Các bạn trẻ đọc tác phẩm Bay qua Hồ Gươm của tác giả Huỳnh Mai Liên sáng ngày 4/10. Ảnh: Nhã Nam. |
“Không phải cứ nhân hóa, gọi Mặt Trời là ông, gọi cơn gió là cô, gọi cái cây là bác thì mới gọi là thơ thiếu nhi. Đó chỉ là một thủ pháp. Điều quan trọng của nhà thơ thiếu nhi là sao cho người đọc thấy đứa trẻ bên trong tâm hồn, đứa trẻ ấy quan sát và cảm nhận mọi thứ ra sao”, nhà thơ Thụy Anh chia sẻ tại sự kiện ra mắt tập thơ Bay qua Hồ Gươm của tác giả Huỳnh Mai Liên sáng ngày 4/10.
Những lời chia sẻ của nhà thơ Thụy Anh đã cho thấy điều đặc biệt của các nhà thơ thiếu nhi. “Họ không thể ‘giả làm một đứa trẻ’ để có con mắt hồn nhiên nhìn đời. Mỹ cảm đó phải đến từ việc nuôi dưỡng đứa trẻ trong chính tâm hồn.
Để đứa trẻ trong tâm hồn bay cao
Các nhà thơ thiếu nhi có một nét đặc biệt khó có thể diễn tả bằng công thức cố định, bởi mỗi người đều chọn cho mình một cách tiếp cận riêng để kết nối với tâm hồn trẻ thơ. Hơn hết, việc viết cho trẻ em không đơn giản là một quá trình gượng ép hay bắt chước sự ngây ngô. Thay vào đó, các cây bút thành công trong lĩnh vực này thường giữ được trong mình một "đứa trẻ" từ sâu thẳm trong tâm hồn, họ không cố tình "nhỏ đi" để trở thành trẻ em, đó là một sự đồng điệu tự nhiên.
Nhà thơ Thụy Anh đã đề cập đến một ví dụ trong tập thơ Bay qua Hà Nội của tác giả Huỳnh Mai Liên. Những suy nghĩ mang màu sắc trẻ thơ được thể hiện một cách tinh tế nhưng lại rất sâu sắc.
Tập thơ Bay qua Hà Nội của tác giả Huỳnh Mai Liên. Ảnh: Nhã Nam. |
"Góc nhìn trẻ thơ của tác giả không phải cố hay gượng ép mà có được. Sự trong sáng, tinh tế và sâu lắng trong điểm nhìn được hình thành từ các trải nghiệm cũng như khả năng thấu hiểu tâm hồn trẻ em”, TS Nguyễn Thụy Anh nhận định.
Ngoài ra, sự quan sát và lắng nghe đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng cảm xúc thơ ca. Với tác giả Huỳnh Mai Liên, cô không chỉ là một nhà thơ mà còn là một người mẹ. Chính từ sự quan sát và lắng nghe con mình, cô đã tìm thấy nhịp điệu đồng điệu với trẻ thơ, để rồi từ đó "bỗng nhiên trở thành đứa bé lúc nào không biết."
Tác giả Thụy Anh còn nhấn mạnh rằng khi nhà thơ đạt được sự đồng cảm này, thơ thiếu nhi sẽ không chỉ dừng lại ở ngôn từ đơn giản mà mang đến một thế giới nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng không ngây ngô, phản ánh chân thực sự phức tạp trong tâm hồn trẻ thơ.
Thực tế, trẻ em ngày nay rất thông minh và nhạy bén. Những gì các nhà thơ muốn truyền tải cần phải đáp ứng được sự nhạy cảm đó. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các nhà thơ khi viết cho thiếu nhi, bởi lẽ sự trong sáng, giản dị và dễ hiểu không đồng nghĩa với hời hợt hay dễ dãi.
Nghệ thuật là sự đối thoại giữa các thế hệ
Từ góc nhìn của các nhà thơ thiếu nhi, nghệ thuật luôn mở ra một không gian đặc biệt cho sự đối thoại giữa các thế hệ, vượt qua những rào cản mà thời đại công nghệ số đôi khi tạo nên. Chẳng hạn, những đứa trẻ bây giờ đôi khi chúng ta thấy có rất nhiều ngăn cách... Chúng có thể kết bạn với người ở bên kia bán cầu nhưng lại không thể kết nối với những người thân yêu bên cạnh mình. Dẫu vậy, thơ lại là cầu nối cho hai thế hệ tiếp xúc nhau.
Bay qua Hồ Gươm là một minh chứng cho điều đó. Nhà thơ Huỳnh Mai Liên cùng con gái Mai Khuê đã cùng nhau tạo nên diện mạo của cuốn sách này.
Trong quá trình vẽ minh họa, Mai Khuê kể lại rằng bản thân và mẹ gặp rất nhiều bất đồng. “Mẹ là một người nguyên tắc, còn em là một người cảm tính”, Mai Khuê kể lại. Chính vì vậy không dễ để hai người tìm được tiếng nói chung trong quá trình làm sách.
Nhưng nhà thơ Mai Liên vẫn luôn đặt niềm tin vào con gái. Cuối cùng, hơn 100 trang sách đã được ra đời với rất nhiều các hình minh họa khác nhau. Theo nhà thơ chia sẻ, quá trình làm cuốn sách đã để lại một kỷ niệm đặc biệt, trong đó có những khoảng thời gian được nhìn thấy con gái mình chìm đắm trong thế giới tưởng tượng.
Nhà thơ Huỳnh Mai Liên cùng con gái Mai Khuê chia sẻ về cuốn sách. |
“Bản thân cũng vui khi Mai Khuê có thể rời xa được những thiết bị thông minh, internet trong một thời gian để tập trung vào những thứ bên trong bản thân như niềm đam mê vẽ”, tác giả Bay qua Hà Nội chia sẻ.
Tập thơ Bay qua Hồ Gươm là tác phẩm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Các nhân vật trong cuốn sách đều được tác giả lấy cảm hứng từ cuộc sống xung quanh như em bé mới chào đời, người nghệ nhân đầu bạc Định Công, chú thợ cắt tóc đầu ngõ Nguyễn Công Hoan, những em học sinh tham gia cuộc thi âm nhạc dân gian ở Cung Thiếu nhi Hà Nội...
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.