Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không đặt mua, hàng vẫn được giao tận nhà khách hàng

Nhiều người đã trở thành khách hàng “bất đắc dĩ” của các kênh mua sắm online khi không đặt bất cứ sản phẩm nào nhưng bưu kiện vẫn được giao về tận nhà.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (thuộc Bộ Công Thương) lên tiếng cảnh báo về việc một số vụ lừa đảo gần đây liên quan hình thức đặt hàng, mua sắm qua mạng.

Đại diện Cục này cho biết gần đây đã tiếp nhận phản ánh của một số người tiêu dùng về việc dù không thực hiện bất kỳ một giao dịch nào trên các website thương mại điện tử nhưng vẫn bất ngờ nhận được các đơn hàng kèm sản phẩm được giao tận nhà.

Canh bao ‘khong dat hang nhung duoc giao tan nha’ khi mua sam tren mang anh 1
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cảnh báo việc nhiều người không đặt hàng qua mạng nhưng bưu kiện vẫn được gửi tận nhà. Ảnh minh họa: V.D.

Cụ thể, các đối tượng này thường gửi bưu kiện đến địa chỉ nhà riêng của người tiêu dùng với đầy đủ thông tin chính xác về họ tên, số điện thoại, địa chỉ… khi “nạn nhân” không có ở nhà. Sau đó, bưu kiện được người thân nhận thay, trả tiền giúp mà không xác nhận lại với họ có mua sản phẩm đó hay không.

“Thông thường, các đơn hàng này có giá trị nhỏ nên người nhà khi nhận hàng hộ đã trả tiền cho bên vận chuyển mà không kiểm tra sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm nhận được cũng không đúng như mô tả tại vận đơn giao hàng”, đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho hay.

Đơn cử, các đối tượng lừa đảo này đã ghi nhãn bên ngoài bưu phẩm là phụ kiện thời trang nhưng thực tế, khi mở ra lại là một chiếc kẹp giấy, tuýp kem đánh răng hoặc vật dụng có giá trị nhỏ khác.

Ngoài ra, trong các giao dịch khi mua hàng qua mạng, một số người không chỉ là khách hàng “bất đắc dĩ” của những món đồ nói trên mà còn phải chịu luôn tiền phí vận chuyển lên đến vài chục nghìn đồng, đắt gấp nhiều lần giá trị thực sản phẩm.

Việc khách hàng không mua sắm nhưng vẫn nhận được sản phẩm giao tận nhà riêng khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng về tính bảo mật thông tin cá nhân của các trang thương mại điện tử với các giao dịch đã từng thực hiện trước đó.

Trước vấn đề này, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết đã yêu cầu các website thương mại điện tử lẫn đơn vị hỗ trợ vận chuyển rà soát lại quy trình giao hàng, xác nhận đơn hàng để tránh bị đối tượng xấu lợi dụng. Theo Cục này, đây được xem là có dấu hiệu lừa đảo khi nhận đơn đặt hàng qua mạng.

Đồng thời, đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng khuyến cáo người tiêu dùng về việc mua sắm qua các kênh thương mại điện tử nói chung và mua sắm online nói riêng, khi số lượng giao dịch gần Tết ở các kênh này tăng mạnh.

Theo đó, trong trường hợp người thân nhận giúp sản phẩm thì cần thận trọng, xác nhận kỹ với người nhà về việc có đặt hàng tại website thương mại điện tử đó hay không. Đồng thời, kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi thanh toán để đảm bảo đúng như mô tả tại vận đơn giao hàng.

Trước đây, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng đã lên tiếng về việc nhiều khách hàng bức xúc các trang thương mại điện tử giao không đúng sản phẩm quảng cáo trên website, ứng dụng tự hủy đơn hàng, giao hàng cũ hay quảng cáo giảm giá nhưng vẫn phải mua với giá gốc…

Trước xu hướng ngồi tại nhà mua hàng qua mạng, Cục Cạnh tranh đã khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác, bởi sản phẩm có thể khác quảng cáo do chưa được nhìn thấy tận mắt, đặc biệt với nhóm hàng trang sức, đồ điện tử, mỹ phẩm.

Theo Cục này, để tránh “tiền mất tật mang”, nếu đơn vị bán yêu cầu trả tiền trước nhưng không được biết đầy đủ thông tin sản phẩm, người dùng cần từ chối nhận hàng.

'Sẽ diệt tận gốc hàng giả, nhái trên Lazada, Shopee, Sendo'

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết sẽ sớm đưa ra biện pháp diệt tận gốc vấn nạn hàng giả, hàng nhái bán tràn lan trên các sàn.


Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm