Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không sử dụng vũ lực khi tranh chấp trên biển'

Từ ngày 26 đến 28/8 tại Đà Nẵng, Việt Nam sẽ đăng cai Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 5 và Diễn đàn biển mở rộng lần thứ 3.

Vấn đề duy trì hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông sẽ được đưa ra bàn luận tại đây. Trao đổi với báo giới ngày 22/8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết:

- Diễn đàn mở ra nhằm giúp các nước ASEAN và các nước liên quan trao đổi về những vấn đề nằm trên những trụ cột khác nhau.

Mục đích là để ASEAN phối hợp tốt hơn về những vấn đề hợp tác trên biển. Đặc biệt, một vấn đề sẽ được đề cập là hợp tác an ninh an toàn hàng hải.

Ngoài ra, rất nhiều khía cạnh có thể hợp tác như tuân thủ công ước Luật biển, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

- Thưa ông, tại diễn đàn này, ngoài an ninh, an toàn trên biển, các bên sẽ tập trung thảo luận những nội dung cụ thể gì?

- Thứ nhất, các công tác chuyên ngành trên biển như ngư nghiệp, ứng phó thiên tai hay nghiên cứu sinh học biển... đã có chuyên ngành nhưng làm sao kết nối được các chuyên ngành với nhau để thành hợp tác gắn kết trong nội bộ ASEAN.

Lẽ ra một môi trường biển không có tranh chấp về chủ quyền thì chuyện hợp tác chuyên ngành rất thuận lợi. Khi có những phức tạp do tranh chấp và đòi hỏi chủ quyền chồng lấn thì các bên phải tạo được môi trường chính trị và môi trường xây dựng lòng tin.

Thứ hai, đây là kênh nhằm tư vấn cho kênh chính thức của Chính phủ về những vấn đề, những biện pháp có thể thực hiện được. Diễn đàn sẽ tập trung nhiều hơn vào hợp tác chứ không chỉ an ninh biển. Ví dụ, nếu muốn hợp tác được trong việc giúp đỡ người và tàu thuyền đi biển gặp nạn thì khu vực có khuôn khổ hợp tác như thế nào, đầu mối để khi có tai nạn thiên tai trên biển xảy ra hay do tàu bị đâm va thì phải có đầu mối liên kết giữa các quốc gia trong khu vực với nhau.

Mặt khác, hợp tác để ứng phó với thiên tai, sắp tới tại Đà Nẵng, các bên cũng sẽ chia sẻ về cơn bão Haiyan mà các bên hỗ trợ lẫn nhau. Hay là rủi ro về tai nạn như MH370... Dù rằng trong khu vực còn có những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền nhưng có nhiều lĩnh vực cần hợp tác.

- Việt Nam giữ vai trò như thế nào trong Diễn đàn biển ASEAN lần này?

- Việt Nam đăng cai và tham gia việc điều hành Diễn đàn biển ASEAN và Diễn đàn biển mở rộng lần này. Bên cạnh đó, chúng ta chủ động tham vấn với các nước và chủ động đề xuất chuyên đề cho từng phiên họp của hai diễn đàn.

Cụ thể, chuyên đề về kiểm điểm hợp tác và tình hình thời gian qua; kiểm điểm việc thực hiện công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển mà năm nay là kỷ niệm 20 năm công ước có hiệu lực; nhiều kinh nghiệm hợp tác trong khu vực như cứu trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai, môi trường biển.

Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải, các bên sẽ bàn giải pháp làm sao ngăn chặn được sự cố, và khi có sự cố rủi ro xảy ra thì cơ chế hợp tác trong khu vực để kiềm chế, không để nảy sinh xung đột.

Thêm nữa là chuyên đề về việc bảo đảm thực hiện các biện pháp kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình.

Các nước hưởng ứng rất lớn và cử những quan chức cấp cao ASEAN và các quan chức tương ứng có chuyên môn đến để đóng góp cho diễn đàn.

Chúng ta hi vọng kết quả diễn đàn sắp tới ở Đà Nẵng sẽ có những khuyến nghị cụ thể và thiết thực cho việc hợp tác biển cũng như đảm bảo môi trường an ninh, an toàn hàng hải.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh.

- Chúng ta đã đưa ra sáng kiến nào để cùng các nước thành viên trong ASEAN tìm được tiếng nói chung trong vấn đề đảm bảo an ninh trên biển?

- Chúng ta đã phản ánh một quá trình rất dài về những diễn biến phức tạp gần đây và những nguy cơ không chỉ đối với những nước trực tiếp liên quan mà đó là nguy cơ với cả an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực này.

Cả ASEAN và những nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích là phải làm sao ứng phó với cái này, đảm bảo được môi trường hòa bình ổn định.

Bên cạnh đó, chúng ta tham vấn rất sâu rộng với những nước ASEAN rồi với cả những nước bên ngoài. Đặc biệt là dựa vào những nguyên tắc, những lợi ích song trùng phản ánh trong các văn kiện của ASEAN và của ASEAN với các đối tác.

Mặt khác, trước những thách thức nảy sinh mới trong giai đoạn vừa rồi thì chúng ta đã đề xuất rất trúng là bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC là rất tốt.

Nhưng để bảo đảm thực hiện trên thực tế như thế nào, nhất là trong bối cảnh này thì quan trọng nhất là thực hiện điều 5 của DOC là kiềm chế và không làm phức tạp thêm tình hình. Chúng ta đưa ra hai việc.

Một là các việc cần phải làm và những việc không được làm.

Hai là phải có cơ chế bảo đảm thực hiện được đối với điều khoản này.

Ngoài ra, chúng ta chia sẻ với các nước là phải dàn xếp để đảm bảo thực thi trên thực tế điều khoản này. Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) phải có sớm.

Tại sao lại phải lấy điều 5 của DOC? Vì tình hình lúc này trước tiên là phải giảm căng thẳng và không làm phức tạp thêm tình hình.

Nếu đưa được ra các danh mục cụ thể và các cơ chế đảm bảo thực thi trên thực tế thì đây sẽ là kinh nghiệm rất tốt để thực hiện tất cả các điều khoản khác trên thực tế, chứ không chỉ là cam kết bằng chính trị.

- Sau Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 vừa diễn ra ở Myanmar, khu vực ASEAN đối mặt với thách thức nào lớn nhất trong giải quyết các tranh chấp trên biển?

- Thách thức lớn nhất trên biển là làm sao các bên có tranh chấp chủ quyền có thể giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế và công ước Luật biển.

Nói tóm lại, thách thức lớn nhất là làm sao những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, làm sao các quy định của công ước Luật biển, kể cả các công ước liên quan đến thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển và các thỏa thuận khu vực, trong đó có thỏa thuận khu vực về cách ứng xử DOC, được thực hiện trên thực tế.

- COC là mục tiêu tiến tới của ASEAN, vậy tiến trình hiện nay như thế nào?

- Điều quan trọng nhất là các nước ASEAN và các nước có liên quan đều ủng hộ COC, đều ủng hộ mục tiêu COC là bộ quy tắc thừa kế DOC. Nhưng quá trình đi đến COC chắc chắn còn phức tạp.

Thứ nhất trong thời gian qua, nếu tính trong vòng hai năm nay, người ta đã có những bước chuyển nhưng chưa đủ mạnh từ nói rằng cần phải có điều kiện chín muồi để bàn về COC thì đã chuyển sang ASEAN - Trung Quốc khi có những tham vấn không chính thức vào năm 2012, và bắt đầu tham vấn chính thức vào năm 2013.

Tiếp đến là Hội nghị ngoại trưởng ASEAN vừa diễn ra, ASEAN đã chia sẻ với Trung Quốc là phải đi vào tham vấn một cách thực chất về mục tiêu, cấu trúc và các thành tố của COC. Đồng thời, hai bên nhất trí sẽ tăng tần suất tham vấn với nhau.

Dự kiến tháng 9 sẽ có định kỳ để tiếp tục bàn về COC và DOC.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/624625/khong-su-dung-vu-luc-khi-tranh-chap-tren-bien.html

Theo Lê Thanh-Vân Đỗ/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm