Cảnh sát đang nghi ngờ hai vụ này có liên hệ với nhau. Những kẻ này dường như lên kế hoạch thực hiện một vụ lao xe vào đám đông khác chỉ vài giờ sau vụ tấn công trên phố Las Ramblas nổi tiếng ở Barcelona.
Truyền thông địa phương cho hay những nghi phạm trong vụ ở Cambrils đã tông vào một xe cảnh sát cũng như nhiều người dân vào tối muộn ngày 17/8 trước khi bị cảnh sát bắn hạ. Một tên còn dùng dao để tấn công khiến 5 dân thường và một sĩ quan bị thương, trong đó 2 người nguy kịch.
Xe tấn công, bom tự sát
Cảnh sát Cambrils cho hay họ đang tiến hành điều tra với giả thiết rằng các nghi phạm có liên quan đến vụ xe tải lao vào người đi bộ ở Las Ramblas trong buổi chiều cùng ngày, khiến 14 người chết và khoảng 100 người bị thương. Cuộc truy tìm tài xế hung thủ vẫn đang diễn ra, dù cảnh sát đã bắt giữ 2 nghi phạm gồm người được cho là đã thuê chiếc xe.
3 vụ việc liên tiếp xảy ra cùng một ngày tại 3 địa phương thuộc vùng Catalan, Tây Ban Nha. Đồ họa: Straits Times. |
Tại Cambrils, "những kẻ tình nghi khủng bố lái chiếc Audi A3 và dường như đã hất tung vài người trước khi tông vào xe cảnh sát dẫn đến vụ nổ súng", người phát ngôn cảnh sát Catalan cho biết.
Markel Artabe, nhân viên nhà hàng 20 tuổi, nói cậu đang đi dạo bên bờ biển thì nghe thấy tiếng súng nổ mà ban đầu cậu còn nghĩ đó là pháo hoa. Cậu kể cậu nhìn thấy một người bò trên mặt đất "với vết đạn trên đầu" còn những người bạn của nạn nhân khóc nấc nghẹn cầu cứu.
Joan Marc Serra Salinas, phục vụ bàn 21 tuổi, cho biết cậu đã nghe thấy nhiều tiếng súng. "Và cả tiếng la hét. Càng lúc càng nhiều. Tôi chạy thẳng ra bãi biển và không đi đâu cả", cậu nói.
Cảnh sát cũng tin rằng một vụ nổ vào tối hôm đó tại thị trấn Alcanar, cách Barcelona 200 km về phía nam, cũng được cho là có liên quan đến vụ khủng bố ở Las Ramblas. Vụ nổ khiến một người thiệt mạng và cảnh sát nghi ngờ rằng những người ở trong ngôi nhà đang "chuẩn bị thiết bị nổ".
Cảnh sát đang đi theo nhiều hướng khác nhau trong việc điều tra và truy bắt nghi phạm tại cả 3 địa điểm nói trên.
Bộ trưởng Nội vụ Joaquim Forn nói số người chết có thể tăng lên vì ít nhất 15 người trong số 100 người bị thương ở Barcelona đang ở trong tình trạng nguy hiểm.
Các nhân chứng cho hay chiếc xe tải màu trắng chạy theo đường zigzag trên con phố đông khách du lịch nhất thành phố. Theo ông Forn, người tài xế "có ý định giết chết nhiều người nhất có thể".
Chiếc xe bị lật ngửa của các nghi phạm lật trong vụ ở Cambrils. Ảnh: Getty. |
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
"Những người gây ra vụ tấn công tại Barcelona là binh sĩ của IS và đã tiến hành hoạt động theo lời kêu gọi nhắm vào các nước thuộc liên minh", hãng tin Amaq của IS đề cập đến liên minh chống IS cho Mỹ dẫn đầu.
Không có nơi nào an toàn?
Nếu thông tin trên được xác nhận, đây sẽ là vụ tấn công mới nhất trong chuỗi các vụ khủng bố bằng xe suốt 13 tháng qua tại châu Âu, sau các vụ ở Nice (Pháp), Berlin (Đức) và London (Anh). IS đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này.
Trong bối cảnh đó, tấn công bằng xe chưa từng xảy ra tại Tây Ban Nha dù nước này từng chứng kiến vụ tấn công đẫm máu nhất châu Âu do các phần tử thánh chiến gây ra hồi năm 2004. Những kẻ bị ảnh hưởng bởi tổ chức khủng bố al Qaeda đã cho nổ một quả bom trên tàu điện ở thủ đô Madrid làm 191 người thiệt mạng.
Thủ tướng Mariano Rajoy đã cắt ngắn kỳ nghỉ để bay đến Barcelona, thành phố lớn thứ 2 đất nước. Ông tuyên bố 3 ngày quốc tang đồng thời mạnh mẽ bảo vệ các giá trị dân chủ.
"Chúng ta không chỉ đoàn kết trong lễ tang. Trên hết chúng ta đoàn kết với ý chí sắt đá trong việc đánh bại những kẻ muốn tước đoạt những giá trị của chúng ta, phá bỏ lối sống của chúng ta", ông nói.
Sau Pháp, Đức, Anh, đến lượt Tây Ban Nha bị tấn công khủng bố bằng xe. Ảnh: Getty. |
Vào tháng 7/2015, một kẻ tấn công đã phóng hỏa bên ngoài một khách sạn ở khu vực gần phố Las Ramblas, khiến 2 người bị thương. Một người bị trúng đạn trong khi người còn lại bị thương khi họ cố chạy trốn tay súng.
Tây Ban Nha trở thành mục tiêu với các phần tử thánh chiến. Các website cực đoan thường đề cập đến Tây Ban Nha vì các lý do lịch sử khi nhiều phần lãnh thổ của quốc gia Địa Trung Hải này từng nằm dưới sự thống trị của Hồi giáo.
Theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, hơn 180 "tên khủng bố thánh chiến" đã bị bắt kể từ tháng 6/2015 khi nước này nâng cảnh báo khủng bố lên cấp 4 trong thang 5 cấp. Tây Ban Nha hiện là nước thu hút lượng khách du lịch lớn thứ ba trên thế giới.