Bộ Xây dựng vừa có quy định quan chức nghỉ hưu, hoặc sử dụng sai mục đích... phải trả lại nhà công vụ. Thực tế, việc quan chức nghỉ hưu chây ỳ trả lại biệt thự thuê (dù chính quyền đã có quyết định thu hồi), hoặc nhà công vụ không phải là chuyện hiếm. Quy định ban hành thì dễ, nhưng tính thực thi đến đâu vẫn là câu hỏi lớn. Họ nói gì về quy định mới nhằm vào chính mình?
“Trả rồi mình biết ở đâu”
Tại khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu (61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, TP Hà Nội), có 80 căn hộ được đưa vào sử dụng từ năm 2000. Trước đây khu nhà này do Văn phòng Chính phủ quản lý, từ năm 2014 được chuyển về cho Bộ Xây dựng.
Tại khu nhà công vụ này có nhiều trường hợp cán bộ đã về hưu lâu năm, nhưng vẫn chưa trả nhà và không ít trường hợp để lại cho con cháu, người thân. Thậm chí, có trường hợp đã chết, nhưng vợ con vẫn ở lại; nhiều nhà không ở chỉ khóa cửa để đó…
Khu nhà công vụ ở Hoàng Cầu, Hà Nội. |
Trao đổi với PV chiều 18/3, ông Nguyễn Văn Đức (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đã nghỉ hưu năm 2012, nhưng vẫn giữ lại căn hộ 605-A1 khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu) cho biết hiện ông vẫn ở lại căn hộ này.
“Không thấy ai đòi lại nên vẫn ở. Có rất nhiều người ở lại như tôi từ trước tới nay. Giờ nếu nhà nước thu hồi hoặc mọi người trả tôi cũng trả”, ông Đức nói.
Ông Hứa Đức Nhị (nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nghỉ hưu năm 2012, nhưng vẫn giữ lại căn hộ 503-B1 Hoàng Cầu để cho con trai ở) nói: “Theo quy định thì phải trả lại nhà, nhưng trả rồi mình biết ở đâu?”. Theo ông Nhị, giờ đợi Ban Bí thư trung ương có ý kiến. Bởi ông về Hà Nội làm việc là được điều động, không phải xin về. Cũng chả có ai thông báo về việc sẽ thu lại nhà. Mà nếu thu thì tôi sẽ đi đâu, về quê sao?”, ông Nhị nói.
Thứ trưởng đương chức Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên (được phân căn hộ 603-B1 từ năm 2004, nhưng sau đó để lại cho con trai ở) nói: “Đúng là để lại cho con. Con trai ở đấy, mình nghĩ là đúng chứ có vấn đề gì đâu. Mình đã xin phép ban quản lý rồi. Nay mới có Thông tư mới nên hết tháng này sẽ chuyển đi nơi khác và trả lại nhà”.
Còn ông Phạm Ngọc Thiện, nguyên Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, dù chưa trả nhà, nhưng hẹn trả lời sau vì liên quan tới nhiều vấn đề.
Có 90 ngày để trả lại nhà
Ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Quản lý Nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết: Tuy Luật Nhà ở 2005 không nêu luận điểm về hưu trả lại nhà, nhưng quy định cán bộ chỉ được thuê nhà ở công vụ trong quá trình công tác. Thực tế, thời gian qua có trường hợp cán bộ về hưu không trả lại nhà. Chính vì vậy, Thông tư 01 quy định rõ trường hợp về hưu phải trả lại nhà và phân cấp trách nhiệm cho từng đơn vị quản lý và chính quyền địa phương.
Khu nhà công vụ ở Hoàng Cầu. |
Sau khi nhận thông báo thu hồi nhà, cán bộ có 90 ngày để di dời và trả lại nhà. Với những trường hợp không thực hiện đúng, các cấp có thể thu hồi. “Trước đây, có những cán bộ không dám thu hồi nhà vì nể sợ. Dù cán bộ cấp cao đến đâu khi về hưu buộc phải trả lại nhà ở công vụ. Vấn đề là chúng ta có dám làm hay không. Nếu quyết tâm làm, không có chuyện cán bộ không trả lại nhà khi về hưu”, ông Thiện khẳng định.
Theo Bộ Xây dựng, hiện số nhà ở công vụ thuộc Chính phủ khoảng 200 căn, chủ yếu tập trung ở Hà Nội. Ngoài ra, còn số nhà ở công vụ của các địa phương, nhà ở công vụ cho giáo viên, lực lượng vũ trang…
Tuy nhiên, hiện chưa có thống kê đầy đủ về nhà công vụ trên cả nước. Cũng theo Bộ Xây dựng, việc quản lý nhà ở công vụ từ trước tới nay đã phát sinh nhiều bất cập. Do quy định của pháp luật chưa đầy đủ, việc cho thuê và thu hồi lại nhà khi hết thời hạn vẫn chưa được thực hiện nghiêm.
Theo Thông tư 01/2014 của Bộ Xây dựng (hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ), từ ngày 6/3/2014, có 5 trường hợp sẽ bị thu hồi nhà ở công vụ: Người thuê nhà nghỉ hưu, hoặc hết tiêu chuẩn được thuê; người thuê chuyển công tác đến địa phương khác; người thuê có nhu cầu trả lại nhà; người đang thuê nhà bị chết; người thuê sử dụng nhà sai mục đích hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.