Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Không khuyến khích nuôi chó to, chó dữ trong khu dân cư'

Chuyên gia cho biết việc nuôi chó dữ, chó to trong khu dân cư ở Hà Nội không được khuyến khích. Người dân nuôi chó buộc phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người xung quanh.

cho du tan cong nguoi anh 1

"Mỗi lần đi làm về thấy đàn chó mà nhà hàng xóm thả ra đường, mình bối rối không biết nên tiếp tục đi qua để về nhà, hay là quay xe", Thanh Thủy (24 tuổi, sống tại Hà Nội) kể nỗi ám ảnh về những chú chó của nhà bên cạnh.

Chuyển sang chỗ trọ mới được gần một năm, ngày nào Thủy cũng chứng kiến đàn chó 6 con được nhà hàng xóm thả rông, không con nào có rọ mõm. Mỗi lần đi qua, chúng sủa nhặng lên khiến Thủy hoảng hốt.

Do hồi nhỏ từng bị chó cắn nên cô gái 24 tuổi rất sợ loại động vật này.

Nhiều người cũng có nỗi ám ảnh như Thủy, nhất là khi những năm gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến người phải nhập viện, thậm chí tử vong vì bị chó dữ tấn công xuất hiện ngày càng nhiều.

Ngày 16/3 vừa qua, Hà Nội cũng đã ghi nhận trường hợp cụ bà 87 tuổi ở Hà Nội phải cấp cứu sau khi bị chó bully nặng 30 kg tấn công.

Dở khóc dở cười chuyện sợ chó

Có lần, Thủy đi bộ ngang qua nhà hàng xóm và bị một con chó trong đàn cắn vào chân. Vết cắn không quá đau, cũng không chảy máu nhưng khiến Thủy cảm thấy lo ngại về sự an toàn của mình khi sống cạnh một gia đình nuôi quá nhiều chó.

Kể chuyện với những người sống cùng khu trọ, Thủy nhận ra mình không phải người duy nhất chịu đựng việc này. Nhiều người cũng từng bị con chó này cắn vào chân và cảm thấy hoảng sợ khi đàn chó được thả ra đường vào mỗi sáng sớm hoặc chiều tối.

Sau khi trao đổi với nhau, những người trong khu trọ của Thủy quyết định thông báo với chủ nhà về việc này, để sang góp ý với hàng xóm. Nhưng kết quả chỉ nhận được cái lắc đầu. "Nói bao nhiêu năm nay rồi nhưng họ không thay đổi", chủ nhà trọ ngán ngẩm.

cho du tan cong nguoi anh 2

Bệnh nhân 87 tuổi bị chó bully cắn phải nhập viện trong tình trạng dập nát cẳng tay trái, vết thương hàm mặt phức tạp. Ảnh: BVCC.

Cùng hoàn cảnh, Hoàng Dương (25 tuổi, sống tại Hà Nội) cũng trải qua những ngày đi làm và về nhà trong nơm nớp lo sợ. Sống trong một con ngõ nhỏ, ngày nào Dương cũng nín thở để đi qua đầu ngõ. Ở đây có một tiệm cơm bụi và một kho phế liệu, nơi có 2 con chó to canh giữ.

Dù đã tự nhủ cứ đi qua bình thường mỗi lần thấy 2 con chó đứng canh đầu ngõ, Dương vẫn có những phen hú hồn.

Một lần, Dương đi qua đúng lúc hai con chó đang đuổi nhau. Một con bất ngờ "đổi mục tiêu", chạy bằng được theo chiếc xe máy cậu đang đi. Dương phải vọt ga, tăng tốc tối đa, chạy thẳng ra đường lớn để con chó không đuổi kịp.

Lần khác, đang đi bộ ngang qua tiệm cơm bụi, Dương bất ngờ khi thấy con chó xồ ra, chực vồ lấy mình. May thay, chủ tiệm xuất hiện đúng lúc, quát lên một tiếng khiến con chó sợ và dừng lại. "Nó không cắn đâu", câu nói quen thuộc của chủ tiệm cơm không khiến Dương thôi cảm giác sợ hãi mỗi khi đi qua đó.

Dương và Thủy chỉ là hai trong số rất nhiều người có nỗi ám ảnh khi sống trong một khu vực có nuôi chó được thả rông, nhất là những nơi có chó to, chó dữ. Tại Hà Nội, nhiều khu dân cư vẫn còn tồn tại tình trạng này khi người dân nuôi chó nhưng không có ý thức bảo vệ an toàn cho những người xung quanh.

Chó to, chó dữ gây nguy hiểm kể cả khi đeo rọ mõm

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, nhận định nhiều người dân ở thành phố vẫn thích nuôi chó để canh giữ nhà. Loài chó cũng có đặc tính trung thành với con người nên được nhiều gia đình lựa chọn làm thú cưng, vật nuôi.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người ở Hà Nội có xu hướng nuôi chó dữ, chó to theo sở thích hoặc để kinh doanh. Ngoài ra, xu hướng nuôi chó cảnh như phốc, poodle cũng tăng cao, nhất là ở những khu chung cư.

"Việc nuôi chó trong khu dân cư không được khuyến khích nhưng cũng không thể cấm. Tại các quận, người dân vẫn được tuyên truyền về việc không nên nuôi chó to, chó dữ ở nhà", ông Sơn cho biết.

cho du tan cong nguoi anh 3

Chuyên gia cho rằng với những loài chó to, kể cả khi được đeo rọ mõm, chúng vẫn gây nguy hiểm vì có thể kéo lê, quật ngã con người. Ảnh minh họa: Freepik.

Về trường hợp chó to, chó dữ tấn công người, ông Sơn lý giải nhiều tình huống xảy ra xuất phát từ đặc tính canh giữ nhà cho chủ. Khi thấy người lạ, chúng sẽ sủa và có thể tấn công. Trường hợp cụ bà ở Ba Đình bị chó nhà hàng xóm tấn công là ví dụ điển hình.

Trong khi đó, có những con chó không chủ đích cắn người nhưng khi nhìn thấy con vật khác, chúng có thể "hứng chí" đuổi bắt hoặc có thể tức giận và xuất hiện những biểu hiện không kiểm soát. Sau đó, chúng có thể tấn công hoặc cắn bất kỳ người nào đang ở gần.

Để phòng tránh các tai nạn như trên, tại Hà Nội, người dân nuôi chó được khuyến cáo thực hiện việc khai báo với chính quyền địa phương và buộc phải tiêm vaccine phòng dại cho con vật. Ngoài ra, thành phố có những quy định cụ thể về việc khi đi ra nơi công cộng, chó phải được đeo rọ mõm và có người dắt để không gây nguy hiểm cho người khác.

Dù vậy, ông Sơn cho biết có một số lý do khiến nhiều người không thực hiện việc đeo rọ mõm cho chó. Nguyên nhân khách quan đến từ việc có nhiều con chó sẽ phản ứng nếu như bị đeo rọ mõm hoặc quấn xích quanh cổ, do đó người chủ dù muốn nhưng cũng không thể thực hiện được.

Nguyên nhân chủ quan là người nuôi chó không huấn luyện để con chó quen với việc đeo rọ mõm. Trên thực tế, có nhiều loài chó nếu được huấn luyện đeo rọ ngay từ nhỏ thì khi lớn lên sẽ dễ thuần hóa hơn.

"Giai đoạn 2018-2019, nhiều quận ở Hà Nội từng triển khai mô hình các đội săn bắt chó thả rông và thu về kết quả tích cực. Người dân đã có ý thức hơn trong việc cho chó đeo rọ mõm và tiêm phòng bệnh dại, tỷ lệ tiêm phòng cho vật nuôi rất cao nhưng vẫn có một số người chưa thực hiện", ông Sơn nhận định.

Theo đó, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, đồng thời bảo vệ vật nuôi của mình bằng các bước: khai báo về vật nuôi với chính quyền địa phương, tiêm vaccine phòng dại, con vật phải được đeo rọ mõm và có người dắt ở nơi công cộng.

Thời gian tới, đơn vị chức năng ở Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân các biện pháp bảo vệ khi nuôi thú cưng. Đặc biệt, người dân cần quan tâm đến an toàn của những người xung quanh để hạn chế nuôi chó to, chó dữ trong nhà, nhất là với gia đình có trẻ em, người già.

"Khi nuôi một con vật, thú cưng, nhiều trường hợp có thể bất ngờ xảy ra, không thể lường trước được. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến cáo với những loại chó to, chó dữ, người dân có thể lập những trang trại để trông nuôi, không khuyến khích nuôi ở các khu dân cư. Những loài chó này kể cả khi được đeo rọ mõm vẫn có thể tấn công và gây nguy hiểm cho người khác", ông Sơn cho biết.

Để chó cắn người, chủ bị xử lý như thế nào?

Ngoài chi phí hợp lý cho việc cứu chữa và bồi dưỡng sức khỏe, 2 bên có thể thỏa thuận không được quá 50 lần mức lương cơ sở, tức 74,5 triệu đồng.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm