Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không thể xây đô thị 2 bờ sông Hồng theo kinh nghiệm nước ngoài

“Ven hai bờ sông Hồng là đất bồi, rất yếu. Việc tác động quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy và không an toàn trong việc chống lũ”, PGS.TS Nguyễn Vũ Phương nói với Zing.vn.

'Không nên khai khác quá triệt để sông Hồng' PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng việc khai thác quá triệt để 2 bờ sông Hồng sẽ không an toàn trong chống lũ.

PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng nhiều thành phố đã thực hiện dự án cải tạo đô thị, thiết kế khai thác, phát huy giá trị cảnh quan 2 bên bờ sông trong đô thị.

Tuy nhiên, không thể dựa vào “một vài kinh nghiệm từ nước khác” để áp dụng trên sông Hồng ở Hà Nội.

Không nên khai thác triệt để sông Hồng

- Thưa ông, mấy ngày qua dư luận xôn xao trước thông tin Hà Nội đang xây dựng đồ án quy hoạch hai bờ sông Hồng. Ông đánh giá về dự án này như thế nào?

- Theo dõi qua báo chí tôi thấy rằng Hà Nội chưa đồng ý cho đơn vị tư vấn nước ngoài nào tham gia tư vấn quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng.

Thực ra, quy hoạch thành phố ven sông Hồng đã có từ lâu nhưng chưa triển khai. Năm 2016 mới được khởi động trở lại với sự tham gia của các tập đoàn lớn.

Dự án cải tạo đô thị, thiết kế khai thác, phát huy giá trị cảnh quan 2 bên bờ sông là rất tốt. Tuy nhiên, việc áp dụng việc này trên sông Hồng cũng không phải đơn giản. Về bản chất, chúng ta phải thấy sông Hồng là một con sông lớn và rất dữ.

Xay dung do thi ven song Hong anh 1
PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Trưởng khoa Kiến trúc trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: Văn Chương.

- Giả sử dự án được triển khai, việc xây đô thị 2 bên bờ sông có hợp lý?

- Nếu dự án được triển khai theo tôi cần phải tính toán rất kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật. Rõ ràng sông Hồng là con sông tự nhiên nên phải đảm bảo dòng chảy.

'Chúng ta không thể qua một vài kinh nghiệm thực tế ở các nước để thực hiện ở sông Hồng. Dù Hà Nội có làm gì nhưng mục đích chống lũ vẫn phải được đưa lên hàng đầu'.

PGS.TS Nguyễn Vũ Phương nói.

Theo tôi, vị trí đô thị 2 bên bờ sông sẽ rất đẹp, thuận lợi nhưng không nên khai thác một cách triệt để. Chúng ta không thể xây dựng quá nhiều tòa nhà trên đó. Nếu mật độ các công trình quá dày sẽ ảnh hưởng đến nền đất ở khu vực bờ sông dẫn đến không an toàn về vấn đề đê điều.

Bởi đây là những vùng đất bồi rất yếu. Hơn nữa, việc tác động quá nhiều vào 2 bên bờ sông sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy.

Như tôi biết đây chỉ mới dừng lại ở đề án. Trong đề án chắc chắn cơ quan chức năng phải tìm hiểu rất nhiều các dữ liệu về địa chất, thủy văn... Đây là cả một quá trình nghiên cứu dài chứ không phải 1-2 năm là xong.

Hơn nữa, mật độ xây dựng như thế nào, số lượng người dân chuyển đến là bao nhiêu cũng rất quan trọng. Ngoài việc phát triển đô thị cần phải đề phòng các vấn đề liên quan đến thủy lợi. Chúng ta chưa thể lường trước được hậu quả khi tác động vào một cong sông lớn như vậy.

Mục đích chống lũ phải là hàng đầu

- Thưa ông, nhiều nước trên thế giới đã từng áp dụng việc xây dựng thành phố ven 2 bờ sông và trở thành điểm du lịch hấp dẫn?

- Đúng vậy, việc xây dựng đô thị bên cảnh quan 2 bên bờ sông nhiều nước đã từng làm. Nhưng việc tác động này phải tùy vào thực trạng của sông.

Tôi xin nói lại, sông Hồng bản chất là sông lớn, lưu lượng nước lớn và sông rất hung dữ. Cho nên cách tiếp cận đối với sông Hồng phải khác với những các con sông cũng nằm trong đô thị trên thế giới.

Khoảng cách hai bên bờ sông Hồng khá lớn. Chưa có con sông nằm trong đô thị nào mà phải xây cầu hàng km để đi qua như sông Hồng cả. Việc xây dựng thành phố ở 2 bờ sông chỉ nên áp dụng trên những con sông nhỏ.

Ở châu Âu, thành phố Warsaw (thủ đô của Ba Lan) có con sông khá lớn cũng giống như sông Hồng. Có một thời kỳ, họ cũng kè sông để phát triển đô thị. Tuy nhiên đến nay, bờ kè đó đã được tháo dỡ để cho con sông đó tự nhiên trở lại.

Xay dung do thi ven song Hong anh 2
Ông Phương nói rằng dù phát triển 2 bờ sông Hồng nhưng mục tiêu chống lũ vẫn phải ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Hoàng Hà.

- Được biết Hà Nội đã yêu cầu các nhà đầu tư có trách nhiệm nghiên cứu lập quy hoạch 2 bên bờ sông thế giới như sông Hàn ở Hàn Quốc, sông Hoàng Phố, Thiên Tân ở Trung Quốc?

- Tôi cho rằng chúng ta không thể qua một vài kinh nghiệm thực tế ở các nước để thực hiện ở sông Hồng. Tức là việc này nên có nghiên cứu kỹ chứ không phải nước ngoài làm mình cũng làm. Dù chúng ta có làm gì nhưng mục đích chống lũ vẫn phải được đưa lên hàng đầu.

Đối với các nhà đầu tư, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận sau khi thực hiện dự án. Nhưng đứng ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta phải rất quan tâm đến nhiệm vụ dài hạn. Chúng ta phải nghĩ cho Hà Nội 100 năm, 1.000 năm sau.

Việc tham vấn cho Hà Nội về vấn đề này cần một đội ngũ tư vấn với kiến thức tổng hợp. Bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề như văn hóa, cảnh quan, kiến trúc…

- Vậy theo ông, muốn phát triển 2 bên bờ sông Hồng nên đi theo hướng nào?

- Theo tôi hai bên bờ sông hồng có thể cải tạo thành các khu không gian công cộng để tận dụng 2 bờ sông. Như vậy sẽ tốt hơn. Bởi khi đó không chỉ người dân ở 2 bên bờ sông mà toàn bộ người dân thủ đô có thể đến vui chơi, giải trí, thăm thú cảnh quan.

Về mật độ xây dựng, theo tôi các nhà chuyên môn cần nghiên cứu kỹ từ ban đầu để có định hướng đúng cho các tư vấn.

- Xin cảm ơn ông!

Sungroup, Vingroup và Geleximco góp tiền lập quy hoạch 2 bờ sông Hồng

Ông Phạm Quý Tiên, Chánh Văn phòng UBND Hà Nội, cho biết đến nay, thành phố chưa đồng ý cho đơn vị tư vấn nước ngoài nào tham gia tư vấn quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng.

Văn Chương thực hiện

Bạn có thể quan tâm