Năm lớp 4 khi con gái lớn của tôi 9 tuổi, tôi cho phép con đem sách lên trường để đọc vào buổi nghỉ trưa, đó là cuốn Không gia đình (Hector Malot). Một bữa, bé về và kể là cho bạn mượn sách về nhà đọc tiếp vì buổi trưa bạn đọc được vài chương đầu thấy thích quá. Nó còn nói thêm, bạn trùm chăn khóc thút thít cả buổi trưa, khi đọc đoạn bé Rémi chia tay má Barberin lên đường theo cụ Vitalis rong ruổi.
Nghe con kể mà tôi thấy thương quá, và cũng thầm hỏi ba mẹ đã ở đâu trong giai đoạn trẻ cần đọc như thế? Chỉ với vài cuốn sách, trẻ em đã có được những bài học nhân văn sâu sắc, ví dụ cụ thể ở Không gia đình, đó là lòng thương người, lòng yêu thương loài vật, sự dũng cảm theo đuổi mục tiêu lớn trong cuộc đời… Những bài học mà cụ Vitalis dạy cho bé Rémi cũng chính là những bài học mà con trẻ có thể tự học một cách nhẹ nhàng dễ hiểu qua cuốn sách này mà chưa cần đến sự dạy dỗ của nhà trường và cha mẹ.
Để trẻ yêu sách, điều tiên quyết là cha mẹ phải đọc sách. Ảnh: Cổ Tháp |
Sau khi nghe câu chuyện này, tôi đã mua vài cuốn Không gia đình để sẵn trong nhà, hễ bé nào tới chơi mà thích là tôi tặng luôn.
TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh trong bài viết Truyện cổ tích 'ác' - cần hay không cần cho trẻ? đã đưa ra một số giải pháp về việc đọc và lứa tuổi tương ứng với nhóm sách mà cha mẹ có thể lựa chọn cho con mình. Tuỳ thuộc từng độ tuổi, phụ huynh cần cân nhắc sách có nội dung nhẹ nhàng để kể cho bé.
Trẻ từ 0 đến 3 tuổi có thể chọn những vần thơ êm dịu, những câu chuyện cổ tích về vật nuôi đáng yêu… kết hợp với giọng đọc ngân nga như tiếng ru, tiếng đưa nôi đưa võng... Từ 3 tuổi trở lên, cha mẹ có thể chọn một số câu chuyện cổ tích phức tạp, tình tiết lắt léo hơn phù hợp với tư duy bắt đầu phát triển của con.
Khi bé vào lớp 1, giai đoạn 6 -7 tuổi, những bài học trong truyện cổ tích thực sự sẽ có ý nghĩa với các con, và phụ huynh có thể cho con tiếp xúc nhiều hơn với những cốt truyện có nhiều chi tiết đáng sợ, như “sói ăn thịt bà” trong Cô gái quàng khăn đỏ, hay "Tấm giết Cám" trong Tấm Cám mà không lo rằng sẽ làm cho trẻ bị ảnh hưởng xấu đến cách suy nghĩ. Bởi đến giai đoạn này, trẻ đã có tư duy để không còn nhầm lẫn giữa thế giới hiện thực và thế giới trong truyện cổ tích.
Góc sách của gia đình. Ảnh: Cổ Tháp |
Thực hành tốt việc đọc sách trong gia đình từ khi các con còn bé chính là phương pháp giáo dục thầm lặng, tự nhiên và dễ tiếp nhận nhất. Đặc biệt, sách có sự gắn kết thế hệ hiệu quả hơn hẳn các hình thức giải trí khác.
Hãy tưởng tượng đứa trẻ sẽ vui sướng đến chừng nào khi nó đọc cuốn sách yêu thích và bỗng dưng người cha ngồi bên cạnh có thể cho vài ý kiến cá nhân về nhân vật mà con đang đọc. Nếu điều này tiếp tục được duy trì giữa cha mẹ và con cái, tôi tin rằng cái gọi là "generation gap" (hố ngăn cách thế hệ) sẽ được thu hẹp đáng kể. Và chuỗi kỷ niệm sẽ phong phú hơn nhiều, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ để khi lớn lên, nhớ về thời ấu thơ sẽ không chỉ có những trận đòn roi, những lần trốn học mải chơi bị la mắng, mà còn là những giây phút cha mẹ và con cái dịu dàng ngồi bên nhau đọc sách, cùng chia sẻ và tranh luận về nhân vật trong tác phẩm nào đó.
Trận cười sảng khoái khi đọc Những người thích đùa của Axit Nezin, nỗi đau đớn khi đọc Nhật ký Anne Frank, sự phóng khoáng và dũng cảm từ cụ Vitali và bé Rêmi, lòng bao dung yêu thương loài vật trong Không gia đình… Tất cả những yêu, ghét, đau khổ, vui sướng đó đều rất cần thiết cho trẻ trải nghiệm và lớn lên.
Sách là phần thưởng cho con khi đạt thành tích cao. Ảnh: Cổ Tháp |
Nói thì dễ nhưng để trẻ yêu sách, điều tiên quyết là cha mẹ phải đọc sách. Không lý gì cha mẹ cầm điện thoại trên tay mãi mà cứ bảo con cái phải đọc sách này nọ được. Tôi may mắn có một người mẹ đọc sách và cả mấy chị em trong nhà không ít thì nhiều đều giữ được ngọn lửa đam mê ấy.
Nay tuy đã có gia đình riêng, có hai con nhỏ với nhiều bận rộn, tôi vẫn cố gắng duy trì việc đọc mỗi tối, các con đều quen với hình ảnh giá sách chất đầy và đôi lúc bừa bộn, quen với việc cuối tháng dọn dẹp phòng đọc... Ban đầu trẻ đọc chỉ bắt chước theo mẹ, sau dần dần các bé bị cốt truyện hấp dẫn thu hút, bé tự tìm sách khác để đọc, bồi đắp thêm các câu chuyện ly kỳ hấp dẫn vào ký ức một cách tự nhiên.
Mỗi dịp sinh nhật hay Tết đến xuân về, bên cạnh phong bì lì xì, tôi còn tặng thêm các con một bộ sách lớn, và ngay cả sinh nhật của mình, tôi cũng nói với các con là mẹ thích được tặng sách. Thật may mắn là bạn bè và các anh em trong nhà cũng thường lấy sách làm quà tặng mỗi khi con trẻ đạt được thành tích tốt trong học tập. Thế là tủ sách trong nhà càng ngày càng đầy lên. Tôi làm thêm vài tủ sách nhỏ, phân loại sách vào từng phòng cho hai đứa, vậy là mỗi bạn đều có giá sách riêng. Các con có thể đem sách cho bạn bè mượn hoặc tặng ai tuỳ ý.
Những hành động nhỏ như vậy, cũng không tốn kém là bao, nhưng nó góp phần duy trì văn hoá đọc ngay trong gia đình, tạo sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Không gì bằng một thư viện với vài ngàn đầu sách trong nhà, là “nơi chứa đựng lời thì thầm dài của hàng bao thế kỷ, một cuộc đối thoại thầm kín giữa tờ giấy này với tờ giấy khác, một vật thể sống, nơi tích tụ những sức mạnh mà không đầu óc con người nào có thể chế ngự nổi, một kho tàng đầy những điều bí mật xuất phát từ bao bộ óc và tiếp tục tồn tại sau khi những kẻ tạo ra hay truyền đạt chúng đã quá vãng" - (Umberto Eco).