Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không phải vàng, bạc mới là đồng tiền được ưa chuộng thời Trung cổ

Khi giao dịch trên biển trở nên phổ biến, các thương nhân nhận ra vàng có nhiều hạn chế. Từ đó, tiền bạc xuất hiện và được sử dụng phổ biến hơn.

nguon goc tien bac anh 1

Đồng bạc sceat được tìm thấy ở Anh có nguồn gốc vào khoảng năm 710-720. Ảnh: Arichis.

Trong suốt thế kỷ VII và thậm chí thế kỷ VIII, phần lớn việc kinh doanh trên biển giống như một nghi lễ, một kiểu vận chuyển các loại hàng hóa xa xỉ mà một vị vua, tù trưởng hay hoàng đế cần để đảm bảo liên minh, kết giao và giữ cho mọi người trung thành với mình. Thương nhân đóng vai trò hộ tống nhiều hơn là buôn bán, vận chuyển những đồ cống nạp và phần thưởng, họ giao hàng hóa để người khác có thể ban phát chúng.

Một lần nữa, người Frisia không như vậy. Họ có sở thích riêng và họ vận chuyển hàng hóa chỉ để phục vụ bản thân. Từ thế kỷ VI, họ mua bình từ vương quốc Frank ở phía nam để sử dụng cho mục đích cá nhân, chỉ đơn giản là vì họ thích chúng. Họ mua đồ trang sức từ Anh và Scandinavia, và họ có những chiếc kim đan được làm từ xương cá voi Na Uy. Họ thậm chí giữ những món quà lưu niệm: trong hộp đựng tiền xu của họ có những vỏ ốc xinh xắn từ Biển Đỏ.

Loại hình kinh doanh của họ đòi hỏi phải có tiền: không phải là một đống vàng hay bạc nằm im trong đáy tủ, mà là đồng tiền lưu hành, tiền xu sử dụng trong thương mại. Trải dài tới vùng Gaul, mục đích duy nhất của tiền xu là vì chúng là cách đơn giản để sử dụng vàng. Ở Anh, phải mất 200 năm sau khi người La Mã rời đi thì các đồng xu mới lại được sử dụng với công năng là tiền. Không có bất kỳ xưởng đúc tiền nào ở vùng phía đông Sông Rhine cho đến tận Regensburg, và xưởng ở đó cũng chỉ sản xuất một số lượng rất hạn chế. Chính người Frisia đã tái phát minh ra đồng tiền hữu dụng, và truyền lại ý tưởng của họ cho người Frank dưới thời Charlemagne.

Bởi vì vàng luôn mang ý niệm về sức mạnh, nghi lễ, lôi kéo sự ủng hộ và đóng thuế: nó là tiền tệ của chính trị. Người La Mã đã sử dụng nó theo cách đó, những đại địa chủ trả tiền cho nhà nước và một chút trợ cấp chảy ngược lại (như thường lệ) cho những người ít cần đến nó nhất, chính là các đại địa chủ. Vào thế kỷ VI, vàng vẫn tràn ngập các kho bạc nhà nước - những kho thuộc về các vị vua Frank thay vì các hoàng đế La Mã - nhưng nó hầu như không nhỏ giọt ra ngoài; đó là đồng tiền không lưu hành, chỉ phù hợp để cất trữ, đếm, chôn giấu và, thông thường, bị đánh cắp.

Vàng thường là món quà, [dù] không phải lúc nào cũng hoàn toàn tự nguyện, cho thấy bạn phù hợp với nơi nào và phù hợp đến đâu: ai là đồng minh, ai là ông chủ của bạn. Bạn không nhất thiết phải nhận được đền đáp: bạn không thể tiến cúng vàng cho nhà thờ và mong đợi sự cứu rỗi. Bạn chắc chắn không nhận được một bao tải ngũ cốc hay một tàu đầy hổ phách hay một toán nô lệ thay cho vàng của bạn; sự đền đáp là cực kỳ trừu tượng, một khái niệm về bản thân.

Trong sử thi thời Trung Cổ, hình thức phổ biến nhất thậm chí không phải bằng tiền xu: đó là những chiếc nhẫn nhỏ bằng vàng mà các nhà thơ dùng để so sánh với bất kỳ quà tặng nào khác, tuy nhiên, điều quan trọng nhất cuối cùng vẫn là giá trị và chỗ đứng của những người đã nhận và cho.

Khi các điền trang lớn của La Mã bị đóng cửa và các thành phố bị thu hẹp không còn là mối quan tâm chính, đột nhiên người ta cần đến một thứ gì đó nhỏ hơn, giá trị thấp hơn, linh hoạt hơn vàng: một loại tiền tệ thương mại.

Không chỉ các giao dịch quốc tế đường dài cần đến loại đồng xu có mệnh giá phù hợp cho cả hai đầu cũng như mọi nơi trong suốt chặng đường buôn bán. Nông dân mang hàng hóa của họ đến các khu chợ trong khu vực sẽ cần đến tiền xu để mua bán; họ không thể chỉ đơn giản là mang về nhà vẫn các loại ngũ cốc hoặc bắp cải hay đậu mà chính họ đã chở ra chợ với số lượng nhiều hơn, ngay cả khi đó là những gì hàng xóm của họ phải đem bán; họ cần có cách gì đó để mua vải hoặc bình, những thứ do nhóm người khác sản xuất ở những nơi khác, và trong mọi trường hợp, các thương nhân bán vải và bình chỉ muốn mua một số lượng nhất định các loại đậu hoặc bắp cải hoặc ngũ cốc.

Bạc lại khá phù hợp: đồng xu bạc nhỏ, dày thường được đúc tại địa phương. Người Frisia đã đúc hình thần Wotani ở một mặt, với mái tóc dựng ngược, bộ ria mép rủ xuống và đôi mắt thô lố lồi như cặp kính bảo hộ; và ở mặt bên kia một loại quái vật mãnh xà với móng vuốt và một cái đuôi quấn cao. Người Anglo-Saxon ở Anh bắt chước người Frisia và đặt một sinh vật như con nhím lên đồng bạc của họ, hoặc đôi khi là một vị vua.

[...] Trong một thời gian dài, bạc đã không được khai thác; nó được quay vòng từ người nọ sang người kia. Chỉ đến những năm 960, những mỏ bạc lớn được phát hiện ở Saxony, và bỗng nhiên có những người giàu mới nổi ở Đức, đủ giàu để mua lông thú từ Scandinavia và đổi lại những thứ đáng giá ở Anh.

Đến lúc đó, đồng tiền bạc không còn chỉ là một miếng kim loại có giá, tiện lợi để mang đi, nó đã mang một giá trị biểu tượng riêng biệt. Đồng xu chính là giá trị mà bạn có thể mang theo, và mọi người có thể nhìn nhận giá trị này cũng giống như bạn. Chúng không cần một chỗ ngủ hay một bữa ăn như gia súc, hay cày bừa và gặt hái như cánh đồng, và điều tốt nhất là chúng không bao giờ chết; giá trị của chúng luôn tồn tại. Chúng có thể được chôn giấu trong thời loạn lạc và đào lên để chi tiêu sau này.

Luật của người Frank cho thấy, theo những cách tương đương, vàng và hàng hóa đã nhường chỗ cho bạc và ý tưởng về giá trị này như thế nào. Ví dụ, một kẻ giết người có nghĩa vụ phải trả hết cho những người thừa kế và những người sống sót của người mà anh ta đã giết, và tỷ lệ tiền nợ máu, wergeld, là không thay đổi.

Lúc đầu, nó được đặt theo đồng solidusi vàng, tương đương với hàng hóa: một con bò đáng giá 3 solidus, một con ngựa bằng 12 solidus và một thanh kiếm kèm vỏ có giá 7 solidus.

Khi đồng tiền bạc được sử dụng, tỷ giá là quy theo tiền xu, không theo hàng hóa: 12 đồng denier bạc bằng 1 đồng solidus. Giá trị của đồng tiền là một học thuyết được tất cả mọi người chấp nhận, và nó luôn được gắn với thế giới thực theo những cách hết sức ngạc nhiên.

Michael Pye / NXB Hà Nội và Omega Plus Books

SÁCH HAY