Theo đó, các nhóm al-Qaida và Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS) gần đây đã yêu cầu những kẻ ủng hộ chuyển tiền cho chúng bằng Bitcoin.
Thậm chí website có tên Akhbar al-Muslimin của tổ chức khủng bố ISIS còn đưa cả chiến dịch quyên góp tiền bằng Bitcoin lên website. Đầu tháng này, Viện nghiên cứu Trung Đông (MERI) công bố báo cáo nói rằng nhóm khủng bố jihadi đã sử dụng kênh Telegram để gửi Bitcoin cho các tay súng tại Syria.
Nhiều cơ quan luật pháp trên thế giới đang lo ngại về nguy cơ tiền ảo có thể bị lợi dụng để mở rộng mạng lưới khủng bố. EU gần đây đã áp dụng chính sách mới chặt chẽ hơn trong quản lý các nền tảng giao dịch tiền kỹ thuật số.
Do tăng giá mạnh, bitcoin đang lọt vào tầm ngắm của khủng bố. |
Cuối tuần trước, tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua khoản chi 700 triệu USD cho quốc phòng, trong đó có mục thực hiện nghiên cứu mới về “nỗ lực của tổ chức cực đoan, thế lực nước ngoài và mạng lưới tội phạm lợi dụng các công nghệ mới như blockchain”.
Tuy nhiên, hầu hết giới chuyên gia đều đồng ý rằng đây là hiện tượng khá hiếm và ít tác động tới thị trường tiền kỹ thuật số, ít nhất cho tới thời điểm này. Các chiến dịch quyên góp tiền cho khủng bố kiểu này chỉ lấy được tối đa vài trăm USD tiền ảo, thấp hơn nhiều các chiến dịch “gây quỹ” khác.
Tuy vậy, kể cả một xu một hào gửi cho khủng bố đều bị coi là hành vi phạm pháp. Công dân Mỹ Zoobia Shahnaz vừa bị cơ quan pháp luật nước này buộc tội rửa tiền vì gửi Bitcoin cho ISIS.
“Các bằng chứng cho thấy mức độ sử dụng tiền ảo của khủng bố còn thấp, tới nay mới chỉ có vài trường hợp cá biệt”, nữ nghị sĩ Kathleen Rice, Mỹ nói với tờ tin Motherboard.
“Thế nhưng, những trường hợp này đều mới xảy ra cho thấy xu hướng khủng bố ngày càng quan tâm nhiều hơn tới tiền ảo”, bà Kathleen Rice nhận định.
Bitcoin được vận hành trên mạng lưới blockchain công khai nên rất dễ truy vết. Các chuyên gia chỉ lo ngại về dạng chuyển tiền ẩn danh, chẳng hạn với các tiền ảo nhỏ hơn như monero và zcash.
Theo báo cáo của Trung tâm An ninh New American, thực tế vẫn có nhiều yếu tố thị trường ngoài có thể ngăn chặn khủng bố lợi dụng tiền ảo.
Các nhóm phiến quân thường hoạt động tại các khu vực có hạ tầng Internet kém nên việc khai thác tiền ảo không mấy khả thi. Ngoài ra, các nhóm này có các nguồn thu nhập khác tin cậy hơn nhiều so với tiền ảo, chẳng hạn từ bán dầu.
Chỉ có một lý do khiến các nhóm khủng bố này quan tâm tới tiền ảo là bởi giá của chúng tăng cao trong thời gian qua.