Nhiều người chấp nhận dùng điện thoại bị hỏng phần cứng thay vì mang đi sửa. Ảnh: Andoid Authority. |
Tháng 5 vừa qua, iFixit tuyên bố kết thúc quan hệ hợp tác 2 năm với Samsung trong sự không hài lòng. Đơn vị sửa chữa cho rằng Samsung có nhiều “yêu sách” về dịch vụ hậu mãi và giá linh kiện cao ngất ngưởng.
Lời chỉ trích của iFixit cho thấy vấn đề của Samsung cũng như nhiều công ty công nghệ trong việc sửa chữa phần cứng. Thậm chí, Android Authority cho rằng thay vì bị hạn chế cập nhật phần mềm như thường nghĩ, khó sửa chữa khi hỏng là yếu tố chính khiến điện thoại ngày nay khó dùng lâu dài.
Sửa điện thoại thường quá đắt
Để hiểu rõ hơn nhu cầu của người dùng, Andoid Authority đã tổ chức một cuộc khảo sát với hơn 6.000 người tham gia. Câu hỏi được đưa ra là “Bạn từng chi tiền để sửa điện thoại chưa?”.
Kết quả khảo sát của Andoid Authority cho câu hỏi “Bạn từng chi tiền để sửa điện thoại chưa?”. Ảnh: Andoid Authority (Việt hóa: Kim Yên). |
Kết quả cho thấy, đa số người được hỏi từng dùng đến dịch vụ sửa chữa điện thoại cũng như sẵn sàng chi tiền cho dịch vụ này. Chỉ có hơn một phần ba (33,9%) trong số hơn 6.000 người cho biết họ chưa bao giờ yêu cầu sửa điện thoại.
Trong số những người từng sửa điện thoại, chỉ dưới 20% chọn các cơ sở sửa chữa chính hãng, trong khi 26% lựa chọn các chuyên gia sửa chữa của bên thứ ba.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số còn lại. Cứ 5 người được hỏi thì có 1 người cho biết họ chưa bao giờ sửa điện thoại vì "quá đắt". Như vậy, người dùng có nhiều khả năng sẽ sử dụng smartphone bị hỏng hoặc vứt bỏ thiết bị đã hỏng đi, mua chiếc mới.
Giải thích về lựa chọn “thà vứt còn hơn đi sửa”, nhiều độc giả của Andoid Authority cho rằng một số hãng có những điều kiện bảo hành “oái oăm”.
“Samsung không hề xem trọng việc bảo hành. Màn hình chiếc Flip 4 của tôi bị hỏng mà không phải lỗi của tôi. Tôi đã mang máy đi thay màn hình và họ tính một khoản phí lớn do điện thoại có vài vết xước. Không lẽ tôi phải để điện thoại nguyên trong hộp không dùng thì mới được sửa chữa miễn phí sao?”, một độc giả thắc mắc.
Samsung bị cho là có nhiều quy định oái oăm về bảo hành điện thoại. Ảnh: Andoid Authority. |
Quy định bảo hành khó khăn
Đối với các gói bảo hành tính phí, các quy định rất khắt khe về thời gian mua, tình trạng máy, thậm chí là người đứng tên hợp đồng cũng khiến nhiều người bị từ chối bảo hành.
Một hãng smartphone khác là OnePlus cũng bị "chê" về dịch vụ sửa chữa thiết bị.
“Có lần tôi thay pin cho OnePlus 7 Pro tại một cửa hàng sửa chữa địa phương, mất khoảng 80 USD. OK, không quá đắt. Nhưng vào năm ngoái, tôi vô tình làm vỡ màn hình chiếc 9 Pro, đi thay xong mới biết chi phí gần bằng mua một chiếc 9 Pro mới trên mạng. Nói chung tôi thấy việc sửa điện thoại giống như chơi sổ số vậy, chủ yếu dựa vào may rủi”, một độc giả chia sẻ.
E ngại việc sửa chữa, nhiều người bỏ tiền mua ốp lưng và miếng dán màn hình để bảo vệ điện thoại. Ảnh: Cnet. |
Có lẽ quá ngán ngẩm với dịch vụ sửa chữa thiết bị của các hãng, nhiều người dùng cố gắng để không bao giờ phải sửa điện thoại.
"Tôi chỉ mua điện thoại có thể thay pin. Chúng vẫn còn tồn tại, như dòng Xcover của Samsung. Những chiếc flagship có pin tích hợp có nhiều tính năng thú vị nhưng chỉ dùng một lần rồi bỏ. Tôi sẽ không phí tiền mua chúng nếu không thực sự cần thiết”, một độc giả nhận xét.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ốp lưng và miếng dán màn hình giá rẻ có thể bảo vệ điện thoại. Tránh lạm dụng điện thoại cũng giúp kéo dài tuổi thọ pin”, một người khác gợi ý.
Việc nhiều người e ngại việc sửa điện thoại cho thấy dịch vụ này vẫn còn nhiều bất cập. Các công ty điện thoại thông minh lớn cần phải giải quyết vấn đề này trong những năm tới, không chỉ vì người tiêu dùng mà còn vì bảo vệ môi trường.
Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung
Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.