Tỉnh Saitama, gần Tokyo, sẽ không tuyển dụng đội ngũ 7 nữ nhân viên thời vụ mà công việc chính là phục vụ trà tại các cuộc họp của 93 dân biểu (trong đó chỉ có 14 là phụ nữ) cũng như các quan chức khác.
Nobuaki Kojima, người đứng đầu phe của đảng Dân chủ Tự do (LDP) bảo thủ trong hội đồng này, cho biết thay đổi nhằm phản ánh thái độ đang khác đi của xã hội về phụ nữ tại nơi làm việc, thách thức văn hóa công sở bảo thủ của Nhật Bản.
“Theo xu hướng thời đại, chúng tôi đã thảo luận xem có phù hợp hay không khi tuyển một nhóm phụ nữ chỉ ngồi đợi và rót trà”, ông Kojima nói với tờ Asahi Shimbun, và cho biết từ nay, đại biểu nào khát nước phải tự đi lấy nước.
Nhưng tờ Asahi Shimbun nói thêm rằng thay đổi này không hoàn toàn là để thay đổi định kiến về phụ nữ ở nơi làm việc, mà đã được đưa ra trong một cuộc họp tháng trước bàn về cách cắt giảm chi phí.
Không còn ‘cô pha trà’, quan chức tỉnh Nhật phải tự lấy trà nếu khát. Ảnh: Getty Images. |
Thay đổi của hội đồng nhiều khả năng sẽ không đặt dấu chấm hết cho phong tục các “cô pha trà” (còn gọi là ochakumi), vì nhiều người phụ nữ này cũng làm công việc hành chính khác trong văn phòng, ngoài việc pha trà.
Quan niệm phụ nữ nên đứng “sau hậu trường”, còn đàn ông “chiếm lĩnh” phòng họp, hay chính trường, đã ăn sâu vào xã hội Nhật Bản, theo Izumi Nakamitsu, quan chức Liên Hợp Quốc cao cấp ở nước này.
“Trên chương trình TV, đàn ông thảo luận các chủ đề khó, quan trọng, còn phụ nữ lên TV như để làm đẹp cho show”, Nakamitsu nói với Kyodo.
“Trên phim cũng thế, bạn thấy đàn ông chủ trì cuộc họp, còn phụ nữ rót trà”. Trẻ em Nhật Bản cũng thu nhận quan niệm đó từ nhỏ, là hãy chấp nhận vị trí của mình nếu là nữ, theo bà Nakamitsu.
Nhưng bà nêu quan điểm của mình: “Không có gì mà bạn không thể làm chỉ vì bạn là phụ nữ. Cần phải nỗ lực và tin rằng mình có thể làm được mọi thứ”.
Thủ tướng Shinzo Abe vài năm trước từng hứa sẽ tạo ra “một xã hội trong đó phụ nữ có thể tỏa sáng”, nhưng đến năm nay, Nhật Bản vẫn còn xa so với mục tiêu phụ nữ giữ 30% vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp và chính trị, theo Guardian.
Nhật chỉ xếp 121 trên 153 nước về bình đẳng giới, trong xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm ngoái. Chỉ 10% nghị sĩ trong hạ viện Nhật là phụ nữ.
Bà Nakamitsu cảnh báo rằng nếu giải quyết được vấn đề này, phụ nữ Nhật Bản có thể tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.
“Nếu bạn không thích tình hình ở Nhật, bạn có thể đi ra thế giới lớn hơn ở bên ngoài”, bà nói. “Cuối cùng thì đó là mất mát của nước Nhật”.