Đã hai năm liên tiếp Sony không thể hoàn thành kịp các đơn hàng cho đối tác. Theo Bloomberg, hiện tại Sony đang vận hành dây chuyển sản xuất cảm biến máy ảnh 24 giờ mỗi ngày nhưng vẫn không kịp số lượng cam kết.
Từ năm 2018, Sony đã vận hành dây chuyển sản xuất chip xuyên dịp lễ cuối năm, theo ông Terushi Shimizu, giám đốc bộ phận bán dẫn của công ty. Chi tiêu cho bộ phận này đã tăng gấp hơn 2 lần, lên 2,6 tỷ USD, đồng thời Sony cũng có kế hoạch xây một nhà máy mới ở Nagasaki với mục tiêu hoạt động từ tháng 4/2021.
"Với tình hình hiện tại, những khoản đầu tư của chúng tôi vẫn chưa đủ. Chúng tôi phải xin lỗi nhiều đối tác vì không hoàn tất được số lượng", ông Shimizu chia sẻ.
Việc smartphone ngày càng có nhiều camera khiến cho nhu cầu cảm biến tăng cao. Sony là hãng sản xuất cảm biến máy ảnh số một thế giới. Ảnh: Bloomberg. |
Các nhà sản xuất smartphone ngày càng chuộng những thiết kế với nhiều camera với các tiêu cự khác nhau. Những mẫu smartphone mới nhất từ Samsung hay Huawei còn sử dụng cảm biến với độ phân giải rất cao, lên tới 40 MP. Năm nay cũng là năm đầu tiên mà các mẫu iPhone 11 Pro và Pro Max có tới 3 camera ở mặt sau. Đó là lý do nhu cầu cảm biến máy ảnh của Sony vẫn tăng mạnh dù ngành smartphone nói chung đang chững lại.
"Camera đã trở thành điểm khác biệt lớn nhất giữa các thương hiệu smartphone, ai cũng muốn có ảnh và video đẹp để đăng lên mạng xã hội. Sony đang tận dụng nhu cầu đó rất tốt", nhà phân tích Masahiro Wakasugi của Bloomberg Intelligence nhận xét.
Bán dẫn là ngành kinh doanh thành công nhất hiện tại của Sony sau máy chơi game PlayStation. Vào tháng 10, công ty này đã tăng dự báo lợi nhuận của đơn vị bán dẫn tới 38%, sau khi lợi nhuận tăng 60% vào quý trước. Trong doanh thu 1,04 nghìn tỷ yên dự toán, riêng cảm biến ảnh đã chiếm 86%.
Vào tháng 5, Sony cho biết họ chiếm 51% thị phần cảm biến máy ảnh, và đặt mục tiêu tăng con số này lên tới 60% vào năm 2025. Ông Shimizu cho biết riêng năm nay thị phần của Sony đã có thể tăng lên vài phàn trăm.
Cảm biến máy ảnh cũng được phát triển đầu tiên tại phòng thí nghiệm Bell vào cuối thế kỷ 20, nhưng Sony đã tham gia thị trường này rất sớm. Năm 1980, hãng đã có thiết bị "mắt điện tử" lắp đặt trên những máy bay của hãng ANA để phi công có thể theo dõi quá trình cất cánh và hạ cánh.
Sony đang theo đuổi công nghệ cảm biến đo độ sâu ToF nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tác. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Kazuo Iwama, Phó chủ tịch Sony tại thời điểm đó là người đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy hãng tham gia lĩnh vực sản xuất cảm biến. Tuy ông đã qua đời trước khi Sony công bố máy ghi hình đầu tiên vào năm 1985, vai trò của Imawa vẫn luôn được ghi nhận. Theo Bloomberg, trên mộ của Iwama còn khắc hình một cảm biến CCD để ghi lại đóng góp lớn nhất của ông.
Thế hệ cảm biến mới mà Sony đang phát triển có thể thu nhận lại thông tin độ sâu, hay còn gọi là công nghệ Time of Flight (ToF). Những cảm biến này phát ra tia laser không nhìn thấy được, thu nhận lại thông tin về khoảng cách với những vật thể xung quanh để xây dựng lên bản đồ kích thước chi tiết nhất.
Công nghệ thu độ sâu được áp dụng vào những bức ảnh chân dung, xóa phông. Nó cũng có thể áp dụng cho các thiết bị thực tế ảo. Samsung, Huawei đều đã trang bị cảm biến ToF trên điện thoại của mình, và Apple được cho là sẽ theo bước vào năm 2020.
"Đây là năm khởi đầu của ToF. Khi người ta nhìn ra được thấy ứng dụng hữu ích của công nghệ này, họ sẽ tích cực mua những chiếc smartphone mới", người lãnh đạo mảng bán dẫn của Sony chia sẻ.