Rachel (30 tuổi) là tiếp viên hàng không ở Hong Kong, ngoài ra cô còn có nghề phụ bán hàng xách tay. Rachel thường trở về nhà với vali chứa đầy hàng hóa xa xỉ mua trong mỗi chuyến đi đến châu Âu. Cô bán lại hầu hết để kiếm lợi nhuận và giữ lại những món đồ yêu thích.
Tuy nhiên, công việc kinh doanh phụ của Rachel bị ảnh hưởng đáng kể từ khi Hong Kong bước vào suy thoái, các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài trong suốt năm vừa qua. Hiện tại, công việc toàn thời gian của cô cũng gặp khó khăn vì sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến ngành hàng không toàn cầu lao dốc nghiêm trọng. Hãng hàng không nơi cô làm việc đã yêu cầu tất cả nhân viên nghỉ phép không lương.
Rachel không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rao bán một phần bộ sưu tập xa xỉ của mình để vượt qua khủng hoảng. Cô đã bán chiếc túi Chanel yêu thích và đồng hồ kim cương với số tiền 7.730 USD vào đầu tháng 3.
"Tôi có thể bị sa thải trong trường hợp xấu nhất," cô nói. "Tôi muốn có nhiều tiền mặt hơn trong trường hợp này."
Người dân Hong Kong bán những món đồ xa xỉ của mình để thu về tiền mặt. Ảnh: Reuters. |
Giống như Rachel, nhiều người Hong Kong đã cắt giảm quần áo và phụ kiện xa xỉ tại thời điểm nền kinh tế địa phương đang hướng đến năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong khi doanh số bán đồ trang sức, đồng hồ và quà tặng xa xỉ giảm 42% trong tháng 1, thì việc buôn bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng đang nở rộ.
WP Diamonds, công ty đa quốc gia chuyên kinh doanh kim cương tiền sở hữu (kim cương đã qua sử dụng), cho biết các bài đăng bán kim cương, trang sức và đồng hồ xa xỉ trên website của họ tại Hong Kong đã tăng 70% trong hai tháng đầu năm 2020. Các bài đăng bán nhẫn đính hôn cũng tăng gấp đôi trong khoảng thời gian này.
Andrew Brown, giám đốc điều hành của WP Diamonds, cho biết: "Dường như mọi người đang có xu hướng bán mọi thứ để tích trữ tiền mặt trong trường hợp khủng hoảng kéo dài."
Tương tự, Milan Station Holdings, nhà kinh doanh túi xách xa xỉ đã qua sử dụng ở Hong Kong, chứng kiến sự gia tăng 30% số lượng túi được họ mua vào trong 2 tháng qua.
Nhiều chiếc túi xa xỉ được chủ nhân bán lại. Ảnh: Reuters. |
"Mọi người đang bán ra những chiếc túi rất hiếm trên thị trường trước đây", chủ tịch và người sáng lập Milan Station Holdings - Byron Yiu Kwan-tat nói. Chỉ trong tháng vừa qua, công ty đã mua hơn 10 chiếc túi xách cá sấu Hermes trị giá gần 40.000 USD mỗi chiếc.
Suy thoái kinh tế đã gây áp lực lên tài chính của mỗi cá nhân, Yiu nói. Bán các đồ dùng xa xỉ là một trong những cách nhanh nhất để giải quyết khủng hoảng tiền mặt ngắn hạn. "Bất cứ khi nào thị trường chứng khoán có biến động lớn, những chiếc túi quý giá sẽ chảy lại vào thị trường", ông nói.
Nhu cầu cũng tăng mạnh đối với một công ty khác của Yiu. Yes Lady, công ty dịch vụ tài chính nhận cầm cố túi xách xa xỉ, cho thấy hiệu quả kinh doanh tăng gần 4 lần trong nửa đầu tháng 3 kể từ đầu năm nay.
"Nhiều khách hàng có nhu cầu rất cấp bách về tiền bạc", Yiu nói.
Tập đoàn trang sức Chow Tai Fook, nhà kim hoàn lớn nhất Hong Kong, cho biết gần đây có nhiều khách hàng bán trang sức vàng tại các cửa hàng bán lẻ.
Tuy nhiên, theo tập đoàn này, các nhà đầu tư đang đổ xô mua vàng thay vì đầu tư vào thị trường chứng khoán đang sụt giảm vì Covid-19, điều này đẩy giá vàng tăng cao, và đây là lý do chính khiến khách hàng bán lại đồ trang sức của họ,
"Đây là hiện tượng phổ biến bất cứ khi nào giá vàng tăng lên mức cao hơn", phát ngôn viên của Chow Tai Fook cho biết.