Không quân Việt Nam bảo vệ Trường Sa từ khi nào?
Không quân nhân dân Việt Nam đã điều những máy bay hiện đại nhất làm nhiệm vụ trinh sát, tuần tiễu bảo vệ quần đảo Trường Sa cuối những năm 1980.
Giữa những năm 1980, tình hình khu vực Biển Đông và đặc biệt là quần đảo Trường Sa có những diễn biến hết sức phức tạp do các hoạt động do thám, khiêu khích, quấy phá, chiếm đóng một số đảo do hải quân nước ngoài tiến hành.
Cuối năm 1986, nước ngoài điều máy bay và tàu chiến liên tục thực hiện hoạt động trinh sát, thăm dò ở khu vực Trường Sa. Đặc biệt, ngày 24-30/12/1986, nước ngoài cho máy bay trinh sát từ đảo Song Tử Tây đến khu vực Thuyền Chài. Hành động này đã gây nên tình hình căng thẳng về tranh chấp chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Trong năm 1987, hải quân nước ngoài điều tàu trinh sát phần lớn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong đó, có những đảo mà Việt Nam đang giữ. Chúng liên tục huy động tàu qua lại khu vực đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa lớn, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, có lúc chỉ cách ta khoảng 1-2 hải lý.
Đứng trước tình hình hết sức căng thẳng, để bảo vệ vững chắc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Quân chủng Không quân và Hải quân trực tiếp được trên giao nhiệm tham gia bảo vệ và chi viện Trường Sa.
Trong đó, Quân chủng Không quân được giao các nhiệm vụ:
- Trinh sát chụp ảnh, quan sát bằng mắt trên các đảo và vùng biển xung quanh Trường Sa
- Bay thả hàng không dù trên các đảo có diện tích rộng
- Tổ chức huấn luyện phi công làm nhiệm vụ bay biển xa, trinh sát chụp ảnh, chi viện cho các đảo
- Sử dụng không quân tiêm kích – bom (cường kích) hoạt động ở tầm bay tối đa, mục tiêu ngắm vào tàu chở quân tiếp viện của đối phương.
Chiến đấu cơ hiện đại nhất Không quân nhân dân Việt Nam khi đó Su-22M được cơ động vào Trường Sa. Ảnh minh họa. |
Cơ động máy bay hiện đại nhất vào Nam
Tình hình lúc này, ở phía Nam ta không có loại máy bay chiến đấu nào đủ khả năng bay từ đất liền ra tuần tiễu Trường Sa. Vì thế, Quân chủng Không quân cơ động một bộ phận máy bay cường kích Su-22M từ Bắc vào Nam.
Su-22M là loại máy bay hiện đại do Liên Xô thiết kế dùng cho nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất, trên biển. Cuối năm 1979, không quân ta đã được tiếp nhận những chiếc Su-22M đầu tiên, trang bị cho Trung đoàn 923 Yên Thế (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Có thể nói, vào thời điểm đó, Su-22M là chiến đấu cơ hiện đại nhất của không quân ta với tầm bay xa, tải trọng vũ khí lớn.
Ngày 6/11/1987, Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa. Sáng ngày hôm sau, Tư lệnh Quân chủng Không quân ra lệnh cho Sư đoàn 372 tổ chức cơ động một phi đội Su-22M của Trung đoàn 923 từ Thọ Xuân vào Phan Rang hiệp đồng với Vùng 4 hải quân, Lữ đoàn Phòng không 378 sẵn sàng chiến đấu.
Máy bay cường kích Su-22M số hiệu 5815 lần đầu bay ra Trường Sa. |
Ngày 14/11, đội ngũ dẫn đường sở chỉ huy của Ban Dẫn đường Sư đoàn 372 và Tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 923 cùng đội ngũ phi công thực hiện dẫn bay thành công Su-22M cơ động chuyển sân đường dài lần đầu tiên vào phía Nam.
Từ ngày 21/11, Sư đoàn 372 đã tổ chức trực ban chiến đấu và huấn luyện bay biển cho Su-22M tại sân bay Phan Rang.
Nhờ có công tác huấn luyện bay biển thường xuyên đạt chất lượng cao, tiến độ nhanh và an toàn. Sáng ngày 10/3/1988, phi công Vũ Xuân Cương đã thành công chuyến bay nhiệm vụ đầu tiên trên cường kích Su-22M từ Phan Rang ra tuần tiễu Trường Sa. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của Không quân Nhân dân Việt Nam ra tới Trường Sa.
Tuy nhiên, ngày 14/3, khi các tàu vận tải của hải quân ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao (quần đảo Trường Sa), thì tàu chiến của Trung Quốc lao đến ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604, HQ-605 và HQ-505.
Lễ truy điệu các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa 1988. |
Chúng cho quân đổ bộ lên Gạc Ma nhổ cờ tổ quốc, nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất (3 cán bộ hy sinh, 11 cán bộ, chiến sĩ bị thương và 70 người mất tích). Hành động của Trung Quốc đã làm cho tình hình Trường Sa và Biển đông trở nên vô cùng căng thẳng.
Tăng cường bảo vệ Trường Sa
Trước tình hình đó, không quân được lệnh sẵn sàng xuất kích bảo vệ đảo. Đồng thời, ta cũng điều thêm nhiều Su-22M vào Nam để tăng cường lực lượng.
Từ ngày 1/3-20/4/1988, Trung đoàn không quân 918 thực hiện 10 chuyến bay ra Trường Sa quan sát chụp ảnh, thông báo tình hình đối phương trên biển về sở chỉ huy.
Ngày 30/3/1988, tư lệnh Quân chủng Không quân ra chỉ thị về việc tăng cường bay huấn luyện trên biển xa cho Su-22M nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển. Ngày 24/4, quân chủng quyết định điều thêm 3 chiếc Su-22M từ Thọ Xuân vào Phan Ranh. Cuối tháng 6, có thêm 10 chiếc Su-22M nữa vào Phan Rang.
Ngày 10/6/1988, Tư lệnh Không quân phê duyệt lại kế hoạch triển khai nhiệm vụ bảo vệ và chi viện Trường Sa. Quân chủng chủ trương sử dụng các lực lượng hiện có (gồm tiêm kích đánh chặn MiG-21bis, cường kích Su-22M, vận tải cơ An-26 và trực thăng Mi-8/Ka-25) thực hiện 4 nhiệm vụ chính: bay trinh sát, vận chuyển đường không; tấn công các mục tiêu trên biển và đảo; tiêm kích bảo vệ đội hình chiến đấu không quân – hải quân; hiệp đồng chặt chẽ với hải quân và phòng không bảo vệ Trường Sa.
Sau chuyến bay đầu tiên của phi công Vũ Xuân Cương vào tháng 3, ngày 24-28/6 hai biên đội Su-22M (4 chiếc) lần lượt bay nhiệm vụ ra đảo Trường Sa và An Bang.
Ngày 24/29/10, không quân và hải quân tham gia cuộc diễn tập lớn mang tên CV-88 do Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng Hải quân tổ chức. Tham gia diễn tập có các đơn vị thuộc Sư đoàn 372, 2 trực thăng Mi-8 từ Trung đoàn 917, 2 vận tải cơ An-26 từ Trung đoàn 918, trung đoàn 920…
Diễn tập CV-88 tiến hành theo hai giai đoạn: đầu tiên là chuyển trạng thái sẵn sàng chiến và tiếp theo là thực hành chiến đấu tại Phan Rang và Cam Ranh.
Biên đội Su-22 phóng rocket tấn công mục tiêu. |
Trong diễn tập, phi đội Su-22M thực hiện các phương án tấn công tiêu diệt và ngăn chặn đội hình hải quân địch trên biển, chi viện yểm hộ cho hải quân phản công chiếm lại đảo. Đội hình tiêm kích đánh chặn MiG-21 yểm trợ bảo vệ đội hình tàu và máy bay Su-22M. Các đơn vị trực thăng Ka-28, Mi-8, vận tải An-26 làm nhiệm vụ trinh sát, chuyển quân, tìm kiếm cứu nạn.
Ngày 25/11, Tổng Tham mưu trưởng ra mệnh lệnh bảo vệ Trường Sa, khu vực biển và thềm lục địa. Ở phía Nam, Quân chủng Không quân tích cực tham gia bảo vệ Trường Sa, khi tàu nước ngoài gây ra chiến sự thì phối hợp với hải quân đánh bại họ ở vùng biển quần đảo Trường Sa.
Trong suốt những năm bảo vệ Trường Sa, Trung đoàn 923 là đơn vị chủ lực thường xuyên thực hiện các chuyến bay tuần tiễu. Sang tới cuối năm 1989, làm nhiệm vụ Trường Sa có thêm sự tham gia từ Trung đoàn cường kích 937 trang bị Su-22M4.
Ngày 19/10, biên đội Su-22M4 do phi công Vũ Kim Điến và Nguyễn Văn Thận đã hoàn thành xuất sắc chuyến bay đầu tiên của Trung đoàn 937 ra Trường Sa. Với sự kiện này, đơn vị này đủ cơ sở để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa và vùng kinh tế biển phía nam tổ quốc.
Cuối tháng 12/1989, Trung đoàn 923 được lệnh cơ động ra sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Toàn bộ nhiệm vụ chiến đấu của không quân cường kích ở phía nam giao lại cho Trung đoàn 937.
Theo Kiến Thức