An Lăng là nơi an táng vua Dục Ðức, vị vua thứ 5 triều đại nhà Nguyễn. Thi hài vua Thành Thái và vua Duy Tân cũng được con cháu đưa về chôn cất tại đây.
|
Nằm trên đường Duy Tân (phường An Cựu, TP Huế), An Lăng có diện tích rộng gần 6 ha, bao gồm lăng vua Dục Ðức, hoàng hậu và 42 tẩm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc Ðệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc. Đây cũng là nơi an nghỉ của vua Thành Thái và vua Duy Tân, hai vị vua yêu nước bị thực dân Pháp phế truất và an trí ở nước ngoài.
|
|
Sử sách ghi chép, vua Tự Đức (1847-1883) qua đời truyền ngôi lại cho người con nuôi là hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Ái, tức vua Dục Đức. Nhưng vua Dục Đức chỉ trị vì được mấy ngày thì bị phế truất và bị quản thúc tại Thái Y Viên, sau đó chết đói ở nhà ngục Thừa Thiên để lại 8 bà vợ, 11 người con trai và 8 người con gái.
|
|
Năm 1889, con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên ngôi vua, lấy niên hiệu Thành Thái. Sau đó, vua Thành Thái cho xây lăng mộ của cha đàng hoàng và đặt tên là An Lăng. Nơi thờ thì ở chùa Tường Quang cách 200 mét. Năm 1906, bà Từ Minh Hoàng thái hậu (vợ vua Dục Đức) tạ thế, triều đình cho quy hoạch lại khu vực lăng mộ vua Dục Đức, làm thành một khu lăng kép, xây mộ bà gần mộ ông theo kiểu "song táng".
|
|
Năm Thành Thái thứ 11 (8/1899), nhà vua cho xây dựng điện Long Ân, cách khu vực lăng mộ vua Dục Đức khoảng 50 m để thờ vua cha. Trong khuôn viên này có xây dựng thêm một số nhà cửa dành cho 7 bà vợ thứ của vua Dục Đức ăn ở để lo hương khói phụng thờ. An Lăng nằm ở khu vực trung tâm, diện tích khoảng 1 ha.
|
|
Điện Long Ân nơi thờ tự bài vị 3 vị vua triều đại nhà Nguyễn được xây dựng đã lâu nên một số phần gỗ xuống cấp. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phải dùng trụ sắt để chống đỡ. Một phần khu vực An Lăng thì bị người dân lấn chiếm làm nhà cửa sinh sống xung quanh.
|
|
Bài vị 3 vua Dục Đức, vua Thành Thái, vua Duy Tân được thờ cùng di ảnh và tượng đúc trong khu vực điện Long Ân. Hàng năm, dòng họ Nguyễn Phúc tộc thường tổ chức ngày giỗ cho các vị vua ngay trong khu vực lăng.
|
|
Khu lăng mộ có diện tích gần 3,5 ha, có la thành cao 3,7 m, dày 0,5 m. Mặt trước la thành có 1 cửa vòm xây gạch, hai mái phía trên. Theo thời gian, tường gạch bong tróc, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn phải dùng cọc sắt chống đỡ.
|
|
Qua cửa vòm là sân Bái đình lát gạch nhưng các lớp gạch cũng đã hư hỏng, không còn nguyên hiện trạng. Hai bên sân này không có tượng đá, ngựa, voi như ở lăng mộ các vua khác.
|
|
Lớp tường thành thứ hai ở sân bái đình quanh khu lăng mộ đã sụp đổ theo thời gian, cỏ cây mọc um tùm.
|
|
Nhà Huỳnh ốc làm theo lối phương đình, mái lợp ngói lưu ly vàng, đặt trên 1 bệ hình vuông, mỗi cạnh dài 7 m. Trong nhà có sập thờ, án thờ đều làm bằng đá dùng để trần thiết các đồ thờ cúng. Hai bên ngôi nhà này là hai ngôi mộ của vua Dục Ðức và Từ Minh Huệ hoàng hậu nằm đối xứng với nhau. Trước 2 mộ đều có bình phong đắp nổi hình chữ Thọ, chữ Song Hỷ.
|
|
Theo thời gian, nhà Huỳnh ốc hư mục, các mảng bê tông, gạch vữa bong tróc, xuống cấp. Đơn vị bảo vệ di tích dùng dây cáp quấn quanh khu nhà và dùng cộc sắt chống đỡ tạm thời trước nguy cơ đổ sập.
|
|
Vua Thành Thái (1879-1954) là vị vua thứ 10, tại vị từ 1889 đến 1907. Năm 1954, vị vua qua đời, thi hài được con cháu đưa về chôn cất trong khu vực An Lăng, nằm ở mặt tiền đường Duy Tân. Bài vị nhà vua cũng được thờ ở điện Long Ân.
|
|
Vua Duy Tân (1900-1945), tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh San, vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn, giữ ngai vàng từ 1907 đến 1916. Khi cuộc khởi nghĩa Duy Tân thất bại, nhà vua bị thực dân Pháp đưa đi an trí ở Châu Phi. Cuối năm 1945, vua Duy Tân tử nạn máy bay ở châu Phi, nhà vua được con cháu làm lễ truy điệu tại điện Long Ân và thờ tự tại đây. Đến năm 1987, hài cốt vị vua này mới được đưa về an táng cạnh lăng vua cha Thành Thái. |
Phạm Trường - Điền Quang
Flycam: Ngụy Ngọc Thủy
nơi yên nghỉ 3 vị vua triều Nguyễn
lăng 3 vua
vua Duy Tân
Thành Thái
Dục Đức
lăng 3 vua triều Nguyễn
Thừa Thiên Huế