Mục đích của chúng là nhằm mua chuộc, lôi kéo, tập hợp lực lượng từ các phần tử dân tộc, tôn giáo cực đoan, đối tượng có tư tưởng hận thù, thoái hóa buyến chất, cơ hội, bất mãn, một bộ phận quần chúng nhẹ dạ cả tin..
Nhận định này được Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đưa ra tại Hội nghị Phổ biến, Quán triệt và Tập huấn công tác Phòng, chống khủng bố (PCKB) sáng 28/12, với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố của Bộ.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Cơ sở Thông tin và truyền thông vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện của khủng bố. Ảnh: T.Hương |
Theo Thứ trưởng, trong những năm qua, hoạt động khủng bố trên thế giới không ngừng gia tăng cả về số vụ, quy mô, phương thức và tính chất nguy hiểm. Ở Việt Nam, dù chưa xảy ra khủng bố do các tổ chức khủng bố tiến hành, song những biểu hiện của các hoạt động tội phạm có tổ chức gần đây cũng "tiềm ẩn những mầm mống, nguy cơ khủng bố".
Đặc biệt, lợi dụng chủ trương hội nhập quốc tế của VN, một số đối tượng đã liên lạc, móc nối với một số tổ chức nước ngoài liên quan đến khủng bố. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch và phản động sử dụng tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội từ bên ngoài để tuyên truyền tâm lý, tạo dư luận trong nước cũng như ngoài nước để chống phá VN;
Một số tình trạng đáng lo ngại đã xuất hiện, như một bộ phận người dùng Internet tại VN thiếu thông tin, nhận thức hạn chế, trong đó có một bộ phận thanh thiếu niên thích thể hiện bản thân, thường Like và Sharre các trang fanpage của tổ chức khủng bố, hay vụ việc 3 học sinh thiếu hiểu biết tự nhận là nhóm khủng bố IS thực hiện vụ tấn công hôm 13/11 tại Paris, dùng lời lẽ khiêu khích, thách thức trên trang Facebook mà không lường được hậu quả, gây hoang mang cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.
"Thực tế cho thấy, cơ sở hạ tầng mạng lưới, các cơ sở hoạt động thông tin và truyền thông vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện của khủng bố. Do đó, việc quán triệt, xây dựng phương án, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ an ninh, phòng chống ở mỗi cơ quan, đơn vị là nhiệm vụ hết sức quan trọng", Thứ trưởng nêu quan điểm.
Internet là Mặt trận mới của khủng bố
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của CNTT, hoạt động khủng bố qua không gian mạng bắt đầu nổi lên như một thách thức toàn cầu, diễn ra theo 3 hình thức chủ yếu: Tấn công hệ thống mạng thông tin nhằm mục đích khủng bố; Sử dụng mạng để tài trợ, tuyên truyền, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện lực lượng để thực hiện hành vi khủng bố và Phát tán thông tin lên mạng nhằm khủng bố tinh thần.
Hoạt động tấn công khủng bố trên mạng có thể được thực hiện bởi một đối tượng, một nhóm đối tượng hoặc một tổ chức với mục đích xâm nhập, đánh cắp thông tin nhằm gây sức ép với chính quyền để thỏa hiệp hoặc đạt một yêu cầu nào đó, hoặc tấn công phá hoại cơ sở hạ tầng không gian mạng và các cơ sở vật chất kỹ thuật liên quan. Do tính ẩn danh, ở giai đoạn đầu của các hoạt động tấn công, rất khó để phân biệt đâu là hoạt động khủng bố mạng, đâu là hoạt động chiến tranh mạng và đâu là hoạt động tấn cong của tội phạm mạng thông thường.
Trên thế giới, thời gian qua đã diễn ra nhiều hoạt động phát tán thông tin, kêu gọi khủng bố, tấn công mạng nhằm mục đích khủng bố. Chẳng hạn như tháng 11/2011, hai vệ tinh khí tượng của Mỹ đã bị tin tặc xâm nhập. Tháng 7/2015, tin tặc kiểm soát hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Đức đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria, ép hệ thống này thực hiện một số mệnh lệnh và khiến sỹ quan chỉ huy không thể điều khiển được.
Nguy hiểm hơn, các phần tử Hồi giao cực đoan quá khích đang xây dựng một môi trường tư tưởng mới trên không gian mạng toàn cầu. Internet được khủng bố sử dụng để trao đổi, thu thập thông tin, phối hợp tấn công, tuyên truyền, nhận hỗ trợ tài chính và tuyển mộ lực lượng. Al-Qaeda, IS đã thiết lập hàng chục nghìn tài khoản trên các mạng xã hội Twitter, Facebook... để liên lạc, tuyên truyền, tập hợp lực lượng. IS thậm chí còn thành lập Đơn vị Tấn công công nghệ cao Nhà nước Hồi giáo (ISHD), chuyên thực hiện các cuộc tấn công mạng mang mục đích khủng bố, lôi kéo nhiều hacker hàng đầu thế giới tham gia như Junaid Hussain, cựu thành viên nhóm tin tặc nổi tiếng TeaMp0isoN. Cuối năm 2014, ISHD đã tấn công hệ thống dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, tháng 4/2015, chúng tấn công, đánh sập trang web của sân bay Hobart (Úc), phát tán thông tin cá nhân của 1400 quân nhân Mỹ. Theo số liệu công bố cuối tháng 5/2015 của LHQ, IS đã tích cực sử dụng truyền thông xã hội để tuyển mộ chiến binh, tìm cách truyền bá tư tưởng cực đoan và hành động bạo lực với khoảng 40.000 thông điệp/ngày trên Twitter; tuyển mộ thành công chiến binh từ hơn 90 quốc gia thông qua Internet.
Việc quản lý Internet cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, có thể dễ dàng tìm thấy những tài liệu hướng dẫn cách chế tạo thuốc nổ, bom mìn, phương thức tấn công, đối phó với cơ quan chức năng... trên mạng Internet. Hơn nữa, tốc độ lan truyền và ảnh hưởng qua mạng Internet, mạng xã hội không kiểm soát được dẫn đến những hành động thực tế như bạo loạn, biểu tình, khủng bố (như các cuộc cách mạng màu ở Trung Đông, Bắc Phi, Hồng Kong...). Nguy hiểm hơn, nếu bọn khủng bố lợi dụng công nghệ cao tiến hành thành công hành vi khủng bố như can thiệp hệ thống giao dịch điện tử ngân hàng, tấn công - đánh sập hệ thống kiểm soát không lưu, mạng lưới cung cấp điện quốc gia thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
Còn tại VN, theo các chuyên gia, nguy cơ sử dụng không gian mạng vào mục đích khủng bố thực chất đã xuất hiện, chỉ có điều chưa gây ra hậu quả nào quá nghiêm trọng. Mỗi năm, nước ta có hàng nghìn cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử bị tin tặc tấn công, chiếm quyền quản trị, thay đổi giao diện, chỉnh sửa nội dung, hoặc gây đình trệ, rooisd loạn hoạt động. Trong đó có nhiều trang của các cơ quan chính quyền cấp Trung ương và địa phương, một số báo điện tử, tập đoàn kinh tế lớn. Có thời điểm tin tặc nước ngoài tấn công đồng loạt hàng trăm website và để lại những thông điệp mang nội dung chính trị....
Bên cạnh đó, hoạt động của các đối tượng khủng bố có tính chất cá nhân cũng đã xuất hiện, chủ yếu là đe dọa khủng bố qua điện thoại, gửi tin nhắn, email. Đối tượng trong các trường hợp này thường hiểu biết về dịch vụ viễn thông và mạng Internet, có bất mãn, mâu thuẫn về lợi ích, quyền lợi, địa vị với người bị đe dọa. Chúng thường sử dụng điện thoại di động với sim trả trước, không đăng ký thuê bao, chỉ dùng để gọi, nhắn tin đến số máy nạn nhân để đe dọa trong một thời gian, h rồi bỏ, hoặc lợi dụng mạng Internet, truy cập bằng các IP giả hoặc IP ở nước ngoài để gửi email đe doạ, khủng bố...
Cần ngăn chặn từ gốc
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, "PCKB là cuộc đấu tranh hết sức gay go, phức tạp, quyết liệt và lâu dài, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai chặt chẽ, toàn diện, khẩn trương, thận trọng, cả trong chuẩn bị lẫn thực hành xử lý vụ việc cụ thể. "Cần lấy phòng ngừa là chính, thực hiện ngăn chặn, xử lý ngay từ gốc là quan trọng".
Tuy vậy, đây là lĩnh vực mới, phức tạp, trong khi VN chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì thế, công tác này rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan, trong đó có sự hiệp đồng, phối hợp giữa Bộ TT&TT với lực lượng chuyên trách PCKB", Thứ trưởng khuyến nghị. Lý do là vì truyền thông là phương pháp hữu hiệu nhất để giúp cộng đồng, người dân nhận được thông tin, có kiến thức về an ninh trật tự, PCKB, tự bảo vệ bản thân. Mặt khác, truyền thông còn giúp các cấp chính quyền, Bộ, ngành quan tâm, đầu tư hơn cho công tác đảm bảo an ninh quốc gia, PCKB...
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Phổ biến, Quán triệt và Tập huấn công tác PCKB cho các học viên đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ, với mục đích cập nhật tình hình, trang bị kiến thức PCKB cơ bản cho ngành.
Bộ TT&TT xác định, trọng tâm công tác phòng chống khủng bố trong thời gian tới của Bộ sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức cho các cán bộ, công nhân viên, chú trọng công tác bảo vệ nội bộ; Tăng cường công tác bảo vệ, tuần tra kiểm soát và Xây dựng phương án, tổ chức diễn tập phòng chống khủng bố, đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo...
Đặc biệt, Bộ sẽ xây dựng chương trình, Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống khủng bố thường niên, đưa ra những nội dung công việc để tổ chức thực hiện. Định kỳ 6 tháng, 1 năm sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn vướng mắc. Kết quả thực hiện gửi về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCKB quốc gia để tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, với tư cách cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT, Bộ sẽ nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, phân tích và dự báo tình hình trên lĩnh vực Internet, viễn thông; chủ động nắm và đánh giá xu hướng, hoạt động lợi dụng mạng viễn thông, dịch vụ Internet để tuyên truyền cho chủ nghĩa/hoạt động khủng bố, xâm phạm an ninh quốc gia; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh quốc gia trên lĩnh vực viễn thông, Internet...