Số phận cường kích A-10 Warthog một lần nữa lại nóng trên bàn nghị sự của Quốc hội Mỹ. CNN cho biết Không quân Mỹ đang yêu cầu Quốc hội chi thêm tiền để nâng cấp phi đội cường kích A-10 đáng kính của họ.
Khi trình dự thảo ngân sách quốc phòng đầu năm 2017, các quan chức Không quân Mỹ tuyên bố sẽ không nghỉ hưu toàn bộ cường kích A-10 bất chấp những nỗ lực ngưng sử dụng cường kích này trước đó.
Không quân Mỹ cảnh báo Quốc hội rằng hơn một phần ba trong số 238 cường kích A-10 có thể không thể hoạt động được trừ khi Quốc hội tăng ngân sách để khởi động lại dây chuyền sản xuất cánh mới cho máy bay.
Không quân đã chi tiền để thay cánh mới cho 173 cường kích A-10 để kéo dài tuổi thọ nhưng không có nguồn tài trợ cho 110 máy bay khác, 40 máy bay khác có thể phải ngừng bay vĩnh viễn vào năm 2021, trừ khi quỹ bổ sung được phân bổ, phát ngôn viên không quân Ann Stefanek nói.
Cụ thể không quân yêu cầu 103 triệu USD để sản xuất và thay thế cánh mới cho A-10. Trong khi đó, nhà sản xuất Boeing nói rằng họ đã đóng cửa dây chuyền sản xuất cánh của A-10.
Cường kích A-10 Warthog là máy bay hỗ trợ hỏa lực đường không tầm thấp tốt nhất của Không quân Mỹ. Ảnh: USAF. |
Các chuyên gia về ngân sách quốc phòng nhận xét, việc đề xuất thay thế cánh mới cho máy bay vào hạng mục cần thiết nhưng không có tiền mặt là một chiến thuật thường được quân đội sử dụng để thúc đẩy Quốc hội chi thêm tiền, cho phép quân đội có nhiều cơ hội vận động ngân sách.
Todd Harrison, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói: "Đây là chiến thuật ngân sách cổ điển, không bao gồm kinh phí cho một điều gì đó mà bạn biết Quốc hội sẽ giúp bạn kiếm tiền".
Không quân hy vọng Quốc hội sẽ chi trả cho đề xuất này bằng cách cung cấp khoản ngân sách bổ sung và cắt giảm ở một cái gì đó khác trong ngân sách nhưng không có gì bảo đảm. "Nếu đó là ưu tiên cao, nó sẽ được đưa vào trong yêu cầu ngân sách thường xuyên", ông Harrison cho biết thêm.
Trung tướng Arnold Bunch, quan chức phụ trách mua sắm của Không quân Mỹ nói với Quốc hội rằng không quân cam kết duy trì 6 trong số 9 phi đội A-10 hiện có vào năm 2030.
Tiếp tục sử dụng hay ngưng hoạt động A-10 đang trở thành chủ đề gây tranh cãi trong quân đội và Quốc hội Mỹ. Ảnh: USAF. |
"Cơ cấu bổ sung đối với A-10 phụ thuộc vào mức ngân sách trong tương lai và yêu cầu cơ cấu lực lượng", tướng Bunch viết trong báo cáo trước Quốc hội. Tuy vậy, Không quân Mỹ vẫn chưa giải thích thấu đáo chất vấn của các nghị sĩ về kế hoạch duy trì 6 phi đội cường kích A-10.
Các nhà lập pháp Mỹ đã vật lộn với kế hoạch thay thế A-10 trong nhiều năm, một nhiệm vụ khó khăn do hiệu quả cao của máy bay dù được đưa vào sử dụng từ năm 1975.
Ban đầu Không quân Mỹ dự định thay thế A-10 bằng tiêm kích đa nhiệm F-35. Tuy nhiên, A-10 là máy bay duy nhất của không quân được thiết kế đặc biệt cho hỗ trợ hỏa lực đường không tầm thấp, một vai trò trở nên khẩn cấp trong cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
A-10 có thể nhắm mục tiêu kẻ thù ở tầm thấp mà không gây nguy hiểm cho đồng đội, vì các phi công bay đủ chậm để phân biệt các mục tiêu trên mặt đất.
Năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nói rằng kế hoạch nghỉ hưu A-10 sẽ lùi lại đến năm 2022, ở thời điểm đó, nó sẽ được thay thế bằng F-35. Tuy nhiên chương trình F-35 liên tục gặp vấn đề kỹ thuật dẫn đến chậm tiến độ, tăng chi phí.
Điều đó dẫn đến việc Lầu Năm Góc muốn kéo dài thời gian sử dụng A-10 nhằm đáp ứng cuộc chiến chống IS.