nhân tính, quái vật hóa để trở thành “lũ giàu có ác độc” quen thuộc. Nhân vật Ngài Potter trong It’s A Wonderful Life (1946) đại diện cho một người giàu tàn nhẫn, người sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được mục đích. Một người đạo đức và chăm chỉ như nam chính George Bailey tốt đẹp bao nhiêu thì ông Potter tồi tệ bấy nhiêu. Cùng nhau họ tạo nên một cặp thiện – ác kinh điển. Loạt Squid Game của Netflix là ví dụ gần đây về motif nhân vật giàu và ác trong phim.
Nhìn chung, phản diện trong phim Hollywood thời kỳ đầu được xây dựng rất rõ ràng. Đã ác là phải ác “triệt để”. Họ xấu đủ đường từ ngoại hình đến tính cách, luôn tìm mọi cách hại người, tham lam, ác tâm.
Một số khuôn mẫu phản diện điển hình trong phim phải kể đến như: đầu trọc, người mắc bệnh về da, bị tật ở mắt, người Anh, người Nga, người Trung Quốc, nhà bác học điên, chủ tịch tập đoàn giàu có, phù thủy ác độc, chính trị gia, quái vật, tội phạm, máy móc… Khi điện ảnh phát triển, các kiểu rập khuôn này bị thách thức. Một số dần được thay thế nâng cao nhận thức về sự đa dạng hoặc bảo vệ nhóm người mặc cảm về ngoại hình.
Thay đổi trong hình tượng phản diện
Thập niên 60 đánh dấu sự nở rộ của điện ảnh khi rào cản kiểm duyệt bị dỡ bỏ, thay vào đó là hệ thống phân loại theo độ tuổi. Phản diện phim không dừng lại ở các cá nhân một chiều, tầm thường, không có bản sắc, sinh ra chỉ để thua phe chính diện.
Một trong những dấu ấn đột phá phải kể đến là cặp tội phạm Bonnie và Clyde trong bộ phim cùng tên ra mắt năm 1967. Đó không chỉ là chân dung của hai tên cướp vũ trang táo tợn. Họ yêu đương, giận dữ, do dự, lo lắng, họ khao khát và chiến đấu để có cuộc sống mong muốn.
Các nhân vật được đóng bởi cặp diễn viên trai xinh gái đẹp nổi tiếng làng điện ảnh bấy giờ. Bonnie and Clyde đánh dấu phong trào Làn Sóng Mới Hollywood, lật đổ những quan niệm cũ về phản diện màn ảnh. |
Kể từ đây, bên cạnh cái ác thuần túy người xem còn được chứng kiến sự lên ngôi của chân dung phản diện phức tạp. Điện ảnh phương Tây muốn chúng ta tôn trọng kẻ xấu cũng nhiều như cách ta ghê tởm họ. Darth Vader của thương hiệu Star Wars đại diện cho cái chết, cho sự tăm tối, nhưng thứ đưa hắn vào “mặt tối” lại chính là tình yêu. Nguồn cơn của cái ác, trớ trêu thay lại đến từ điều tưởng như tốt đẹp nhất.
Khán giả tôn trọng và cảm thấy thương hại cho Darth Vader – điều cấm kỵ nếu so sánh với tiêu chuẩn của thời kỳ kiểm duyệt thập niên 30. |
Cùng với sự phát triển của điện ảnh, phản diện ngày càng trở nên khôn ngoan, lý lẽ, thông minh và thậm chí là quyến rũ. Những khía cạnh tâm lý phức tạp của nhân vật được bóc tách. Sự tinh tế vốn là một đặc quyền của phe chính diện – nay được trao cho kẻ xấu.
Ác nhân vĩ đại nhất không chỉ khiến ta khiếp sợ, khinh bỉ. Họ thâu tóm cảm xúc khán giả, nhấn chìm người xem trong sự bất an, thấu hiểu, sợ hãi, tự vấn về thế giới quan – thay vì đơn thuần hả hê khi thấy cái ác bị trừng trị. Nhiều lần trên màn ảnh thậm chí kế hoạch của kẻ xấu đã thành công (Se7en, Avengers: Infinity War, Watchmen, No Country For Old Men, Arlington Road…).
Hannibal Lecter của Anthony Hopkins hay Mads Mikkelsen, Patrick Bateman của Christian Bale, Christoph Waltz trong Inglourious Basterds hay Homelander của The Boys khiến khán giả đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. |
Ác nhân trở thành trung tâm câu chuyện
Từ một công cụ giúp người hùng tỏa sáng, tuyến phản diện dần tìm được tiếng nói riêng trên màn ảnh. Ngày càng nhiều bộ phim khai thác nhân vật phản diện dưới góc độ khác nhau. Từ đó, chân dung phức tạp của nhân vật hiện ra. Suy cho cùng trong xã hội con người, hầu hết chúng ta đều là những cá nhân không hoàn hảo, phần lớn là người tốt nhưng không thiếu lỗi lầm.
Những Loki, Cruella, Maleficent hay Joker khám phá câu chuyện đằng sau chân dung khét tiếng. |
Đưa phản diện và phản anh hùng lên vị trí trung tâm ống kính, Hollywood trả lời cho câu hỏi nhức nhối của khán giả. Tại sao họ lại làm vậy? Điều gì đã đẩy họ tới bước đường cùng? Họ có xứng đáng được cảm thông hay không? Có cách nào để những con người này chuộc lỗi cho tội ác.
Sức hấp dẫn của phản diện đến từ cách các nhà làm phim cân bằng giữa sự bí ẩn, lôi cuốn và tốt - xấu đan xen trong một con người. Xu hướng tương tự cũng được thấy trong chân dung anh hùng chính diện. Không ai là hoàn hảo cả. Một anh hùng có thể che giấu hàng loạt sai lầm. Một ác nhân cũng có thể trở thành người hùng trong câu chuyện của riêng họ.