Theo tờ Ten Asia, những nhóm nhạc nam ra mắt trong giai đoạn 2000-2015 được đông đảo khán giả biết đến, chẳng hạn DBSK, Big Bang, Super Junior, 2PM hay SHINee. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với thế hệ thần tượng thứ 4.
Bức tường mang tên BTS
Ở giai đoạn hiện tại, trong khi các nhóm nhạc nữ như TWICE, BlackPink, Red Velvet, ITZY, aespa, IVE hay NewJeans đã khẳng định vị thế vững chắc, được công chúng biết đến rộng rãi và liên tục càn quét các bảng xếp hạng âm nhạc, câu chuyện về nhóm nhạc nam Kpop dường như vẫn chủ yếu xoay quanh BTS - “bức tường khổng lồ” đối với các boygroup thế hệ mới, Ten Asia nhận định.
Bang Shi Hyuk - Chủ tịch HYBE Corporation - thừa nhận thực trạng này: “Rõ ràng, các chỉ số tăng trưởng của Kpop có xu hướng chững lại. Xét một cách tổng thể, thị trường âm nhạc Hàn Quốc đang bị thu hẹp khi thiếu sự xuất hiện của BTS”.
Các nhóm nhạc nam thế hệ mới cần vượt qua "bức tường BTS" để khẳng định vị thế. Ảnh: Naver. |
Song, ông Bang cho rằng nếu tất cả thành viên BTS quay trở lại hoạt động (sau thời gian nhập ngũ), cuộc khủng hoảng có thể vẫn chưa chấm dứt. Do vậy, theo Ten Asia, các nhóm nhạc nam gen 4 cần tận dụng giai đoạn BTS tạm dừng hoạt động để xoay ngược tình thế.
Trên thực tế, các công ty giải trí Hàn Quốc bắt đầu nhen nhóm kế hoạch về việc xây dựng “BTS thế hệ mới” từ năm 2021. Họ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá của nam thần tượng, từ đó gia tăng độ nhận diện công chúng.
Nỗ lực tìm kiếm, đào tạo thần tượng nam
Ten Asia nhận định các đài truyền hình Hàn Quốc đang cố gắng hướng sự chú ý của người hâm mộ tới nam idol thông qua loạt chương trình sống còn dành cho họ, chẳng hạn Peak Time (phát sóng trên đài JTBC), Boys Planet của Mnet và Boys Fantasy (sản xuất bởi MBC).
Format của Boys Planet tương tự các chương trình sống còn trước đó do Mnet sản xuất. Tuy nhiên, chương trình gây chú ý khi tuyên bố sẽ mang đến nhóm nhạc nam tân binh thế hệ thứ 5 chất lượng. Thực tế cho thấy dàn thí sinh của Boys Planet nhận được đông đảo sự quan tâm của khán giả theo dõi nhờ tài năng và sức hút, có thể kể đến Sung Han Bin, Zhang Hao hay Han Yu Jin.
Loạt chương trình thực tế dành cho nam thần tượng liên tục ra mắt. Ảnh: Nate. |
Theo trang tin, tập mới nhất của Boys Planet ghi nhận tỷ suất người xem tương đối cao, 3,9%. Nguồn tin cũng cho biết tệp khán giả chính của chương trình thuộc độ tuổi 10-20. Do đó, Boys Planet được kỳ vọng mang lại kết quả khả quan.
Trong khi đó, Boys Fantasy hướng đến nhóm khán giả tại nước ngoài. Chương trình dự kiến phát sóng tại nhiều quốc gia, bao gồm Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Myanmar, Việt Nam, Campuchia và Lào. Không những vậy, đội ngũ sản xuất Boys Fantasy đã lên kế hoạch tổ chức buổi xem trước Show Music Core để tăng độ nhận diện với khán giả trong nước.
Mặt khác, Ten Asia cũng chỉ ra tiềm năng phát triển của một số nhóm nhạc nam gen 4 trong thời gian tới. Hai album Oddinary và Maxident của Stray Kids, phát hành hồi tháng 3 và tháng 10/2022, lần lượt dẫn đầu bảng xếp hạng Billboard 200, Billboard Mỹ. Ngoài ra, TXT - nhóm nhạc đàn em BTS - cũng từng đứng đầu Billboard 200 với album The Name Chapter: Temptation.
Vị trí của thần tượng trên các bảng xếp hạng âm nhạc phần nào phản ánh độ lớn mạnh của cộng đồng người hâm mộ. Lý do là các thứ hạng này hầu hết dựa trên chỉ số lượt nghe của fan. Bên cạnh Stray Kids và TXT, các nhóm nam khác như NCT, ENHYPEN và ATEEZ được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thế hệ mới của Kpop.
Ten Asia nhận định các công ty giải trí và đài truyền hình Hàn Quốc đang đặt cược vào loạt chương trình sống còn cũng như tiềm năng phát triển tân binh trong giai đoạn thiếu vắng "gã khổng lồ" BTS.
6 cuốn sách hay về Kpop:
Các cuốn sách Shine, I'll Be The One, Kpop Revolution... khai thác nhiều khía cạnh trong Kpop như quá trình trở thành thần tượng, khó khăn, áp lực từ công chúng. Trong đó, tiểu thuyết Shine của Jessica Jung (cựu thành viên SNSD) kể về Rachel Kim - thực tập sinh tại một trong những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc. Để thực hiện ước mơ, Rachel phải đối mặt với nhiều thử thách khác nhau trong giới giải trí.