“Mọi người xa lánh phố người Hoa. Những người phục vụ chỉ đứng quanh quẩn trong các phòng ăn vắng vẻ. Người gốc Á sợ ra ngoài sau khi trời tối", bà Grace Young, tác giả một quyển sách về ẩm thực, nói với Washington Post về tình hình ở phố người Hoa trong bối cảnh đại dịch hoành hành cùng nạn kỳ thị người gốc Á gia tăng.
Người phụ nữ 65 tuổi và sinh sống hơn 40 năm ở phố người Hoa tại thành phố New York đã gặp gỡ nhiều chủ cửa hàng tại đây, tìm hiểu về hoạt động của họ trong những giai đoạn khó khăn. Khi New York phong tỏa, khu phố Hoa trở thành một "thị trấn ma", chủ các cửa hàng ở phố người Hoa tại New York chán chường trước tình cảnh kinh doanh sa sút.
Các cộng đồng người châu Á khác trên khắp nước Mỹ cùng chung cảnh ngộ, theo bà Young.
Bà Grace Young, 65 tuổi, đang tìm hiểu về sự khó khăn của các khu phố Hoa, trong bối cảnh các cửa hàng phải đóng cửa vì Covid-19 và sự bạo lực đối với người châu Á. Ảnh: Washington Post/Jeenah Moon. |
Nỗi lo sợ
Sau khi trải qua đại dịch, bà Young nhận ra mình đã phớt lờ tầm quan trọng của khu phố Hoa, nơi bà sống hơn 40 năm. "Tôi từng nghĩ rằng nó sẽ mãi mãi tồn tại".
Giờ đây, khi đi qua những con đường vắng vẻ trong khu phố, bà Young sợ rằng khu dân cư mang tính biểu tượng này có thể biến mất mãi mãi. Những con phố khác như phố người Nhật, người Hàn hoặc khu Little Saigon của cộng đồng gốc Việt trên khắp nước Mỹ cũng có thể đối mặt với tình trạng tương tự.
Khu phố Hoa ở thủ đô Washington D.C là ví dụ điển hình cho sự biến mất của một cộng đồng lâu đời. 30 năm trước, nơi đây từng phục vụ cho một lượng lớn dân châu Á, với nhiều cửa hàng thực phẩm và hàng chục nhà hàng truyền thống.
Nơi này hiện chỉ còn lại một vài nhà hàng Trung Quốc còn hoạt động, cùng với đó là số lượng cư dân Mỹ gốc Á ngày càng ít đi.
Người dân ăn uống bên ngoài Nom Wah Tea Parlor, thành phố New York. Ảnh: Washington Post/Jeenah Moon. |
Mei Chau, chủ sở hữu nhà hàng Malaysia - Pháp Aux Epices, là một trong những người đầu tiên mà bà Young trò chuyện. Hồi giữa tháng 3/2020, bà Chau từng lạc quan rằng cuộc khủng hoảng y tế sẽ sớm được giải quyết.
Tuy nhiên, một tuần sau, khi mệnh lệnh người dân phải ở yên trong nhà có hiệu lực trên toàn tiểu bang, bà Young trở lại tìm Chau để tìm hiểu tình hình. Lúc này, người phụ nữ 25 năm hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng đang lo ngại về nhân viên của mình.
Bà Chau nói: "Nhiều người trong nhà hàng tôi là phụ nữ châu Á. Họ sợ phải ra ngoài một mình để đi tàu điện ngầm đến nơi làm việc. Điều này làm tôi rất buồn vì Mỹ là một đất nước tuyệt vời, nhưng chính chúng ta đang xâu xé lẫn nhau".
Đến tháng 5/2020, sau những nợ nần chồng chất, kinh doanh bết bát và chỉ còn một nhân viên, Aux Epices đóng cửa vĩnh viễn. Việc này khiến cho laksa, một món ăn đặc trưng của Đông Nam Á, trở thành dĩ vãng.
Mei Chau đứng bên ngoài Spongies Cafe, nơi từng là nhà hàng Aux Epices của bà. Ảnh: Washington Post/Jeenah Moon. |
Giữ gìn các giá trị truyền thống
Quán Pasteur Grill and Noodles là một trong số những nhà hàng còn hoạt động ở phố người Hoa tại New York. Ông Dennis Chung, 62 tuổi, chủ nhà hàng từ năm 1995, làm việc nhiều giờ liền để chế biến các món ăn truyền thống Việt Nam, như các loại phở khác nhau và tôm hùm xào sả ớt.
“Tôi chỉ về nhà để tắm và ngủ”, ông Chung nói.
Con trai ông, Tony, 24 tuổi, đang học thạc sĩ về khoa học y sinh tại một trường y, xem cửa tiệm như ngôi nhà thứ hai.
Ông Dennis Chung phục vụ thức ăn tại Pasteur Grill and Noodles. Ảnh: Washington Post/Jeenah Moon. |
Trong đại dịch vừa qua, Tony thực sự thấu hiểu những gì cha anh đã gầy dựng và tại sao lại quan trọng để giữ nhà hàng này hoạt động. "Về lý do cá nhân, đây là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình chúng tôi", Tony nói, "Nhà hàng này cũng là để nhận diện bản sắc cá nhân".
Với anh, một tô phở không chỉ đơn thuần là thịt, rau, phở và nước dùng, mà còn là sự thể hiện lịch sử tồn tại của Việt Nam.
“Chúng tôi đang kể một câu chuyện thông qua món ăn của văn hóa mình”, anh nói. “Ba nhà hàng Việt Nam (ở phố người Hoa) đã đóng cửa. Nếu tất cả các nhà hàng Việt Nam ở đây đóng cửa, đơn giản là một phần bản sắc sẽ biến mất”.
Mang trong mình nỗi sợ hãi tương tự, bà Young gần đây đã bắt đầu đề nghị với những người bạn trong ngành ẩm thực tham gia vào chiến dịch truyền thông xã hội có tên #LoveAAPI. Tại đây, họ chia sẻ những câu chuyện về các nhà hàng và cửa hàng châu Á yêu thích của họ.
Bà Grace Young thưởng thức món ăn tại nhà hàng Hop Lee và trò chuyện với ông Johnny Mui, người đồng sở hữu Hop Lee. Ảnh: Washington Post/Jeenah Moon. |
Đầu bếp đầu tiên tham gia chiến dịch là bà Sara Moulton, người dẫn chương trình truyền hình và tác giả sách dạy nấu ăn. Là người gốc New York, những ký ức tuổi thơ về khu phố Hoa của bà đầy màu sắc và hương vị sống động.
“Tôi luôn yêu thích nơi này”, bà Moulton nói, “nhưng tôi cũng chứng kiến cả phố Hoa và Little Italy bị thu hẹp trong những năm qua, khi các khu phố xung quanh nó trở nên sành điệu hơn”.
Bà Moulton đặc biệt lo ngại về sự gia tăng của những tội ác vì lòng thù hận nhắm vào người gốc Á. Vấn đề trở nên rõ ràng hơn khi bà mời Young tham dự một sự kiện ở khu trung tâm Manhattan.
“Grace nói với tôi rằng bà ấy rất muốn đến nhưng cũng sẽ về sớm. Bà ấy không cảm thấy an toàn khi về nhà sau khi trời tối”, bà Moulton nói.
Ảnh hưởng của Covid-19, cùng với sự khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng, khiến việc bảo tồn các giá trị truyền thống có từ hàng nghìn năm trước ở Chinatown trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Bà Grace Young nói chuyện với bà Vicky và ông Ken Li tại KK Discount Store, New York. Ảnh: Washington Post/Jeenah Moon. |
Bà Bonnie Tsui, tác giả cuốn sách “American Chinatown: A People’s History of Five Neighborhoods”, cho rằng những khu dân cư này xứng đáng nhận được sự ủng hộ của tất cả người Mỹ, bất kể chủng tộc nào.
"Khu phố Hoa luôn được xem là sự tiêu biểu của lịch sử, văn hóa, và sự tiếp nối", bà nói. "Ở đây luôn có sự hoài niệm, lãng mạn, nhưng nó cũng rất tiện dụng và thiết thực. Khu dân cư này đã phát triển, từ phục vụ cho cộng đồng của mình, đến những người đến từ khắp nơi trên thế giới".