Theo đánh giá của Sina, phim ảnh Trung Quốc những năm trở lại đây có cơ sở để "ngẩng cao đầu" khi sở hữu nhiều tác phẩm ăn khách. Thế nhưng, những con số thực tế chỉ ra rằng các "bom tấn truyền hình" và "bom tấn điện ảnh" gắn mác "Made in China" chưa đủ sức vươn tầm châu lục.
Nền âm nhạc xứ Trung cũng chưa để lại dấu ấn trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, sự suy thoái đạo đức của thế hệ nghệ sĩ trẻ đang kéo lùi giá trị vốn có của showbiz.
Phim ảnh chưa đủ sức vươn tầm châu lục
Quay về năm 2020, màn ảnh nhỏ xứ Trung ghi nhận những thành tích "không phải dạng vừa" của 30 chưa phải là hết và Lưu Ly mỹ nhân sát ngay khi vừa ra mắt. Lên sóng tháng 7/2020, 30 chưa phải là hết nhiều tuần dẫn đầu tỷ suất người xem phim truyền hình, thu hút 4,53 tỷ lượt tìm kiếm trên mạng xã hội Weibo. Trong khi đó, Lưu Ly mỹ nhân sát ghi nhận 5 tỷ lượt xem sau 59 tập, được chấm 7,7/10 điểm chất lượng trên Douban.
Năm 2019, khán giả chứng kiến sự cạnh tranh của hai "bom tấn truyền hình" Trần Tình Lệnh và Cá mực hầm mật. Sau 50 tập phim, Trần Tình Lệnh thành công cán mốc 5,2 tỷ lượt xem, trung bình một ngày cao nhất đạt 204 triệu. Trong khi đó, Cá mực hầm mật có lượt xem online mỗi ngày đạt gần 300 triệu, rating cao nhất đạt 1.571% dù phát sóng cùng lúc trên hai đài vệ tinh.
Diên Hi công lược tạo nên "cơn sốt" hồi mùa hè năm 2018 với tổng lượt xem 15 tỷ. |
Năm 2018, Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện thành công "thống trị" màn ảnh nhỏ Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, tổng lượt xem của Diên Hi công lược lên tới 15 tỷ, trung bình một ngày có hơn 700 triệu view. Hậu cung Như Ý truyện với sự tham gia của Châu Tấn, Hoắc Kiến Hoa, Trương Quân Ninh cũng không kém cạnh với tổng lượt xem hơn 14 tỷ trong suốt 87 tập phim.
"Tuy nhiên, khách quan mà nói, Diên Hi công lược, Trần Tình Lệnh hay 30 chưa phải là hết chỉ là những cú nổ bó hẹp ở phạm vi trong nước. Từ lâu, màn ảnh Hoa ngữ vắng bóng những tác phẩm đủ sức vươn tầm châu lục. Đây là sự thật chúng ta cần thừa nhận", Sina viết.
Trang báo dẫn chứng bằng chuỗi kỷ lục của Võ Mỵ Nương truyền kỳ lên sóng cuối năm 2014, đầu năm 2015. Dù vấp phải nhiều tranh cãi về nội dung, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng mang tầm vóc quốc tế của bộ phim do Phạm Băng Băng đảm nhận vai diễn chính.
Tổng lượt xem trực tuyến của bộ phim cán mốc 9,9 tỷ, rating hai tập cuối cùng đạt 5,08%. Không chỉ phủ sóng trong nước, Võ Mỵ Nương truyền kỳ còn trở thành tác phẩm có rating cao nhất năm khi phát sóng trên đài TVB (Hong Kong), dù bộ phim không do TVB sản xuất.
Từ lâu, màn ảnh Hoa ngữ vắng bóng những tác phẩm đủ sức vươn tầm châu lục. |
Sức hấp dẫn của Phạm Băng Băng trong phim thậm chí tạo nên trào lưu hóa thân thành Võ Tắc Thiên tại nhiều quốc gia.
Trước Võ Mỵ Nương truyền kỳ, khán giả cũng từng chứng kiến những dấu ấn vươn tầm châu lục của Hậu cung Chân Hoàn truyện, Bộ bộ kinh tâm hay kinh điển là Hoàn Châu cách cách. "Song ở thời điểm hiện tại, điều đó quá xa vời", nhà báo Tằng Tử Mặc thở dài.
Điện ảnh Trung Quốc những năm gần đây có bước chuyển mình đột phá khi liên tục cho ra đời những "bom tấn nội địa" trăm triệu USD. "Thế nhưng khi phân tích những con số doanh thu, các nhà làm phim chắc chắn không thể vui mừng", Beijing Times viết.
Beijing Times chỉ ra doanh thu của loạt "bom tấn nội địa" trăm triệu USD phần lớn phụ thuộc vào thị trường trong nước.
Trong tổng doanh thu 472,4 triệu USD của The Eight Hundred - bộ phim ăn khách nhất thế giới năm 2020, có tới 372 triệu USD đến từ thị trường Trung Quốc. Ra mắt giữa lúc đại dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng, My People, My Homeland mang về 458,3 triệu USD, trong đó có 422 triệu USD đến từ xứ tỷ dân. Khương Tử Nha - dự án hoạt hình của hai đạo diễn Trình Đằng - Lý Vĩ đạt doanh thu 236,1 triệu USD ở Trung Quốc trong tổng số 243,8 triệu USD toàn cầu.
Doanh thu của loạt "bom tấn nội địa" trăm triệu USD phần lớn phụ thuộc vào thị trường trong nước. |
Ngược trở về giai đoạn 2017-2019, các phim điện ảnh do Đại lục sản xuất cũng không tạo được hiệu ứng ở nước ngoài. Trong tổng doanh thu 755 triệu USD của Na Tra: Ma đồng giáng thế, có tới 703,71 triệu USD tại thị trường nội địa. Lưu lạc địa cầu đạt doanh thu gần 700 triệu USD khi ra mắt ở Đại lục, nhưng chỉ kiếm được khoảng 250.000 USD ở Hong Kong.
Điệp vụ Biển Đỏ cán mốc 579,3 triệu USD doanh thu nhưng thị trường nước ngoài chỉ đóng góp 3,5 triệu USD. Chiến lang 2 - bom tấn mùa hè năm 2017 do Ngô Kinh làm đạo diễn, biên kịch kiêm đóng chính thành công thu 854 triệu USD trên sân nhà. Con số đó chiếm tới 98% trong tổng doanh thu toàn cầu 870 triệu USD của tác phẩm.
"Con số rõ ràng cho chúng ta thấy nhiều điều. Người Trung Quốc có cơ sở để tự hào về phim nội địa. Tuy nhiên, cần thừa nhận khán giả quốc tế vẫn chưa cởi mở với các phim Trung Quốc Đại lục", cây viết Hoa Khang buồn bã.
Âm nhạc hụt hơi trước Kpop
Ở thập niên 1970-1990 của thế kỷ trước, nhạc Hoa được xem là "đế chế" tại châu Á. Lúc bấy giờ, khán giả trong và ngoài Trung Quốc thuộc nằm lòng giai điệu của Ánh trăng nói hộ lòng tôi, Ngọt ngào, Năm tháng vội vã, Tình nhạt phai… "Đệ Nhất danh ca châu Á" Đặng Lệ Quân, "Ca ca" Trương Quốc Vinh, Tứ đại Thiên vương hay Thiên hậu Vương Phi là những cái tên ghi đậm dấu ấn trong trái tim khán giả yêu âm nhạc xứ tỷ dân.
Đến những năm 2000, Châu Kiệt Luân trở thành hiện tượng âm nhạc châu Á, là ký ức thanh xuân của thế hệ 8X, 9X. Thành công liên tiếp của loạt album Jay, Fantasy, 8 độ không gian, Diệp Huệ Mỹ, Chòm Ma Kết, Tôi bận khẳng định tài năng của ông hoàng mới làng nhạc xứ Trung. Màu sắc, cá tính trong âm nhạc Châu Kiệt Luân được báo chí ngợi ca là "phong cách Châu Thị", "làn gió Trung Hoa" vì mang nét độc đáo riêng biệt, mới lạ, không thể nhầm lẫn.
Không thể phủ nhận, thế hệ của Đặng Lệ Quân, Vương Phi hay Châu Kiệt Luân đánh dấu thời kỳ hoàng kim của nền âm nhạc Hoa ngữ.
Trong nhiều năm trở lại đây, làng nhạc xứ Trung chưa có cái tên nào thay thế được Châu Kiệt Luân. |
"Đáng tiếc, thời thống trị của nhạc Hoa đã qua từ lâu. Thế hệ ca sĩ trẻ hiện nay chưa làm được những điều mà các bậc tiền bối đã làm được", Sohu nhận định.
Các nhà quản lý văn hóa Trung Quốc thừa nhận xứ tỷ dân thiếu hụt các tài năng âm nhạc. 10 năm trở lại đây, chưa có cái tên nào thay thế được những huyền thoại như Châu Kiệt Luân, Thái Y Lâm, Twins hay Vương Lực Hoành.
Những giọng ca mới có tầm ảnh hưởng như Hoa Thần Vũ, Lý Vinh Hạo, Lý Vũ Xuân hay Đặng Tử Kỳ, Châu Bút Sướng chưa vượt ra được biên giới quốc gia. Thậm chí, họ còn bị chê nghèo nàn về ý tưởng, phong cách. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc lại bị Kpop bành trướng.
Thế hệ sao trẻ bê bối
Cuối tháng 1, vụ việc Trịnh Sảng bỏ rơi hai con sơ sinh gây chấn động giới giải trí Hoa ngữ. Nguồn cơn của vụ ồn ào xuất phát từ việc Trương Hằng, bạn trai cũ của ngôi sao 30 tuổi, lên tiếng giải thích tin đồn anh trốn nợ, phải sống tại Mỹ trên mạng xã hội. Trong bài viết, anh khơi dậy sự tò mò của công chúng với tiết lộ đã có hai con.
Trong lúc dư luận còn "bán tín bán nghi" xem ai là mẹ của hai đứa trẻ, truyền thông Trung Quốc tiết lộ thông tin Trịnh Sảng và bạn trai cũ Trương Hằng từng sang Mỹ kết hôn vào năm 2019. Họ nhờ người mang thai hộ và có một trai một gái. Tuy nhiên, sau đó cặp đôi chia tay, nữ diễn viên không cần con, Trương Hằng chỉ có thể ở Mỹ chăm sóc.
Sự việc của Trịnh Sảng khiến vấn đề đạo đức của dàn nghệ sĩ trẻ lần nữa trở thành tâm điểm trên mạng xã hội Weibo. Theo thống kê của Sohu, trước Trịnh Sảng, có hơn chục thần tượng dính scandal đời tư.
Nhiều thần tượng trẻ xứ Trung bị phơi bày đời tư rắc rối |
Những ngày cuối tháng 11, Lại Quán Lâm bị chụp lại cảnh hút thuốc lá, khạc nhổ bừa bãi ngay trên đường phố. Ồn ào chưa lắng xuống, "cựu fan" lên tiếng tố cáo nam ca sĩ từng chửi mắng người hâm mộ khi họ đứng gần anh tại sân bay, lén lút hẹn hò với đàn chị hơn 10 tuổi và lấy quà của fan để tặng cho bạn gái.
Giữa tháng 12, dư luận Trung Quốc tiếp tục xôn xao trước sự việc 7 trên tổng số 11 thành viên của nhóm nhạc thần tượng R1SE lần lượt bị phơi bày đời tư rắc rối.
"Đây là con số đáng báo động, cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận ngôi sao trẻ có tầm ảnh hưởng đến thanh - thiếu niên Trung Quốc. Họ khiến mác 'nghệ sĩ' bị xem nhẹ, trở thành trò cười trong mắt khán giả", Ifeng bình luận.
Bên cạnh đó là những sao trẻ có ngoại hình nhưng thiếu tài năng. Những năm qua, Địch Lệ Nhiệt Ba, Dương Mịch hay Quan Hiểu Đồng được truyền thông ưu ái. Tuy nhiên, họ chỉ được nhớ đến nhờ ngoại hình. Theo QQ, khủng hoảng về nhân sự kế cận là vấn đề lớn của showbiz Trung Quốc.