Trong phiên giao dịch hôm 9/6, giá cổ phiếu của Alibaba lao dốc 8% sau khi Ant Group tuyên bố chưa có kế hoạch hồi sinh đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO). Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cũng cho biết hiện không tiến hành "việc đánh giá và nghiên cứu liên quan đến quá trình IPO của Ant Group".
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế cho rằng ngay cả khi được tái khởi động IPO, định giá của Ant Group cũng nhỏ hơn đáng kể so với hồi năm 2020. Tuy nhiên, thị trường vẫn theo dõi sát sao các động thái mới của gã khổng lồ fintech - nạn nhân lớn nhất của cuộc trấn áp từ phía Bắc Kinh hồi năm ngoái.
"Thị trường đang dồn sự quan tâm vào khả năng tái khởi động đợt IPO của Ant Group. Các chứng chỉ lưu kí tại Mỹ (ADR) của Alibaba đã tăng 7% trên sàn New York, nhưng mức tăng nhanh chóng bị xóa sạch sau khi chính quyền Trung Quốc bác thông tin", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Asia Pacific Oanda (có trụ sở ở Singapore) - bình luận với Zing.
Thị trường thế giới dồn sự quan tâm vào khả năng tái khởi động đợt IPO của Ant Group. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Giá cổ phiếu lao dốc
Trước đó, theo nguồn tin của Bloomberg, CSRC đã thành lập một đội ngũ chuyên gia nhằm đánh giá lại kế hoạch IPO của gã khổng lồ fintech Ant Group.
Các nhà chức trách cũng gần đi đến bước cuối trong quá trình cấp giấy phép dọn đường cho đợt IPO của Ant Group. Giấy phép này sẽ khiến Ant được quản lý tương tự ngân hàng.
Reuters cũng đưa tin giới chức Trung Quốc đã sẵn sàng gật đầu cho việc khởi động lại kế hoạch niêm yết của Ant Group ở cả Thượng Hải và Hong Kong. Theo nguồn tin, Ant dự định đệ trình bản cáo bạch sơ bộ cho đợt IPO vào tháng tới.
Mới đây, Ant cũng đã bổ nhiệm Chủ tịch Sàn chứng khoán Hong Kong Laura Cha làm giám đốc độc lập. Nguồn tin của Bloomberg cho biết động thái này được các nhà quản lý Bắc Kinh ủng hộ.
Giá cổ phiếu của Alibaba lao dốc 8% sau khi Ant Group tuyên bố chưa có kế hoạch hồi sinh đợt IPO. Ảnh: CNBC. |
Nhưng Ant Group cho biết không có kế hoạch IPO. "Dưới sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý, chúng tôi đang tập trung vào việc xúc tiến quá trình điều chỉnh của mình và không có bất cứ kế hoạch nào để tiến tới IPO", người phát ngôn của IPO tuyên bố.
Cùng ngày, CSRC bác thông tin về việc đang tiến hành cân nhắc về đợt IPO tiềm năng của Ant Group. Nhưng cơ quan này cho biết sẽ hỗ trợ các công ty nền tảng đủ điều kiện được niêm yết ở trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, nói với Zing, chuyên gia tài chính Halley cho rằng đợt IPO của Ant Group - nếu được nối lại - sẽ không còn thu hút sự quan tâm như hồi cuối năm ngoái.
"Với mức định giá bằng khoảng 1/2 so với thời điểm Ant Group bị yêu cầu hủy IPO, các vị có thể đặt câu hỏi: 'Vì sao chúng ta phải bận tâm về Ant Group và Alibaba'", ông bình luận.
Thông điệp lớn
Việc Bắc Kinh dừng thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant hồi tháng 11/2020 đã làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu. Sự kiện này giáng đòn vào hàng loạt công ty từ Carlyle Group Inc. đến Temasek Holdings Pte, vốn được dự báo sẽ kiếm lời lớn.
Tỷ phú Jack Ma - doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc - gần như biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Ant Group bị Bắc Kinh yêu cầu hoãn IPO sau khi ông Ma thẳng thừng chỉ trích hệ thống tài chính của Trung Quốc trong một hội nghị hồi tháng 10/2020.
Những quy định được áp dụng đối với Ant Group trong vòng 2 năm qua sẽ khiến giá trị của công ty giảm đi đáng kể. Chẳng hạn, Fidelity Investments đã hạ định giá ước tính của gã khổng lồ fintech từ 235 tỷ USD vào thời điểm trước khi đợt IPO bị hoãn xuống còn 78 tỷ USD trong tháng 6/2021.
Việc Ant Group được tái khởi động kế hoạch IPO sẽ gửi đi một thông điệp. Đó là từ nay, Bắc Kinh có thể nới lỏng kiểm soát đối với ngành công nghiệp công nghệ của đất nước nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc tăng trưởng
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Asia Pacific Oanda (có trụ sở ở Singapore)
"Tuy nhiên, việc Ant Group được tái khởi động kế hoạch IPO sẽ gửi đi một thông điệp. Đó là từ nay, Bắc Kinh có thể nới lỏng kiểm soát đối với ngành công nghiệp công nghệ của đất nước nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc tăng trưởng", ông Halley nhận định.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã mạnh tay chấn chỉnh các tập đoàn lớn từ công nghệ tài chính đến gọi xe. Cuộc trấn áp kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu lớn, khiến vốn hóa của những đại gia công nghệ Trung Quốc lao dốc mạnh. Giới quan sát cảnh báo điều này có thể khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm nghiêm trọng.
Những tuần qua, giá cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc đã tăng vọt, nhất là sau thông tin Bắc Kinh chuẩn bị khép lại cuộc điều tra với Didi Global Inc. - gã khổng lồ gọi xe của đất nước. Các nguồn tin cũng cho biết ứng dụng của Didi sẽ được trở lại những cửa hàng ứng dụng trên điện thoại thông minh tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, cố vấn quản lý Richard Martin cho rằng thị trường Trung Quốc "có thể đầu tư nhưng vẫn cần cẩn trọng".
"Bất cứ thị trường nào lao dốc 30% trong vỏn vẹn 10 ngày bởi những lo ngại về chính sách và địa chính trị, sau đó phục hồi nhờ tuyên bố ủng hộ của giới chức, là các thị trường bị chi phối bởi chính sách thay vì giá trị và hiệu suất hoạt động của công ty", ông Martin lập luận.
"Các vị có thể đầu tư, nhưng cần phải nắm rõ tình hình chính trị, chính sách ở mỗi thời điểm", ông cảnh báo.