Sau gần hai năm chạy trốn, các chỉ huy phó của tổ chức phiến quân Abu Sayyaf đang tái xây dựng lực lượng. Những tuần qua, hoạt động của các nhóm Abu Sayyaf trên vùng biển phía Nam Philippines gây lo ngại về tình trạng bắt cóc tống tiền, từng một thời là cơn ác mộng cho dân địa phương và các tàu thương mại.
Abu Sayyaf tái tổ chức
Một trong những tên cầm đầu của các nhóm Abu Sayyaf mới nổi lên là Indang Susukan. Tên này từng được cho là bị cảnh sát Philippines tiêu diệt trong một chiến dịch truy quét của vào thành phố Talipao, đảo Jolo.
Trong quá khứ, Indang từng nhiều lần tổ chức các chiến dịch bắt cóc đòi tiền chuộc từ bờ biển Sabah, Malaysia. Một trong các nạn nhân của tên này là Bernard Then, công dân Malaysia, bị Abu Sayyaf chém đầu năm 2015 sau khi yêu cầu đòi tiền chuộc không được đáp ứng.
Một nhóm Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines. Ảnh: Inquirer. |
Tên phó chỉ huy Indang sau khi bình phục khỏi vết thương do đạn bắn từ chiến dịch truy quét của cảnh sát Philippines đã mai danh ẩn tính một thời gian, đồng thời thay đổi diện mạo bề ngoài.
Tại đảo Jolo, Indang đã cùng một nhóm chiến binh có tên Lucky 9 tổ chức các vụ bắt cóc người bản địa. Nhà chức trách Philippines phát hiện Indang còn sống khi tên này cùng đồng bọn âm mưu một kế hoạch bắt cóc xuyên biên giới.
Theo một nguồn tin tình báo địa phương cung cấp cho lực lượng an ninh Philippines, Indang đang phối hợp cùng một phó chỉ huy khác của Abu Sayyaf là Hatib Sawadjan, kẻ đã thoát khỏi chiến dịch truy quét các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Philippines.
Nguồn tin cho biết Indang và Hatib nhận tài trợ từ các thủ lĩnh chính trị tại miền Nam Philippines, những người ngày càng bất mãn với luật Bangsamoro Organic (BOL). Đạo luật BOL tạo ra một tiểu bang với đa số người Hồi giáo, thay thế cho Khu tự trị Hồi giáo Mindanao như trước đây.
Thông qua Abu Sayyaf, các thủ lĩnh chính trị bất mãn đã bỏ ra hơn 120.000 USD thuê 2 nhóm chiến binh tiến hành các hoạt động bắt cóc tống tiền tại ngoài khơi phía Đông Sabah. Những tên này đang nhắm vào các mục tiêu "có giá trị cao".
Tiếp tục bắt cóc tống tiền
Hôm 10/8, các nhóm Abu Sayyaf, dẫn đầu bởi Amah Ullah và Salip Mura, tấn công một tàu chở dầu ngoài khơi Tambisan, phía Đông Malaysia. Kế hoạch này phá sản khi lực lượng vũ trang Malaysia nhận được báo động từ nhóm thủy thủ trên tàu và nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Sau vụ tấn công tàu chở dầu bất thành của nhóm Abu Sayyaf, nhà chức trách Philippines lần theo dấu vết của Amah tới chuỗi đảo Tawi - Tawi tại miền Nam Philippines. Tại đây, Amah bị quân đội Philippines tiêu diệt, trong khi nhiều thành viên trong nhóm của tên này bị bắt.
Đồng đảng của Amah là Salip trốn thoát tới đảo Palawan. Tại đây, tên này cùng nhóm chiến binh bắt cóc 2 dân thường và trở về đảo Jolo.
Hôm 11/9, một nhóm chiến binh khác của Abu Sayyaf do tên Titing chỉ huy âm thầm đi thuyền nhỏ từ đảo Siluag, Philippines qua vùng nước cạn, đến vùng biển Sabah, Malaysia. Nhóm này sau đó tấn công tàu đánh cá neo đậu tại Pulau Gaya, bần thị trấn Semporna và bắt cóc 2 ngư dân Indonesia. Hai ngư dân xấu số bị đưa về đảo Jolo và hiện bị tên Indang giam giữ.
Abu Sayyaf khét tiếng với các hoạt động bắt cóc con tin đòi tiền chuộc. Ảnh: Inquirer. |
"Những kẻ bắt cóc nghĩ rằng các nạn nhân là người Malaysia bởi tàu cá treo cờ Malaysia", nguồn tin của cảnh sát Philippines cho biết. Nguồn tin này tiết lộ mỗi con tin Malaysia có thể được chuộc với giá 330.000 USD, trong khi tiền chuộc con tin Indonesia thường chỉ khoảng 15.000 USD.
Cảnh sát trưởng Sabah, Datuk Omar Mammah, cho biết nhận được yêu cầu đòi tiền chuộc từ những kẻ bắt cóc. Nhóm chiến binh Abu Sayyaf đòi khoản tiền hơn 1,2 triệu USD đổi lấy tự do cho 2 ngư dân hiện bị giam giữ tại Jolo.
"Không có gì ngạc nhiên, khoản tiền chuộc được thông báo lúc đầu luôn rất lớn, nó là một phần trong chiến lược thương lượng của những nhóm như thế này", nguồn tin của an ninh Philippines cho biết.
Vụ bắt cóc hôm 11/9 được cho là bài thử nghiệm của các nhóm chiến binh Abu Sayyaf. "Vụ bắt cóc đã thành công, các nhóm bắt cóc sẽ sử dụng phương thức đó, đi qua các vùng nước cạn, tiến hành nhiều vụ bắt cóc quy mô lớn hơn gần thị trấn Semporna".
Hôm 20/9, tại vùng biển Sabah, lực lượng an ninh Malaysia đã bắn chết hai kẻ được cho là "cộng tác viên" với các nhóm bắt cóc, đồng thời giải cứu 2 người. Cảnh sát cũng thu giữ một thanh kiếm và thuyền nhỏ, bị tình nghi được sử dụng trong vụ bắt cóc hôm 11/9 tại Pulau Gaya.
Nhà chức trách Malaysia cho biết hai kẻ bị tiêu diệt là đầu mối liên lạc của các nhóm liên quan tới vụ bắt cóc 2 ngư dân Indonesia. "Tôi tin rằng chúng ta đã cắt đứt đầu mối liên lạc của chúng, hy vọng sẽ không có những kẻ khác chỉ điểm giúp chúng đi vào vùng nước của chúng ta", Hazani Ghazali, chỉ huy lực lượng an ninh Sabah, cho biết.