Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không nên lấy lý do chống dịch làm khó doanh nghiệp du lịch'

Đây là quan điểm của Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Thành viên tổ tư vấn du lịch về việc các phương pháp chống dịch hiện nay thiếu cơ sở khoa học, cản trở phục hồi.

Tại tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 7/12, ông Lương Hoài Nam mở đầu bài phát biểu bằng hình ảnh một khách sạn ở Vũng Tàu treo băng rôn cầu cứu chính quyền cho mở lại các hoạt động du lịch theo tiêu chí an toàn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.

"Không doanh nghiệp du lịch nào đặt lợi ích kinh doanh cao hơn sự an toàn của cộng đồng, khách hàng và nhân viên. Do đó không nên lấy lý do chống dịch làm khó doanh nghiệp và người dân một cách thiếu cơ sở khoa học vì sợ trách nhiệm. Càng không thể chấp nhận các kiểu trục lợi nhân danh chống dịch", tiến sĩ Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Tăng sức cạnh tranh bằng bỏ cách ly tập trung

Ông Lương Hoài Nam lấy dẫn chứng, ngày 11/6 Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Tuy nhiên thực tế, phải đến ngày 20/11 địa phương này mới đón đoàn khách đầu tiên.

mo cua du lich anh 1

Đoàn khách 200 người Hàn Quốc đến Phú Quốc hôm 20/11. Ảnh: Chí Hùng.

"Đến nay mới chỉ đón được 2-3 đoàn khách, tổng số lượng khoảng 300-400 du khách. Kết quả đạt được khiêm tốn, nguyên nhân là các điều kiện chưa thực sự hấp dẫn", ông nói.

Cụ thể, ông khẳng định trừ một số quốc gia Đông Á thì không nước nào yêu cầu cách ly tập trung như Việt Nam. Đặc biệt, khi tỷ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội đã cao hơn nhiều nước, gần bằng Singapore, thì không có lý do nào phải thực hiện cách ly tập trung với F0 và F1.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng có khoảng cách khá xa từ mong muốn của Chính phủ, chính sách được công bố và thực tế triển khai.

Cần đặt lại câu hỏi Việt Nam có thực sự muốn mở cửa du lịch hay không

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel

"Cần đặt lại câu hỏi Việt Nam có thực sự muốn mở cửa du lịch hay không. Khách từ TP.HCM xuống Vũng Tàu không được ở lại qua đêm, lên Đà Lạt mà đi đường bộ thì đến đèo Madagui chờ khai báo y tế là hết giờ.

Bên cạnh đó, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải mở cửa giao thông, dịch vụ, tiện ích xã hội mới mở cửa du lịch được, nói nôm na là mở lại tất cả dịch vụ trong điều kiện bình thường mới", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Từ góc độ dịch tễ, PGS,TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Đại học Y Dược TP.HCM) cũng khẳng định Việt Nam cơ bản đã an toàn với tỷ lệ tiêm vaccine cao.

Với đặc thù ở miền nhiệt đới, Việt Nam là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn tiếp tục yêu cầu cách ly tập trung, sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ giảm, đánh mất cơ hội vào các nước tiềm năng khác trong khu vực.

Do đó, PGS, TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh cần xây dựng quy chế, quy định về phòng chống dịch minh bạch, rõ ràng, tương đối ổn định và chống dịch dựa trên cơ sở khoa học chứ không phải phán đoán.

"Không có nghiên cứu nào chứng minh giãn cách ghế trong máy bay thì an toàn, mà thực tế đi máy bay còn an toàn trong phòng dịch hơn xe khách. Hay câu chuyện cách ly thì không cách ly là tốt nhất, còn nếu e dè lắm thì có thể cho Việt Kiều về nước cách ly tại nhà, hoặc yêu cầu người ta ở trong resort 5 ngày là được rồi, còn chế độ F0, F1 của Việt Nam hiện hơi chặt chẽ", ông chia sẻ.

Sớm mở cửa thực chất ngành du lịch để kích thích kinh tế

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch, ví phần đông doanh nghiệp trong ngành du lịch hiện nay như lò xo bị liệt, dù có buông, không đè thì cũng khó tự bật lên.

Ông phân tích, có 3 nhóm doanh nghiệp trong đại dịch. Thứ nhất là các doanh nghiệp ngưng hoạt động nhưng vẫn giữ được dòng tiền, lao động, thị trường - nhóm này khi mở cửa có thể phục hồi tự nhiên. Thứ hai là những doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, lao động, mất một phần thị trường, nhưng nếu được bơm tín dụng ưu đãi thì có thể phục hồi được. Thứ ba là nhóm đã quá kiệt quệ, không còn đủ điều kiện đi vay. Ông cho rằng phần lớn doanh nghiệp du lịch nằm ở nhóm 2 và 3.

mo cua du lich anh 2

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch.

Trong khi đó, du lịch là ngành kinh tế có ý nghĩa lan tỏa. "Tính riêng mảng lưu trú phát triển rất mạnh và đầu tư rất lớn những năm qua, nhưng 2 năm nay nằm im. Không ít doanh nghiệp trong đó vay tín dụng ngân hàng, liệu họ chết thì ngân hàng có yên? Du lịch giải quyết vấn đề lao động và đóng góp vào GDP, khi người dân tăng thu nhập sẽ lại tiếp tục chi tiêu vào nền kinh tế..." ông Trần Du Lịch nói.

Do đó, ông nhấn mạnh phải sớm mở cửa thực chất ngành du lịch với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 và có những gói hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.

Gói hỗ trợ cần làm nhanh, có giá trị đâu đó ở mức 6-7% GDP

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel

"Tôi thiết tha đề nghị Chính phủ trợ giúp doanh nghiệp. Doanh nghiệp bây giờ đã 'đặt ECMO' rồi, rất cần oxy, do đó gói hỗ trợ cần làm nhanh, có giá trị đâu đó ở mức 6-7% GDP", Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ mong mỏi.

Ông kiến nghị Chính phủ cấp tiền cho doanh nghiệp qua kênh ngân hàng, giảm lãi vay về mức 3-3,5%/năm và cho phép doanh nghiệp vay tín chấp bằng kế hoạch kinh doanh, bởi không còn tài sản để thế chấp. Với dự báo từ năm 2023 trở đi ngành du lịch mới có thể phục hồi, ông đề xuất giảm thuế VAT xuống mức 5% trong 2 năm, đồng thời miễn các loại thuế TNDN, TNCN.

Theo ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, cơ quan này đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để đưa du lịch vào danh sách ưu tiên trong gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế.

"Khi gói này được triển khai, chúng tôi hy vọng sẽ đẩy mạnh xúc tiến du lịch quốc tế. Chúng ta phải mở cửa một cách bền vững, thí điểm du lịch để mở cửa hoàn toàn vào năm 2022", ông Đinh Ngọc Đức khẳng định.

Doanh nghiệp du lịch kêu khó vì các địa phương vẫn cát cứ

Lãnh đạo doanh nghiệp du lịch cho biết đang gặp nhiều khó khăn trong việc đón khách vì chưa có tiêu chí rõ ràng, nhiều địa phương còn quy định riêng về phòng chống dịch.

Du lịch tắc vì nhiều địa phương vẫn 'chốt cửa'

Nghị quyết 128 của Chính phủ được kỳ vọng sẽ triệt tiêu sự khác biệt trong phòng chống dịch của các địa phương, điều quan trọng là triển khai như thế nào.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm