Trung Quốc là quốc gia nổi tiếng với mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bậc nhất thế giới. Từng xếp ô nhiễm môi trường vào diện “bí mật quốc gia”, nay Bắc Kinh chính thức thừa nhận thực trạng đó trong một báo cáo của Bộ Bảo vệ Môi trường.
Báo cáo cho biết, từ tháng 4/2005 tới tháng 12/3013, Bộ Bảo vệ Môi trường đã thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên về tình trạng ô nhiễm toàn quốc.
"Kết quả khảo sát cho thấy tình trạng ô nhiễm đất trên cả nước rất đáng bi quan. Tại nhiều khu vực, nạn ô nhiễm đất diễn ra nghiêm trọng. Chất lượng đất canh tác cũng ở mức đáng lo ngại", báo cáo cho hay.
Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng trong tương lai. Ảnh: trust.org. |
Theo tạp chí World Policy, báo cáo là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với giới chức Trung Quốc về khủng hoảng lương thực tiềm tàng trong tương lai.
Nhằm đẩy nhanh sự phát triển kinh tế và do nền kinh tế toàn cầu khát hàng rẻ của Trung Quốc, Bắc Kinh đã thờ ơ với lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, nạn tham nhũng trong nông nghiệp và môi trường càng làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Trước đây, nhiều quan chức môi trường hàng đầu của Trung Quốc như ông Zhu Shengzian, Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường, từng tỏ rõ sự bất bình trước việc giới chức thực thi một cách lỏng lẻo các quy định liên quan tới ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, tiếng nói của ông Zhu không đủ mạnh để xoay chuyển tình hình.
Ô nhiễm tại Trung Quốc là ô nhiễm công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp hóa chất và ngành sản xuất điện từ than đá.
Theo Natural News, mỗi năm ngành công nghiệp của Trung Quốc và các nhà máy nhiệt điện thải ra hàng triệu tấn chất gây ô nhiễm nặng gồm cadmium, chì, thủy ngân, niken và arsen. Chúng có khả năng gây ung thư và các bệnh nan y khác.
Để đảm bảo sự ổn định của hoạt động cung cấp lương thực, Trung Quốc sẽ phải tăng cường nhập khẩu lương thực trong những năm tới. Bắc Kinh sẽ phải hướng tới Đông Nam Á - khu vực đang căng thẳng với Trung Quốc do tranh chấp lãnh thổ kéo dài.
Ông Yanzhong Huang - một chuyên gia cao cấp về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại Trung Quốc – cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2013, Trung Quốc đã nhập 1,14 triệu tấn gạo của Việt Nam.
World Policy nhận định an ninh lương thực dài hạn của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào khả năng của chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. Các quan chức Trung Quốc đã mất quá nhiều thời gian để tranh cãi về việc đất nước không thể hy sinh tăng trưởng kinh tế vì lợi ích môi trường. Chính tâm lý ấy đã làm thay đổi quá trình ổn định kinh tế xã hội của Trung Quốc và dẫn tới nhiều hậu quả khôn lường.