Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khu đất giếng nước tự phun cao 20 m có thể bị sụt lún

Cơ quan chức năng nhận định hiện tượng giếng tự phun là do mũi khoan chạm bầu nước có áp suất cao. Khi nước trong tầng hết sẽ tạo thành lỗ hổng địa chất và có thể xảy ra sụt lún.

Ngày 3/6, bà Phạm Thị Thanh Giao, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đã cử cán bộ kỹ thuật đến giếng tự phun tại rẫy ông Nguyễn Văn Bảnh (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) lắp đường ống bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, ngành chức năng tìm cách khống chế mạch nước phun lên trên.

Giếng nước tự phun cao 20 m tại rẫy gia đình ông Nguyễn Văn Bảnh. Ảnh: Ngọc An

Cơ quan chức năng nhận định, hiện tượng giếng tự phun là do mũi khoan chạm bầu nước có áp suất cao. Khi lượng nước trong tầng này phun hết sẽ tạo thành lỗ hổng địa chất và có thể xảy ra hiện tượng sụt lún. 

Cũng theo bà Giao, mẫu nước đang được đưa đi xét nghiệm, kiểm định chất lượng. "Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên uống, sử dụng khi chưa có kết luận của đơn vị khoa học", bà Giao nói.

Trước đó, vào chiều 1/6, ông Bảnh thuê thợ khoan giếng tại khu vực rẫy để lấy nước tưới cây. Mũi khoan chạm độ sâu gần 100 m thì nước trào lên. Khi rút mũi khoan, mạch nước ngầm phun lên tạo thành cột cao 20 m.

Giếng tự phun liên tục nhiều ngày khiến người dân trong và ngoài vùng đổ về xem. Nhiều người uống thử cho biết nước hơi mặn, có mùi tanh. 

Hàng trăm người đến xem giếng phun nước cao 20 m

Chiếc giếng tự phun nước cao hàng chục mét ở Bà Rịa-Vũng Tàu khiến người dân thích thú, đổ xô đến xem. Nhiều người cởi áo tắm, dùng can nhựa múc nước mang về dùng.

Ngọc An

Bạn có thể quan tâm