Chiều 2/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019. Cuộc họp diễn ra ngay sau khi Chính phủ họp thường kỳ trong cả ngày dưới dự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP. |
-
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói về vụ việc Khá Bảnh bị bắt giữ
Zing.vn đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tới vụ việc Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) khi thanh niên này liên tục tung các video tục tĩu, bạo lực và vừa bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng với những người va chạm, từng trải cuộc sống, biết được điều đúng, điều sai thì có thể đánh giá được sự việc. Tuy nhiên, vụ việc Khá Bảnh là rất nguy hiểm, “cực kỳ không tốt” trên mạng xã hội hiện nay.
“Thủ tướng yêu cầu gay gắt quản lý những thông tin không đúng sự thật. Tôi thấy Bộ Công an xử lý vụ việc này là rất đáng mừng, bởi nó không thể chấp nhận được. Xã hội không chấp nhận được”, Bộ trưởng Dũng nói.
Khuya 1/4, Công an tỉnh Bắc Ninh tung lực lượng khám nhà Ngô Bá Khá tại thôn Phúc Tinh, xã Tam Sơn. Cuộc khám xét kéo dài hơn một giờ. Cảnh sát không phát hiện ma túy nhưng thu giữ nhiều hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động tín dụng đen, tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi lô, đề.
Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết tại thời điểm bắt giữ, Ngô Bá Khá phản ứng dương tính với chất ma túy.
Thanh niên sinh năm 1993 sở hữu hơn 600.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Nhân vật này được biết đến qua các clip có lời lẽ tục tĩu, giang hồ trên YouTube.
-
Nestle tham gia chương trình sữa học đường?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết đây là chương trình khác, không phải chương trình Sữa học đường. "Chương trình Sữa học đường chỉ cho phép sữa tươi tham gia. Còn Nestle tham gia là chương trình Nâng cao tầm vóc Việt, hoàn toàn không phải chương trình Sữa học đường", ông Độ nói.
-
Chưa quyết định công bố danh sách phụ huynh và học sinh gian lận thi cử
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết Bộ đã điều tra nghiêm túc gian lận thi cử tại Hòa Bình và Hà Giang. Kết quả được thông báo là hết sức khách quan và đã được chuyển tới Bộ GD&ĐT và các địa phương. Vị này cho biết việc công bố danh sách là việc hết sức quan trọng.
“Xử lý nghiêm nhưng phải đảm bảo tính nhân văn, quan tâm đến các cháu của chúng ta. Tôi tin rằng Bộ GD&ĐT sẽ có cách xử lý vừa đảm bảo nghiêm minh, vừa nhân văn”, ông Nam nói.
-
Vì sao giá xăng tăng mạnh?
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tăng giá xăng là việc không mong muốn do biến động của giá xăng dầu thế giới. Giá nguyên liệu xăng dầu thế giới đã tăng mạnh, khiến áp lực tăng giá trong nước lên cao.
Liên bộ Tài chính - Công Thương cũng đã quyết định xả quỹ bình ổn xăng dầu. Theo đó, với xăng E5 RON 92, Quỹ bình ổn đã chi 2.042 đồng/lít. Nếu không chi quỹ, mức giá tăng có thể lên tới 3.419 đồng/lít. Tương tự, quỹ bình ổn cũng chi 1.304 đồng/lít cho xăng A95. Nếu không chi quỹ, xăng A95 có thể phải tăng 2.788 đồng/lít.
-
3 cán bộ Bộ Công Thương bị kỷ luật vì vụ xe biển xanh của Bộ trưởng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết cơ quan này đã giao Văn phòng Bộ tổ chức rà soát thông tin, kiểm tra các cá nhân liên quan đến việc dùng xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại sân bay Nội Bài theo đúng quy định.
Ông Hải cho biết sau khi xem xét vi phạm và đóng góp, ngoài ra các cá nhân cũng có mong muốn rút ra bài học, Bộ Công Thương đã đã thành lập hội đồng kỷ luật gồm đại diện công đoàn, đảng ủy, Vụ Tổ chức cán bộ … và đưa ra mức kỷ luật 3 người liên quan. Ba cá nhân bị kỷ luật là trưởng phòng lễ nhân, nhân viên lễ tân và lãnh đạo văn phòng Bộ. Các mức kỷ luật là 2 người bị khiển trách, một người kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên ông Hải không cung cấp thông tin cụ thể ai bị kỷ luật ở mức nào.
“Chúng tôi sẽ còn họp xem mức kỷ luật này đã thỏa đáng hay chưa”, ông Hải nói.
Vụ việc xảy ra vào ngày 4/1. Một số hành khách trên đi trên chuyến bay VN262E của Vietnam Airlines di chuyển từ TP.HCM về Hà Nội (khởi hành lúc 17h15) đã tỏ ra bức xúc về việc một người được cho là phu nhân Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh được xe công biển xanh đưa đón tại chân cầu thang máy bay.
Chiếc xe này đã được đi thẳng vào khu vực dừng đỗ máy bay để đưa đón người. Những hành khách dù ngồi ở ghế hạng C vẫn phải nhường chỗ.
4 ngày sau, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh gửi lời xin lỗi.
"Với tư cách là người đứng đầu Bộ Công Thương, đồng thời người trong gia đình có liên quan, tôi xin được nhận lỗi trước công luận vì đã xảy ra sự việc này", ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh viết.
"Đây là bài học sâu sắc cho cá nhân, gia đình và Bộ Công Thương. Tôi đã báo cáo với các cấp lãnh đạo cấp trên, đồng thời sẽ rà soát, kiểm tra lại toàn bộ vụ việc để đảm bảo không xảy ra sự việc tương tự trong tương lai", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
-
Hà Nội ô nhiễm thế nào?
Trả lời câu hỏi về thông tin Hà Nội ô nhiễm bụi mịn đứng thứ 2 Đông Nam Á, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho rằng thông tin này là không có cơ sở. Tuy nhiên, ông thừa nhận Hà Nội hiện đang rất ô nhiễm, đặc biệt vào mùa đông, mùa xuân và ở những nơi có công trình xây dựng...
Theo ông Nhân, báo cáo cho rằng Hà Nội ô nhiễm thứ 2 Đông Nam Á liệt kê 20 thành của 4 quốc gia. Trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Phillippines, ngoài ra còn 11 quốc gia khác không có trong danh sách này. Muốn kết luận được tình trạng ô nhiễm ở thủ đô thì cần có 80 trạm quan trắc phủ khắp thành phố, trong khi hiện tại Hà Nội mới có 12 trạm.
Ông cho biết Hà Nội đang rất quyết liệt trong cải thiện chất lượng không khí, ban hành các tiêu chuẩn đầy đủ về khí thải, yêu cầu các công trình xây dựng được che chắn, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoài khu dân cư.
-
Thủ tướng lo lắng về bạo lực học đường
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại một số vấn đề mà Thủ tướng lưu ý tại cuộc họp thường kỳ. Theo đó, Thủ tướng đã chỉ rõ các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo ở một số địa phương như tại Hưng Yên, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng và yêu cầu xử lý nghiêm để làm gương, giữ kỷ cương phép nước.
"Thủ tướng có đặt vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm ra làm sao, cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào, các đoàn thể, các cơ quan có chức năng trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bạo lực học đường”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương lo vấn đề tăng trưởng kinh tế, nhưng không được quên các vấn đề xã hội.
“Nếu chúng ta coi nhẹ các vấn đề xã hội, thì đến lúc nào đó kinh tế cũng sẽ không thể phát triển được nữa”, Bộ trưởng nói.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần xử lý ở mức cao nhất có thể đối với giáo viên, những người làm việc trong nhà trường có hành vi xâm hại trẻ em. Người quản lý cơ sở giáo dục, kể cả mầm non, nếu để xảy ra vi phạm, cũng phải chịu trách nhiệm. “Chúng ta cần xử lý nghiêm minh thì mới ngăn chặn được chuyện này”.
Tới đây, Bộ trưởng cho biết sẽ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo lập các đoàn kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm trong vấn đề này.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đến nay, có nhiều văn bản được ban hành về vấn đề này như Nghị định 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, hay Thủ tướng có Quyết định 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các bộ, ngành đã ban hành 11 thông tư liên quan về vấn đề này. Theo Bộ trưởng, việc tổ chức thực hiện các văn bản này chưa nghiêm.
-
Nhiều chỉ số kinh tế tích cực
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP quý I/2019 tăng 6,79%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 8,7%). CPI bình quân quý I năm 2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 11,1% . Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12% (cùng kỳ 2018 là 9,9%).
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành thủy sản tăng trưởng 5,1% so với cùng kỳ (cao nhất trong 9 năm trở lại đây). Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,5 triệu lượt, tăng 7%.
Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tháng 3/3019 ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 61,1%, đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 17 tỷ USD, tăng 9,7%. Tháng 3 xuất siêu 600 triệu USD, tính chung 3 tháng xuất siêu 536 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD tăng 30,9% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD, tăng 6,2%.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt trên 43,5 nghìn doanh nghiệp (trong đó số doanh nghiệp thành lập mới đạt 28.451 doanh nghiệp, tăng 6,2%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt trên 15.000 doanh nghiệp).
-
Về vấn đề kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tình hình kinh tế thế giới dự báo gặp nhiều khó khăn, đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nước ta. Hầu hết tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 từ 3,5% xuống 3,3%, IMF hạ từ 3,7% xuống 3,5%.
Thương mại toàn cầu chậm lại, sức sản xuất suy yếu. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành chế tạo của nhiều nền kinh tế lớn trong tháng 3/2019 tiếp tục giảm.
Tính bất trắc, khó lường kinh tế toàn cầu đang tăng lên khi nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Một số yếu tố địa chính trị có dấu hiệu phức tạp trở lại.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình để có đối sách nhằm không bị giảm nguồn lực trong đầu tư phát triển.