Ông Vũ Quang Vinh, Tổng biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, nguyên Phó Chủ tịch VFF là người đã có hàng chục năm gắn bó với bóng đá thiếu niên, nhi đồng. Theo ông Vinh, những trường hợp gian lận tuổi ở các giải thiếu niên là không hiếm và đó có thể coi là một “vấn nạn” với nền thể thao quốc gia. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia Vũ Quang Vinh về vấn đề này.
- PV: Là một người có nhiều năm gắn bó với bóng đá trẻ, ông có nhận định thế nào về những trường hợp gian lận tuổi trong bóng đá?
- Ông Vũ Quang Vinh: Trước hết, chúng ta phải hết sức bình tĩnh trước những việc mà chúng ta cho là gian lận trong thể thao. Bởi nền thể thao thế giới nói chung và nền thể thao nước nhà đã chứng kiến không ít trường hợp gian lận tuổi. Trong những trường hợp gian lận, phần lớn trách nhiệm thuộc về những người lớn, đó có thể là lãnh đạo đội bóng hoặc thậm chí chức vụ cao hơn.
Nhà báo Vũ Quang Vinh chia sẻ về hệ quả của gian lận tuổi trong thể thao. Ảnh: Trọng Phú |
Trong bóng đá thiếu niên, nhi đồng, chỉ cách nhau một vài tuổi thì độ cứng của xương các em đã rất khác nhau. Một em U10 đá bóng với một em U12 thì chắc chắn không an toàn, sẽ gây nguy hiểm vì độ cứng của xương khác nhau. Chính vì vậy, khi tổ chức các giải chúng tôi luôn phải tiến hành các biện pháp kiểm tra rất kĩ lưỡng về độ tuổi của các em.
- Trong quá trình tổ chức các giải thiếu niên, nhi đồng, ông đã phát hiện ra những cách thức gian lận tuổi nào?
- Có nhiều cách thức gian lận tuổi. Thứ nhất, họ có thể làm lại hồ sơ, sửa tuổi của em cầu thủ đó. Thứ hai, họ có thể dùng hồ sơ của người khác, gọi là tráo hồ sơ. Vậy nên có trường hợp đoàn thanh tra của chúng tôi về địa phương thì người có hồ sơ gốc đang tổ chức sinh nhật, còn người giả hồ sơ thì đang thi đấu.
Ngoài ra, họ có thể dùng nhiều biện pháp tinh vi hơn để gian lận tuổi như ngâm lạnh tinh hoàn để làm co tinh hoàn của các em, cạo lông chân để đánh lừa các biện pháp kiểm tra y sinh.
- Theo ông, những trường hợp gian lận như vậy có thể gây hậu quả như thế nào?
- Gian lận như vậy có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng. Thứ nhất là hậu quả cho chính các em. Bởi ở mỗi lứa tuổi cần có các biện pháp đào tạo, chăm sóc khác nhau. Thứ hai là khi ra nước ngoài thi đấu, nếu bị phát hiện gian lận tuổi sẽ tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng nền thể thao nước nhà.
Công Phượng đã quá 18 tuổi nên không thể xác định tuổi bằng phương pháp đo xương. Ảnh: Nhung Trần |
Ban tổ chức các giải quốc tế sẵn sàng hủy bỏ kết quả nếu như họ phát hiện được gian lận tuổi và sẽ cấm thi đấu đối với đội bóng và cá nhân cầu thủ đó. Theo tôi, truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của việc gian lận tuổi trong thể thao để mọi người đều ý thức được tính nghiêm trọng của nó.
- Chắc hẳn ông cũng theo dõi trên báo chí về nghi ngờ gian lận tuổi của cầu thủ Công Phượng. Phía HAGL đã đưa ra những bằng chứng chứng minh Công Phượng sinh năm 1995 nhưng nhiều nguồn tin khác lại cho rằng cầu thủ này gian lận tuổi. Quan điểm của ông về vấn đề này là như thế nào?
- Chúng ta không trách HAGL bởi khi họ nhận hồ sơ của Công Phượng hoàn toàn đầy đủ giấy tờ. Trong những hồ sơ đó ghi là Công Phượng sinh tháng 1/1995 và HAGL cũng không có chuyên môn để đánh giá giấy tờ có hợp lệ hay không.
- Vậy chúng ta có thể dùng những biện pháp về y sinh để xác định tuổi thật của Công Phượng không, thưa ông?
- Các biện pháp về y sinh không thể kiểm tra được trường hợp này. Bởi biện pháp chụp xương bàn tay chỉ có thể xác định tuổi đối với vận động viên dưới 18 tuổi. Việc chụp phim xương tay căn cứ vào lớp sụn nối giữa bàn tay và xương cổ tay. Tuy nhiên, đối với vận động viên trên 18 tuổi thì không còn áp dụng được biện pháp này.
- Xin cảm ơn ông.