Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không dễ vào chuỗi LG, Samsung...

Samsung tại Việt Nam vừa gửi 170 linh kiện lên Bộ Công thương đề nghị tìm doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng, nhưng đến nay vẫn chưa doanh nghiệp nào đăng ký làm được.

Intel, Samsung, LG, Canon... đã vào Việt Nam. Thế nhưng nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa tham gia được bao nhiêu vào chuỗi sản xuất của các “ông lớn”. Mới đây Samsung tại Việt Nam đã gửi 170 linh kiện lên Bộ Công thương đề nghị tìm doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng, nhưng đến nay vẫn chưa doanh nghiệp nào đăng ký làm được.

Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại công ty 4P.

Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại công ty 4P.

Câu chuyện của một doanh nghiệp Việt có sản phẩm cung cấp cho các “ông lớn” như Samsung, Canon, LG... cho thấy để vào được chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu không đơn giản chút nào, nếu chỉ để tự doanh nghiệp xoay xở. Dù có cả chính sách ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), thế nhưng các doanh nghiệp ngành này của Việt Nam đều khẳng định... khó được hưởng.

Chuyện của công ty 4P

Đặt trụ sở tại km19, quốc lộ 5 (đoạn qua Hưng Yên), bước vào công ty TNHH 4P, ít ai nghĩ đó là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, do người Việt tạo dựng và điều hành.

Theo ông Hoàng Minh Trí - tổng giám đốc công ty TNHH 4P, để có được ngày hôm nay, tất cả đội ngũ của 4P đã phải trải qua nhiều thử thách của thị trường, từ quyết định về công nghệ để tiến hành đầu tư, đào tạo đội ngũ quản lý và vận hành, đến xây dựng hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn... nhằm vượt qua những đợt kiểm tra của đối tác trước khi trở thành nhà cung ứng linh kiện cho các tập đoàn thế giới hiện nay như: Samsung, LG, Canon, Wintek, RFT...

Chuyện của 4P bắt đầu từ năm 2001, khi đó rất nhiều doanh nghiệp khác đầu tư làm sản phẩm toàn bộ như tivi, radio, máy tính... những người sáng lập 4P lại theo hướng hoàn toàn khác.

“Chúng tôi nhận thấy công nghệ ngày càng hiện đại, xu hướng chuyên môn hóa sẽ ngày càng cao, vì vậy thay vì làm sản phẩm hoàn chỉnh, chúng tôi căn cứ vào năng lực của mình quyết định bắt đầu từ những linh kiện nhỏ nhưng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế” - ông Hoàng Minh Trí bộc bạch.

Dẫn khách đi khắp các dây chuyền với nhiều loại máy móc bé nhỏ nhưng giá lên đến nhiều tỷ đồng/chiếc, ông Trí chỉ từng chi tiết máy, từng thông tin về công năng, yêu cầu vận hành, tính năng và tác dụng bởi để tạo dựng được dây chuyền này, phải rà soát từng công đoạn, từng chi tiết nhỏ nhất.

“Việt Nam gọi sản xuất linh kiện phụ tùng là công nghiệp phụ trợ hay hỗ trợ nhưng thật ra không phải vậy, bởi đây là ngành công nghiệp then chốt để tạo dựng nền công nghệ, nền sản xuất của các quốc gia” - ông Trí giải thích.

Chỉ khi doanh nghiệp trong nước làm chủ về công nghệ để sản xuất được những linh kiện nhỏ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế thì quốc gia đó mới có thể hi vọng tiến tới làm toàn bộ sản phẩm. Và để làm được một chi tiết nhỏ là cả một vấn đề và không ít gian nan, trắc trở...

Theo ông Trí, đơn cử những chi tiết như bản mạch điện tử nhỏ cho điện thoại Samsung, doanh nghiệp phải đáp ứng công nghệ tương tự Samsung. Ngay cả khi đã đầu tư lớn nhưng để được đánh giá là “đáp ứng được”, đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua các đánh giá khắt khe từ công ty đặt hàng như hệ thống công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống ra quyết định, tiêu chuẩn về môi trường sản xuất... nhằm sản phẩm làm ra đảm bảo tính ổn định về chất lượng... Thông thường mức độ lỗi cho phép chỉ khoảng vài ba chục trên một triệu đơn vị sản phẩm.

Bên cạnh chất lượng thì giá thành cạnh tranh cũng là một yếu tố quan trọng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đầu tư để đạt được về trình độ quản trị, môi trường làm việc, lương công nhân, đặc biệt là giá cả, thời gian giao hàng phải cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài khác đang cùng sản xuất sản phẩm đó...

“Nhà sản xuất lớn rất lo ngại sản xuất của họ bị ngưng trệ do những yếu tố rủi ro mua hàng từ nhà cung cấp” - ông Trí tâm sự. Đến nay, ông ty 4P không những vào được chuỗi cung ứng của Canon, LG... mà còn được hãng LG mời tham gia sản xuất bản mạch điện tử tại khu tổ hợp công nghệ mới của tập đoàn này ở Tràng Duệ, Hải Phòng.

“Điều quan trọng là tại tổ hợp mới ở Hải Phòng, thay vì là nhà cung ứng phụ, chúng tôi thành đối tác chính. Nghĩa là phải đáp ứng tiêu chuẩn rất khắt khe, bởi vì với một lý do nào đó sản xuất của 4P không trôi chảy thì sản xuất của LG cũng bị ảnh hưởng, thậm chí ngừng trệ” - ông Trí nói.

Nhường sân chơi cho “ngoại”

Theo thông tin từ Bộ Công thương, công ty TNHH 4P là một trong số rất ít doanh nghiệp Việt Nam đã “viết thành công câu chuyện làm CNHT”, còn lại phần lớn doanh nghiệp trong nước khác đều bỏ cuộc hoặc trầy trật khi tham gia chuỗi phát triển này.

Ông Nguyễn Dương Hiệu, tổng giám đốc công ty CP công nghiệp và thương mại Lidovit, một doanh nghiệp chuyên cung cấp linh phụ kiện ngành cơ khí tại TP.HCM, cho rằng phần lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường có thói quen chọn nhà cung cấp nguyên phụ liệu của nước mình, hoặc nằm trong chuỗi làm ăn toàn cầu của mình từ trước.

“Chẳng hạn doanh nghiệp Hàn Quốc có xu hướng chọn nhà cung cấp linh phụ kiện là các doanh nghiệp đồng hương đang đóng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nội thường chỉ có cửa làm thầu phụ, cung cấp lại cho đơn vị trung gian đó”, ông Hiệu nói.

Bên cạnh đó, ông Hiệu cho rằng do nền CNHT của Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn khởi đầu, doanh nghiệp không thể nào tự làm tất cả được mà cần phải có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước. Chẳng hạn, giúp kết nối nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

“Doanh nghiệp nội đương nhiên phải tự bươn chải, tự tìm đến khách hàng. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cũng có thể gặp gỡ các doanh nghiệp FDI, đưa ra danh mục những sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung cấp để họ lựa chọn, thay vì để doanh nghiệp FDI tự đi tìm, vì khi đi tìm đầu tiên họ sẽ hướng về các đối tác thân quen, đồng hương”, ông Hiệu đề xuất.

Tuy nhiên, ông Hiệu cũng thừa nhận khả năng kết nối của doanh nghiệp Việt Nam còn quá yếu, đặc biệt công nghệ và điều kiện để đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng nên khi doanh nghiệp ngoại đưa đơn hàng, phía nội không thể đáp ứng được hết.

“Có trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng 10 sản phẩm, doanh nghiệp chúng tôi chỉ đáp ứng được 3”, ông Hiệu cho biết thêm.

Theo tờ trình của Bộ Công thương gửi Thủ tướng về CNHT, năm 2013 Việt Nam có khoảng 58.013 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhưng chỉ khoảng 1.300 doanh nghiệp làm trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng. Trong đó, tỉ lệ sử dụng linh kiện điện tử chuyên dụng nội địa của các nhà lắp ráp ở Việt Nam chỉ 5%.

Bộ này cũng thừa nhận: sản phẩm CNHT chủ yếu do doanh nghiệp FDI sản xuất. Các sản phẩm doanh nghiệp nội địa sản xuất có chất lượng thấp, giá thành cao nên chỉ tiêu thụ được trong nội bộ các doanh nghiệp nội địa.

Mới đây, theo một quan chức Bộ Công thương, Tập đoàn Samsung tại Việt Nam đã gửi 170 linh kiện đề nghị tìm doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng, thế nhưng đến nay vẫn chưa doanh nghiệp nào đăng ký làm được.

Ông JUNGSOON LEE (giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Hàn Quốc, Kotra):

Nên có quỹ cho công nghiệp hỗ trợ

Ông JUNGSOON LEE (giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Hàn Quốc, Kotra).
Ông JUNGSOON LEE (giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Hàn Quốc, Kotra).

Trước đây khi Hàn Quốc phát triển CNHT chưa có các tập đoàn lớn đóng đô, trong khi Việt Nam bây giờ đã thuận lợi hơn khi có những tập đoàn toàn cầu đặt nhà máy. Để phát triển CNHT, doanh nghiệp nhỏ cần có sự hỗ trợ của chính phủ. Và chính phủ Hàn Quốc khi ấy đã hỗ trợ về công nghệ, vốn vay và cả về công tác nghiên cứu phát triển (R&D).

Tất nhiên, doanh nghiệp nào xin được hỗ trợ phải thuyết trình được mục tiêu, kế hoạch của mình và nêu rõ làm ra cái gì rồi bán cho ai. Khi biết khách hàng của các công ty CNHT là ai, chính phủ sẽ tiếp xúc với các khách hàng ấy.

Chẳng hạn Samsung, để nói chuyện về việc liệu họ có mua linh kiện của các công ty đó không và giá nào thì họ sẽ chấp nhận. Cả chính phủ, doanh nghiệp ngành CNHT và doanh nghiệp lớn dùng sản phẩm đó đã ngồi lại với nhau ngay từ đầu, cùng đặt ra các hạng mục nào cần ưu tiên làm trước.

Thường thì những doanh nghiệp lớn như Samsung sẽ đưa ra danh sách thiết bị họ mong được cung cấp, nhất là các sản phẩm đang cần gấp. Chính phủ Hàn Quốc khi đó đã lập một viện R&D để giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực khó khăn này.

Tôi từng làm việc ở Israel và biết nước này đã lập quỹ cho CNHT từ lúc đầu. Trong đó, chính phủ cấp 30% vốn, ngân hàng đầu tư góp 30% vốn, các khách hàng tiềm năng góp phần còn lại. Quỹ này sẽ lựa chọn để tài trợ vốn cho các doanh nghiệp có tiềm năng trong ngành CNHT.

Doanh nghiệp chưa nhận được ưu đãi

Năm 2011, mặc dù Thủ tướng đã ban hành quyết định về ưu đãi cho CNHT, thế nhưng trên thực tế rất ít doanh nghiệp được hưởng.

Cụ thể ở công ty 4P cung cấp mỗi tháng hơn 3 triệu sản phẩm như bản mạch tivi LCD, tivi 3D; bản mạch cho máy in, camera... cho các hãng nổi tiếng như Samsung, LG, Canon... Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Trí, đến nay cơ bản 4P vẫn chưa được hỗ trợ, ưu đãi gì từ chính sách khuyến khích CNHT.

Quy định đã có nhưng lại khó được hưởng. Ông Trí lấy ví dụ khi sản xuất các chi tiết nhựa cho bản mạch điện thoại di động, công ty 4P phải nhập một số vật tư, linh kiện... và theo quy định thì thuế nhập khẩu bằng 0% đối với nhóm mặt hàng thuộc CNHT. Tuy nhiên, khi hải quan kiểm tra lại khẳng định chi tiết nhập về cũng chỉ là... nhựa - mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nên không thể giảm thuế.

“Bộ Tài chính có văn bản đồng ý cho miễn thuế, nhưng hải quan vẫn căn cứ đây là mặt hàng trong nước đã sản xuất được và không cho” - ông Trí buồn bã.

Ông Bùi Thành Nam, tổng giám đốc Công ty Nhựa Hà Nội, đơn vị đã vào được chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn như Honda, Piaggio, Toyota, LG, Hitachi... cũng cho biết tình trạng tương tự: chưa nhận được ưu đãi, khuyến khích gì dù đã bắt đầu làm CNHT từ năm 1996. “Nhà nước có quan tâm chính sách cho CNHT nhưng thực tế doanh nghiệp chưa nhận được” - ông Nam nói.

Vì sao Samsung khư khư ôm núi tiền mặt?

Samsung đang được biết đến là một trong những công ty nắm giữ lượng tiền mặt khổng lồ lên tới 60 tỷ USD, được cho là để chuẩn bị cho chiến lược đáp trả đối thủ.

http://tuoitre.vn/Kinh-te/625184/khong-de-vao-chuoi-lg-samsung.html

Theo Cầm Văn Kình - Hồng Quý/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm