Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, quản lý, bảo vệ rừng và quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.
Theo đó, thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn toàn quốc.
Tình hình vi phạm diễn ra đặc biệt tại các huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) - nơi sự kiện sắp trở thành đặc khu. Tình hình diễn ra phức tạp, chuyển nhượng nhiều lần, đẩy giá lên cao, san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp, nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, gây bức xúc trong dư luận.
Sốt đất liên tiếp xảy ra tại các tỉnh dự kiến có đặc khu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Cần thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật, trước mắt, mở đợt cao điểm từ nay đến ngày 31/7 rồi báo cáo kết quả lên Thủ tướng.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra ở các địa phương trọng điểm, điểm nóng về hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.
Về vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, Phó thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang có biện pháp chấn chỉnh ngay công tác quản lý đất đai, rừng và xây dựng.
Phó thủ tướng yêu cầu bảo đảm việc sử dụng đất nông nghiệp, rừng đúng mục đích, đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; ngăn chặn tình trạng mua bán đất đai và xây dựng trái phép đang diễn ra tại các huyện Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Phú Quốc (Kiên Giang) được coi là nơi đang xảy ra sốt đất trên diện rộng nhất. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chính quyền 3 tỉnh trên cần bảo đảm trật tự xã hội, không để tình trạng “cò đất”, “xã hội đen” mua bán đất lộng hành, đẩy giá lên cao trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng nếu để tiếp diễn tình trạng trên.
Về vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng, Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung điều tra, xử lý nghiêm các vụ án hình sự về quản lý, bảo vệ rừng.
Bộ Quốc phòng tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tại các địa bàn được giao quản lý và khu vực hành lang biên giới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra phản ánh của báo chí về thực trạng công tác quản lý đất rừng tại các tỉnh Tây Nguyên.
Phú Quốc tạm dừng chuyển đổi đất phân lô tách thửa
Trong một diễn biến khác, UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cũng vừa có công văn chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500 m2 trên địa bàn huyện.
Trước tình trạng phân lô, tách thửa tại Phú Quốc diễn ra phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã tiến hành họp bàn. Nhiều công ty, doanh nghiệp, cá nhân tự quảng cáo các khu phân lô, tách thửa là các dự án dân cư, nhiều người dân mua và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tiến hành xây dựng, dẫn đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quản lý xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt tại các khu phân lô, tách thửa các lối đi đều không được quy hoạch là đất giao thông nhưng các công ty tự ý làm đường đi sẽ dẫn đến tranh chấp giữa các cá nhân xây dựng trên các thửa đất nói trên.
Cùng với đó là cơ sở hạ tầng không tuân theo quy định của nhà nước như tự ý kéo điện lưới, cấp nước, cây xanh, cấp thoát nước... không đảm bảo theo quy định, dẫn đến ảnh hưởng quy hoạch cũng như môi trường sau này.