Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không đắt như Paris, Tokyo, giá đất các phố khác ở Hà Nội ra sao?

Giá đất tại Hà Nội vẫn được so sánh với nhiều địa điểm đắt đỏ khác trên thế giới. Tuy nhiên thực tế chỉ một vài địa điểm tại Hà Nội sở hữu giá đất "trên trời".

Các tuyến phố có giá đất đắt bậc nhất tại Hà Nội với mức giao dịch thực tế từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/m2 chủ yếu ở khu vực quận Hoàn Kiếm. Song theo lời nhiều công ty môi giới, giao dịch thành công tại khu vực này không nhiều. 

Ngoài các phố có giá đất đắt ngang Tokyo, Paris kể trên, một số tuyến phố "vàng" tại nhiều quận cũng có giá đất khá cao so với niêm yết trên văn bản. 

Quận Cầu Giấy

Giá đất cao nhất tại phố Cầu Giấy theo quy định là 48 triệu đồng/m2, tiếp đó là Lê Văn Lương với mức 46 triệu đồng/m2. Nhưng thực tế, theo tìm hiểu của Zing.vn, giá giao dịch tại khu vực này dao động 200-250 triệu đồng/m2.

Giám đốc một sàn môi giới nhà đất thuộc quận Cầu Giấy cho hay mức giá trên đã giảm thậm chí một nửa so với năm 2010.

Theo ông, giá đất giảm do ảnh hưởng từ các vấn đề về môi trường, giao thông từ dự án đường sắt trên cao.

Tại quận Cầu Giấy, những phố có giá giao dịch cao nhất thuộc về Tô Hiệu, Nghĩa Tân (200-300 triệu đồng/m2), Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Hoàng Quốc Việt (khoảng 300 triệu/m2).

Tuyến phố mới Trần Thái Tông (từ Xuân Thủy đến Duy Tân) có mức giá giao dịch cao nhất quận Cầu Giấy phổ biến 400 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhiều lô đất cùng tuyến chỉ được định giá 150-200 triệu đồng/m2 do phụ thuộc vị trí, chiều rộng mặt tiền, diện tích.

Một số phố khác, trong đó có Quan Hoa, có giá giao dịch trong khoảng 100-200 triệu đồng/m2.

Quận Đống Đa

Phố có giá đất niêm yết đắt nhất tại quận Đống Đa là Nguyễn Thái Học, với mức 80 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, thực tế giao dịch trên tuyến phố này ghi nhận giá đất trong khoảng 400-450 triệu đồng/m2.

Xấp xỉ mức 400 triệu đồng/m2 là giá giao dịch trên tuyến phố Xã Đàn. Do lợi thế gần trung tâm nên tuyến phố này có mức giá giao dịch nằm trong top đầu tại quận Đống Đa.

Tuy nhiên, cũng như nhiều tuyến phố trung tâm khác, Xã Đàn không có nhiều giao dịch, do người dân tại đây hầu như không có nhu cầu trao đổi đất.

Gia dat o Ha Noi bao nhieu tien/m2 anh 1
Mức giá niêm yết cao nhất tại quận Đống Đa là 80 triệu đồng/m2, song thực tế giao dịch lên đến 450 triệu đồng/m2. Đồ họa: Quang Thắng. 

Cạnh đó, tuyến phố “đắt nhất hành tinh” Ô Chợ Dừa có mức giá giao dịch dao động trong khoảng 280-360 triệu đồng/m2. Do quá trình quy hoạch chưa hoàn tất nên hai mặt phố Ô Chợ Dừa có mức giá chênh lệch nhau, mức độ chênh lệch khoảng 30-50 triệu đồng/m2.

Các tuyến phố lớn khác như Hoàng Cầu, Thái Hà, Láng Hạ Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng,… đều có mức giá cao, trong khoảng 250-350 triệu đồng/m2.

Nhìn chung, đất ở trên toàn quận Đống Đa có mức giá khá cao và tương đối đồng đều.

Theo một nghiên cứu cuối năm 2016 của Công ty Gạch Vàng- đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu định giá đất - toàn quận Đống Đa có mức giá giao dịch đất ở đứng thứ 3 toàn thành phố, với giá trung bình 139,7 triệu đồng/ m2 (đứng sau quận Hoàn Kiếm là 349,7 triệu đồng/m2 và quận Ba Đình là 170 triệu đồng/m2).

Hiện tại, mức giá trung bình này không có sự thay đổi đáng kể.

Quận Thanh Xuân

Giá giao dịch thực tế tại nhiều tuyến phố thuộc quận Thanh Xuân lên đến 350 triệu đồng/m2, so với mức niêm yết 43 triệu đồng/m2.

Trường Chinh, Nguyễn Xiển, Nguyễn Thị Định là các tuyến phố có giá đất giao dịch thuộc top cao tại quận này.

Tuy nhiên xét theo mặt bằng chung, quận Thanh Xuân không có nhiều tuyến phố có giá giao dịch đất ở cao nổi bật. Các lô đất mặt phố trên toàn quận nằm trung bình ở mức 150-200 triệu đồng/m2.

Theo ghi nhận của Zing.vn, phố Nguyễn Thị Định (phần thuộc quận Thanh Xuân) là một trong những khu vực có giá đất ở cao nhất trên toàn quận, mức giá trong khoảng 350 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí, diện tích của từng lô đất.

Nằm sát với khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, mật độ cây xanh cao, an ninh đảm bảo và trình độ dân trí cao, là những yếu tố làm cho tuyến phố này có giá đất ở cao hơn nhiều tuyến phố lớn khác.

Phố Trường Chinh, đoạn từ Ngã Tư Sở đến ngã 3 Tôn Thất Tùng, có giá đất giao dịch khoảng 200-300 triệu đồng/m2. Đây cũng là tuyến phố được UBND TP. Hà Nội định mức giá đất cao nhất trên địa bàn quận Thanh Xuân (43 triệu đồng/m2).

Tuy nhiên theo ghi nhận, tuyến phố này không có nhiều giao dịch đất ở.

Nguyễn Xiển, Hoàng Ngân, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến cũng là những tuyến phố có giá đất ở tương đối cao so với mặt bằng chung. Giá đất giao dịch tại những khu vực này chủ yếu nằm ở mức 200 triệu đồng/m2.

Gia dat o Ha Noi bao nhieu tien/m2 anh 2
Chênh lệch giữa giá đất "niêm yết" cao nhất và giá thực tế giao dịch luôn rất lớn. Đồ họa: Quang Thắng. 

Một số lô đất có vị trí thuận lợi, giá đất được đẩy lên khoảng 230 triệu đồng/m2. Mức giá này có độ chênh lệch 5-6 lần so với mức giá do Hà Nội quy định.

Mặt phố Lê Văn Lương (thuộc địa phận quận Thanh Xuân) được định giá 43 triệu đồng/m2, song thực tế tuyến phố này rất ít có giao dịch đất ở.

Quận Ba Đình

Kim Mã, Liễu Giai, Đào Tấn, Nguyễn Thái Học là những tuyến phố lớn trên địa bàn quận Ba Đình. Nhờ vị trí trung tâm mà hoạt động kinh doanh ở đây diễn ra sôi động, điều này cũng làm cho giá đất ở trên các tuyến phố nói trên nằm trong top cao nhất trên toàn quận Ba Đình.

Theo quyết đinh 96/2014/QĐ-UBND về việc ban hành khung giá đất ở cho toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2019, đất ở trên tuyến phố Nguyễn Thái Học có giá 92 triệu đồng/m2. Thực tế giao dịch, giá đất ở phố này nằm ở mức 350-450 triệu đồng/m2, đắt hơn 4-5 lần so với mức quy định.

Tương tự, phố Kim Mã đoạn từ Nguyễn Thái Học đến Liễu Giai, có giá đất giao dịch nằm trong khoảng 350 triệu/m2, trong khi theo quy định giá đất tại đây chỉ bằng 1/5.

Cũng trên tuyến phố này, đoạn từ Liễu Giai đến cuối đường nằm ở mức giá trên 300 triệu đồng/m2.

Phố Đào Tấn và Liễu Giai ghi nhận giá đất giao dịch nằm trong khoảng 300-350 triệu đồng/m2 tùy vào đặc điểm của từng lô đất.

Mức giá này cũng lớn hơn nhiều lần so với con số 60-70 triệu đồng/m2 do thành phố quy định.

Nhiều lô đất thuộc làng Ngọc Hà, khu vực Thủ Lệ, phố Linh Lang, hồ Ngọc Khánh cũng ghi nhận giá đất giao dịch xấp xỉ 300 triệu đồng/m2.

Các khu vực này không phải là nơi có hoạt động kinh doanh sầm uất, song nhờ lợi thế mật độ cây xanh, mật độ mặt nước và trình độ dân trí cao, nên một số lô được đội giá lên nhiều lần, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung khu vực.

Một số tuyến phố khác có giá trị lịch sử, văn hóa lớn như Độc Lập, Điện Biên Phủ,Hoàng Diệu, Hùng Vương, Phan Đình Phùng,… được UBND thành phố Hà Nội định giá vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2. Song do nhiều yếu tố đặc thù, những khu vực này gần như không có giao dịch đất ở.

5 'đại dự án' là bước ngoặt cho thị trường bất động sản Hà Nội Nhiều công trình giao thông, hạ tầng của thủ đô sẽ hoàn thành trong thời gian tới được kỳ vọng làm thay đổi thị trường bất động sản theo hướng tích cực hơn.

 



Thủy Tiên

Bạn có thể quan tâm