Không chỉ không được tổ chức đám tang, người thân của người tử vong vì virus corona còn phải chờ đợi để nhận tro cốt.
Tro cốt của người chết "hiện đang được chúng tôi bảo quản vì gia đình họ bị cách ly, hoặc họ đang ở nơi khác và chưa thể quay lại", giám đốc đài hóa thân Kinh Châu, nói với Reuters, chỉ cung cấp họ là Sheng vì không được phép trả lời báo chí.
"Không có lời vĩnh biệt, không có nghi lễ nào", ông Sheng nói với Reuters từ văn phòng của mình, trong một tòa nhà trống trải, trắng đục.
Một người đàn ông đứng ở cửa sổ một khu dân cư ở Kinh Châu ngày 26/3, sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng ở tâm dịch tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Reuters. |
Không thể tiễn đưa người chết
Ở Trung Quốc, nơi đại dịch Covid-19 bắt đầu, virus làm đảo lộn không chỉ hoạt động hàng ngày của người sống, mà còn thay đổi cách người chết được tiễn đưa về nơi an nghỉ, do tính chất lây lan rất mạnh của nó.
Bất kể nguyên nhân cái chết có do dịch bệnh hay không, các gia đình mất người thân ở Trung Quốc đã không thể tổ chức tang lễ từ ngày 1/2 cho tới bây giờ, dù ca bệnh mới mỗi ngày chỉ còn rất ít trên cả nước.
Các gia đình không thể cử hành những nghi lễ kỳ công - nhưng khiến họ an tâm rằng người chết đến được thế giới bên kia một cách bình yên: thức đêm để canh, mặc quần áo tang màu trắng, người tới viếng bước xung quanh quan tài để tạm biệt người chết lần cuối, và các bài cầu nguyện, có thể theo Phật giáo hoặc Đạo giáo, theo Reuters.
Một nhà tang lễ ở Kinh Châu lúc này hoàn toàn tĩnh lặng. Bộ đồ bảo hộ treo bên ngoài một căn phòng là nơi nằm nghỉ của các nhân viên chuyên chở thi thể từ bệnh viện đến đài hóa thân.
Nhưng các gia đình bị cách ly còn cảm thấy cô đơn hơn, vì họ thậm chí không thể cầu khấn trước tro cốt của người thân đã qua đời.
“Tôi đã làm gì để xứng đáng bị trừng phạt như vậy?”, Wang Wenjun nói với Reuters, từ thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, vào tháng trước, sau khi gia đình cô phải chờ 15 ngày để nhận tro cốt của chú mình, người đã chết vì viêm phổi do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Không có đám tang nào được phép tổ chức, các nhân viên hỏa táng của ông Sheng, cũng như các nhân viên hỏa táng trên khắp Trung Quốc, phải làm việc ngay lập tức (sau khi có người chết).
“Trước khi có dịch bệnh, sẽ có buổi cầu nguyện có thể kéo dài ba ngày và sau đó chúng tôi mới làm việc của mình", ông Sheng nói, trên người ông là một chiếc áo khoác màu trắng giống trong phòng thí nghiệm, có đeo phù hiệu lá cờ đỏ Trung Quốc.
"Nhưng bây giờ khi có người chết, bệnh viện sẽ tiến hành khử trùng, sau đó việc hỏa táng được làm ngay”.
Hàng dài người chờ để lấy tro cốt người thân từ nhà tang lễ quận Hàn Khẩu, thành phố Vũ Hán. Ảnh: Weibo. |
Chưa biết bao giờ trở lại bình thường
Nhân viên ở đài hỏa táng mà ông Sheng đã công tác 29 năm nay giờ làm việc thay ca suốt 24 giờ, vì bệnh viện có thể gọi điện giữa đêm để họ đến lấy thi thể nạn nhân Covid-19. Một số nhân viên mặc trang phục phẫu thuật giống bác sĩ phẫu thuật, quần áo màu xanh, mũ choàng đầu màu xanh. Trước đây, họ chỉ hỏa táng vào buổi sáng.
"Các nhân viên bệnh viện đang làm việc rất vất vả, nhưng các nhân viên tang lễ cũng vậy", ông Sheng nói.
Trong số 8 lò hỏa táng của đài hóa thân, một lò dành riêng cho các nạn nhân virus corona, và gia đình của những người này có thể không có cơ hội nhìn thấy thi thể trước khi hỏa táng.
Đối với những người tử vong vì dịch bệnh, nhân viên phải mặc đồ bảo hộ toàn thân và được chỉ dẫn phải làm nhanh gọn, ông Sheng nói.
Trung Quốc đã ghi nhận hơn 81.000 ca nhiễm coronavirus và 3.300 ca tử vong, chủ yếu ở Vũ Hán, nơi được cho là có người nhiễm bệnh đầu tiên tại một chợ hải sản.
Người dân bước qua rào chắn bị đổ ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, hôm 29/3. Ảnh: Reuters. |
Kinh Châu, một đầu mối giao thông và du lịch, với 6 triệu dân, cách 220 km về phía tây Vũ Hán, là thành phố đứng thứ sáu ở tỉnh Hồ Bắc về thiệt hại do dịch bệnh. Kinh Châu có 1.580 ca nhiễm, 52 ca tử vong - một nửa trong số đó được hỏa táng tại cơ sở của ông Sheng.
Gần đây, sự lây lan trong cộng đồng đã giảm mạnh. Vũ Hán chỉ ghi nhận một trường hợp nhiễm mới trong 10 ngày qua. Mỹ hiện có nhiều ca nhiễm hơn Trung Quốc, trong khi Italy và Tây Ban Nha có số người chết cao hơn Trung Quốc.
Dịch bệnh giảm mạnh khiến Bắc Kinh tự tin hơn, bắt đầu nới lỏng các lệnh phong tỏa hà khắc. Hồ Bắc bắt đầu cho phép cư dân rời khỏi tỉnh ngày 24/3, dù người bên ngoài chưa được phép vào bên trong.
Ông Sheng vẫn chưa nhận được thông báo chính thức khi nào mọi thứ tại đài hóa thân của mình ở Kinh Châu có thể trở lại bình thường. Có thể vào cuối tháng 4, ông nói.
Còn bây giờ, lệnh cách ly vẫn còn, và các bình đựng tro cốt vẫn vô chủ.