Trước nhiều dư luận trái chiều về việc Hà Nội cho lát lại vỉa hè dù nhiều đoạn tuyến mới lát cách đây vài năm đã vỡ hỏng, đại diện Sở Xây dựng cho rằng trách nhiệm đã được phân cấp xuống quận, huyện và việc giám sát, kiểm định hết các con đường lát đá là không thể.
Sở Xây dựng cũng nhận định bên cạnh các nguyên nhân chủ quan như kỹ thuật lát, chất lượng vật liệu không đảm bảo, việc đá vỡ còn do ôtô đi lên, sử dụng không đúng công năng. Song, các chuyên gia không đồng tình với giải thích này.
Giới thiệu độ bền 50 năm nhưng vỡ sau 2 năm
GS Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đề cập đến nhiều bất cập trong thi công lát đá các tuyến đường của Hà Nội. Rõ ràng cơ quan chức năng của TP đã không khảo sát, đánh giá kỹ tính chất, đặc tính đô thị Hà Nội trước khi lát.
"Nếu nói đá lát hè vỡ do ôtô đi lên, thì các đơn vị đã làm thí nghiệm, kiểm định, đánh giá tính chất của đá trước khi lát chưa? Không thiếu loại vật liệu có khả năng chịu cong, uốn và ôtô đi lên bình thường mà vẫn có thể lát hè được. Vậy tại sao lại chọn loại đá này?", ông Liên bày tỏ.
Chuyên gia cho rằng việc Sở Xây dựng nói vỉa hè vỡ do ôtô đi lên là không thuyết phục. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Bên cạnh đó, ông cho rằng việc Sở Xây dựng lấy lý do này có sự bao biện. Vỉa hè vỡ ở hàng loạt tuyến phố kể cả những tuyến không có ôtô đi lên. Rồi có tuyến ôtô đi lên nhưng lại không hư hỏng.
"Đâu phải tuyến nào ôtô cũng lên được đâu, sao vỉa hè vẫn vỡ? Mà vỉa hè nào tổ chức cho trông giữ xe thì phải tính toán lát bằng vật liệu khác. Chứ không thể lát xong, vỉa hè vỡ thì đổ tại ôtô được", vị chuyên gia nói.
Ông Hoàng Ngọc Thắng, Phó chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng), cho biết năm vừa qua, sở đã kiểm tra việc lát đá vỉa hè ở 21 tuyến phố để báo cáo TP.
Qua kiểm tra, ông Thắng nhận định việc thi công, quá trình sử dụng vỉa hè có nhiều vấn đề. Trong đó, việc đơn vị thi công dàn trải, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng đá, các mẫu đá không được thành phố quy định cứng cho từng quận, huyện, dẫn đến việc vật liệu sử dụng không thống nhất.
Đề cập đến độ bền đá lát vỉa hè 50-70 năm, ông Hoàng Ngọc Thắng thừa nhận các thông tin này chưa thực sự chính xác bởi bền hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có quá trình sử dụng.
"Nhiều tuyến, vỉa hè cho người đi bộ vừa làm xong, ôtô leo lên, nhiều nơi còn tổ chức trông xe trên vỉa hè, chả có đá nào chịu được vì có thiết kế để ôtô đi lên đâu", ông Thắng nói.
'Đừng nghĩ lát đá vỉa hè là chuyện nhỏ'
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhấn mạnh có 3 nguyên nhân chính khiến đá lát hè nhanh vỡ sau 2-3 năm sử dụng.
Về chất lượng đá, ông cho rằng loại đá này được khai thác bằng nổ mìn khiến cấu trúc đá không đảm bảo. Về kỹ thuật thi công, nhà thầu và các công nhân chưa được đào tạo đầy đủ, dẫn đến thi công ẩu, không đảm bảo, suy giảm tuổi thọ công trình. Và cuối cùng là lát đá hè nhưng lại không kèm với quản lý vỉa hè, sử dụng sai công năng dẫn đến hư hỏng.
Chuyên gia lo ngại đá lát sau vài năm lại vỡ lại tái diễn ở Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
"Sở Xây dựng nói đá vỡ do ôtô đi lên, vậy ai cho họ đi lên? Đỗ xe sai vị trí là bị viết vé phạt, vậy đi lên vỉa hè thì đơn vị nào xử phạt? Ai chịu trách nhiệm khi để phương tiện làm hư hỏng vỉa hè?", ông Phạm Thanh Tùng đặt ra một loạt câu hỏi.
Ông nhấn mạnh nếu theo cách trả lời của Sở Xây dựng, thì nay lát đá mai lại vỡ, quay lại đúng kịch bản của 3 năm trước. Và Sở Xây dựng sẽ lại quy trách nhiệm cho ôtô đi lên làm vỡ vỉa hè. Một mét vuông đá có giá vài trăm nghìn đồng, Hà Nội lát cả trăm nghìn mét vuông thì số tiền sẽ lớn thế nào.
"Đừng nghĩ lát đá vỉa hè là việc nhỏ. Nó là công trình rất lớn của TP, tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng. Với công trình có giá trị lớn như vậy phải có rất nhiều thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu thầu, phê duyệt thiết kế. Nhưng tôi thấy lát đá vỉa hè ở Hà Nội không như vậy", ông bày tỏ khó hiểu.
KTS Phạm Thanh Tùng kiến nghị Sở Xây dựng Hà Nội và các quận, huyện cần nghiêm túc trong quy trình lát đá vỉa hè, nhất là quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, các đơn vị cần vừa thi công nhưng vừa có trách nhiệm bảo vệ, nhất là chính quyền địa phương.
Ông cũng cho rằng Sở Xây dựng không thể lấy lý do "làm không xuể" để nói việc thanh tra, giám định các công trình lát đá hè trên địa bàn. Sở cần có sự giám sát chặt chẽ với các đội trật tự xây dựng cấp quận, phường và các phòng xây dựng ở quận.
"Lát đá bắt buộc phải có thanh tra, kiểm tra vào cuộc gắt gao. Không thể để đi theo vết xe đổ như mấy năm trước được. Vừa lãng phí tiền của nhân dân vừa ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị tại Hà Nội", ông Tùng nói.
Theo kết luận thanh tra của Hà Nội vào năm 2017, các dự án lát đá vỉa hè các tuyến phố có nhiều tồn tại, sai phạm.
Cụ thể, thiết kế mẫu hè đường không thống nhất. Tại một số dự án, đá lát hè được lát sít nhau và do đá lát có chiều dày ≥ 3 cm, có thể dẫn tới hồ xi măng khó đổ đầy mạch, làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng chất lượng hè lát đá.
Thanh tra thành phố khẳng định trách nhiệm tồn tại trên trực tiếp thuộc Phòng Quản lý xây dựng, thuộc Sở Xây dựng và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (đơn vị tư vấn lập thiết kế mẫu). Thanh tra cũng chỉ ra nhiều quận không rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa làm đồng bộ hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật khi cải tạo lát đá hè.