Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không được xét nghiệm rRT-PCR, F0 tại TP.HCM gặp khó khi xin trợ cấp

Một số người lao động ở TP.HCM là F0 tự theo dõi tại nhà sau khi khỏi bệnh chưa thể nhận được tiền hỗ trợ do quy định phải có kết quả xét nghiệm rRT-PCR dương tính.

Theo Quyết định 3022/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những người lao động là F0 không vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ mức tiền tối đa là 3.000.000 đồng/người.

Mức chi phí này được đưa ra nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua. Theo ghi nhận của phóng viên, việc thực hiện quyết định này đã được các doanh nghiệp tổ chức và thông báo đầy đủ tới người lao động.

Tuy nhiên, một số trường hợp là F0 tự theo dõi và điều trị Covid-19 tại nhà thời gian qua phản ánh gặp nhiều khó khăn trong quá trình nộp hồ sơ xin hỗ trợ do không có kết quả xét nghiệm rRT-PCR.

May mắn nếu doanh nghiệp linh động

Chia sẻ với Zing, anh Nguyễn Hữu Phát, 40 tuổi, trú tại quận 7, TP.HCM, kể lại: “Ngày 7/9, tôi được nhân viên y tế của phường lấy mẫu test nhanh Covid-19 và nhận kết quả dương tính. Ngay sau đó, họ tiếp tục test nhanh cho toàn bộ người trong gia đình và chung cư của tôi trước khi khóa thang máy, yêu cầu tôi cách ly tại nhà”.

f0 khong nhan duoc tien ho tro vi xet nghiem anh 1

Công nhân tại Công ty PouYuen (TP.HCM) được xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp test nhanh hồi tháng 6. Ảnh: Duy Hiệu.

Trước đó, bộ phận công đoàn của công ty anh Phát làm việc đã thông báo về việc F0 sẽ được hỗ trợ một số tiền theo quy định. Bởi vậy, sau khi nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2, anh Phát đã gọi cho nhân viên hành chính của khối để nhận hỗ trợ.

Khó khăn bắt đầu nảy sinh khi anh Phát được yêu cầu cung cấp phiếu xét nghiệm rRT-PCR.

“Trong tình hình dịch Covid-19 của thành phố khi đó, tôi không được xét nghiệm rRT-PCR. Thậm chí xin đi lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp này cũng không đơn vị nào thực hiện”, anh Phát nói.

Nhân viên hành chính của công ty này sau đó đã làm việc với bộ phận công đoàn một thời gian. May mắn, công ty đồng ý cho anh Phát không cần phiếu xét nghiệm rRT-PCR. Tuy nhiên, anh Phát lại tiếp tục nhận được yêu cầu cung cấp giấy xác nhận điều trị Covid-19.

Người đàn ông này sau khi khỏi bệnh đã tới UBND và Trạm Y tế phường để xin giấy điều trị theo yêu cầu của công ty. Tại đây, anh Phát được thông báo rằng F0 cách ly tại nhà không thể có giấy này.

“Vài ngày sau khi báo lại với bộ phận công đoàn, họ cũng chấp nhận hồ sơ của tôi. May mắn là công ty của tôi linh động. Tuy nhiên, tôi quen khá nhiều bạn bè ở công ty khác cũng gặp vướng mắc về vấn đề tương tự và không được giải quyết”, anh Phát cho hay.

Bế tắc do sự cứng nhắc

Không may mắn như anh Phát, chị Nguyễn Thị Thảo Sương, 29 tuổi, ngụ phường Tân Kiểng, quận 7, TP.HCM, vẫn chưa tìm được cách giải quyết vấn đề về hồ sơ xin hỗ trợ.

Chị Sương cho hay: “Tôi được xác định dương tính với SARS-CoV-2 sau khi có kết quả test nhanh ngày 11/9. Do chỉ có các triệu chứng nhẹ, tôi được cho phép tự theo dõi và cách ly tại nhà đến ngày 2/10 thì khỏi bệnh”.

f0 khong nhan duoc tien ho tro vi xet nghiem anh 2

Nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh Covid-19 cho người dân tại TP Thủ Đức (TP.HCM) hồi cuối tháng 9. Ảnh: Duy Hiệu.

Tương tự anh Phát, bộ phận công đoàn của khu công nghiệp, nơi công ty chị Sương làm việc đang hoạt động, yêu cầu người này phải có giấy xét nghiệm rRT-PCR hoặc giấy ra viện mới có thể cung cấp chi phí hỗ trợ F0.

Cụ thể, công văn của khu công nghiệp này nêu rõ hồ sơ xét hỗ trợ đối với trường hợp F0 gồm:

- Tờ trình của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở

- Biên bản họp của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở

- Danh sách các trường hợp F0 đề nghị hỗ trợ kèm theo số điện thoại của từng cá nhân

- Bản photocopy kết quả xét nghiệm rRT-PCR dương tính hoặc văn bản, giấy ra viện do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với các trường hợp F0

- Bản photocopy Giấy chứng tử nguyên nhân do nhiễm SARS-CoV-2 (nếu trường hợp tử vong)

Chị Sương sau đó đã gửi giấy xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà/nơi cư trú có dấu của trạm y tế phường. Tuy nhiên, giấy này hiện vẫn không được bộ phận công đoàn chấp nhận.

“Tôi có tiếp tục gửi thêm mẫu giấy được cung cấp trong nhóm F0 điều trị tại nhà nhưng vẫn không được sự đồng ý từ công đoàn. Theo câu trả lời từ phía nhân sự, tôi phải có giấy ra viện hoặc kết quả rRT-PCR tương tự F0 diễn biến nặng từng nhập viện. Nếu vậy thì thực sự là quá khó”, chị Sương tâm sự.

Người dân từ TP.HCM về quê cần làm gì để tránh lây nhiễm nCoV? Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng, những người từ vùng dịch về quê cần tuân thủ quy định của địa phương, nghiêm túc khai báo y tế.

Bộ Y tế: Chuẩn bị tiêm chủng cho các trường hợp khác

Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine cho người từ 18 trở lên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng việc triển khai tiêm đối với những trường hợp khác.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm