Cuốn sách chia làm năm chương, nhân vật xưng “em” chứ không phải tôi hay một cái tên rõ ràng hoặc mơ hồ. Chọn xưng hô như vậy, người đọc dễ liên tưởng đến một chuyện kể thực, đời thường, giống với nhật ký lúc đọc vang lên và càng giống hơn lời tâm sự trực tiếp.
Em, tức cô gái trong tiểu thuyết, một bà mẹ ba đứa con và một người chồng xa lạ cả lúc chung sống lẫn khi qua đời tìm yêu và vỡ vụn vì yêu. Dọc ngang khắp 5 chương sách đều là những xúc cảm buồn, vui, hờn, dỗi, reo mừng, cay đắng, một sự hòa âm khó hòa vàng, chúng chỉ như những lợn cợn không gai nhọn xuyên vào xúc cảm.
Cô gái, em, bị bó trong môi trường ai cũng như thứ trang phục giống nhau, qua cử chị chào, cám ơn, đi vọt qua, tiêu biểu ở mối quan hệ giữa cô với chồng, không ai biết về nhau, người chồng không can thiệp vào cuộc sống của vợ, cô gái cũng thế, ly thân rồi ly hôn, tuyệt không chút đau khổ. Mối tình với người đàn ông tên Nguyễn Anh, trên mạng cũng thể hiện về sự cô đơn, bị đánh rỗng trong những cuộc chat, chơi game. Từ những cỗ máy, họ tiến đến tình bạn, rồi tình yêu.
Nguyễn Anh đốt lại lửa yêu trong cô gái, còn cô gái tiêu sầu cho anh. Cuộc tình của họ đều xoay quanh những thứ tưởng như lặt vặt nhưng rất tỉ mỉ, những cuộc café, dạo Bờ Hồ, ăn món ăn vặt, những cuộc điện thoại, tiếng cười, mùi nước hoa, mùi cơ thể, cái ôm, cái hôn, sự vuốt ve…
Tác phẩm Khúc đắm say tuyệt vọng của Camellia Dương. |
Nhiều cây bút trẻ muốn viết tiểu thuyết tình yêu rất hay lạm dụng yếu tố nhục cảm, họ bịa tạc ra sự lãng mạng, vống tướng lên, không hiệu quả, lại quay về mô tả tính dục. Đáng tiếc, họ viết về chuyện gối chăn quá lộ liễu, cố gồng lên để mùi yêu nồng nàn, họ nhầm, họ không làm ngát hương thêm ái tình, chỉ làm vẩn đục. Tanizaki, ông hoàng của chủ đề tính dục nhưng sách ông viết không có sự ô nhiễm của chữ.
Camellia Dương không bước vào văn chương với lối đi sáo mòn, cô dùng những sự tủn mụn, vụn vặt nhưng rất chi li để khái quát cho một thứ tình yêu đẹp, không thơ mộng nhưng đầy mộng mơ, gần với tình yêu tuổi học trò nhưng cao hơn, chạm đến tính người. Người đọc có thể cười ồ hoặc nheo mặt trước những cuộc thoại, những cử chỉ hơn hớn, nhiều khi vô duyên, nhiều khi phải thốt lên rằng “dào ôi, lũ trẻ thời nay toàn thế.”
Sự khác nhau giữa sách và đời là dụng ý, Camellia Dương sử dụng những thoại, tình tiết ngô nghê để nhân vật có đời sống của mình, nghĩa là họ nói và nghĩ đúng theo cảm xúc, đập trái tim của mình chứ không là món đồ chơi của tác giả. Mai Thảo viết “Nhân vật phải đoạn tuyệt với nhà văn” còn Chekhov từng nhiều lần nhắc nhở Maxim Gorki rằng “Cái hay của văn chương ở chỗ tự nhiên và đời thường” , truyện ngắn Vanka của Chekhov thể nghiệm rất rõ tư tưởng này. Trở lại Khúc đắm say tuyệt vọng, ngoài giọng kể ngây ngô, là những rung cảm, những hổn hển luôn muốn đắp đấy. Cảm xúc dày lên trong chuỗi độc thoại liên tục của người phụ nữ.
Cả Nguyễn Anh lẫn Dương Dương, tức em đều là những kẻ thất bại. Cô gái thất bại trong hôn nhân còn chàng trai thất bại trong mối tình với người yêu. Hai kẻ qua đường gặp nhau qua trò chơi trồng cây, vô tình thứ cây điện tử nối hai người lại, hai mầm cây vốn chết rũ tái sinh.
Tình yêu thì đẹp nhưng tình yêu sẽ đi về đâu. Lý Mạc Sầu cả cuộc đời luôn hát một câu “Thử hỏi thế gian tình là gì”. Romeo và Juliet yêu và tàn mệnh cũng vì thứ trái cấm này. Cô gái cùng người đàn ông tên Nguyễn Anh cũng thế, càng lún sâu vào tình ái, họ càng vỡ nát. Yêu rồi tan, người lạ lại thành người lạ.
Có hai lý do trong sự đổ vỡ. 1: Dương Dương và Nguyễn Anh có những giới hạn không cách nào phá vỡ. Nhân vật em là một thứ cây đói nước nhiều năm nên khi tìm thấy mạch nước liền uống cho đến cạn khô. Đọc hết sách, tuyệt nhiên không thấy đoạn nào viết riêng cho Nguyễn Anh, còn ham muốn yêu của cô giá quá mãnh liệt, như con ngựa mất cương cứ chạy chạy mãi bất chấp móng đã toác máu dưới đường đất.
Lý do Nguyễn Anh cắt đứt cuộc tình. “...anh dù sao cũng là con trưởng…”, “…anh bắt đầu thấy cần một gia đình của riêng anh”, chữ “con trưởng” nối với ngoại hình lần đầu tiên xuất hiện trên sách của Nguyễn Anh “bộ quân phục…” dù tác giả không tiết lộ thêm nhưng người đọc hoàn toàn có thể hiểu rằng người đàn ông đang buộc phải lựa chọn giữa tình yêu và cuộc đời.
Một người lính trong môi trường nghiêm ngặt, quy củ, sống trong gia đình hà khắc (con trưởng) thì việc cưới một cô gái tự do sẽ là một đại họa.
2: Cuộc tình đã quá giới hạn đáng ra phải kiểm soát. Tình yêu của cô gái quá sóng quá triều dâng khiến người tình cô thấy quá tải, bị đồn vào góc chết trong khi anh ta vốn chỉ coi mối tình này là một chặng dừng ga.
Trong dòng hồi ức ở trang đầu, có đề cập đến cái tên Camellia trong một cuộc đối thoại. Đây là mã khóa quan trong để bạch hóa tiểu thuyết.
Camellia là một loại hoa chè không chịu được nắng hạn, luôn đòi hỏi lượng mưa nhiều, cũng giống như tình yêu của cô gái trong sách, luôn đòi hỏi đến mức tham vọng. Bất kể loài cây nào, nếu uống nước quá nhiều ắt sẽ chết.
Camellia nếu chẻ ra, giữ lại Camel, sẽ thành tên một loại thuốc lá với bao bì con lạc đà. Em, người thiếu phụ cũng như con lạc đà giữa sa mạc hoang vắng, luôn cần nước cho chiếc bướu trên lưng. Khúc đắm say kết thúc không trong sự tuyệt vọng. Cả hai vẫn luyến mê.
Trang 110 và 111, điểm thắt cho sự chấm dứt : tình dục. Trước đó 100 trang chỉ là những bỏng rẫy, rã rời của tình yêu, không có cảnh làm tình hoặc có nhưng tác giả giấu đi trong những chi tiết giả như : nằm, vuốt ve, giường, ghế sofa. Khát vọng khi cháy, sẽ thành than. Tình dục vắt kiệt tình yêu. Năm chương nhạc gãy vụn trước khi hòa tan, bay theo khói tàn.
Gấp trang cuối cuốn sách, tôi chợt nhớ đến bài hát Mộng sầu của Trầm Tử Thiêng:
Tình mình bây giờ, đau như ngọn roi
Quất vào tim, vết bầm tím
Tình mình bây giờ, như chim gãy cánh
Chim gặp bão, chim gặp mưa
Khúc đắm say tuyệt vọng, say đắm nhưng không vọng tuyệt. Nhà văn Tạ Duy Anh viết trong lời tựa: “…một cuốn sách chỉ dày hơn 100 trang in, lại chưa hoàn chỉnh về mặt kết cấu để có thể tự tin là một tác phẩm…nhưng có lẽ cũng chỉ cần đến thế, chỉ với năm chương, như một mảnh hoa văn đẹp văng ra từ kho báu…”.
Với tôi, cuốn sách này như một tâm thư viết cho mình, một nhật ký, một đoản hồi ức ghi chép, một phim ngắn. Hay dở của một cuốn sách khó nói trước, Khúc đắm say sẽ còn tấu hay đàn gãy, phím long cũng không ai biết. Người viết chỉ có một nghĩa vụ duy nhất: viết, cho mình và dành cho người.