Tháng 9 là một tháng buồn của Bitcoin nói riêng và tiền thuật toán nói chung, khi đồng tiền này đã mất giá nghiêm trọng sau thông tin cơ quan chức năng Trung Quốc muốn nói không với tiền thuật toán.
Sau khi đạt đỉnh giá trị 5.000 USD một đơn vị vào ngày 1/9, giá Bitcoin đã tụt dốc nhanh chóng xuống còn khoảng 3.500 USD một đơn vị vào ngày 17/9, tương đương mức sụt giảm khoảng 30% trong 16 ngày.
Đợt giảm giá mạnh đầu tiên của Bitcoin xuất phát từ thông tin đưa ra ngày 4/9 về việc Bắc Kinh thông báo việc nghiêm cấm các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện ICO (huy động vốn qua phát hành tiền thuật toán).
Chưa dừng lại ở đó, cơ quan chức năng Trung Quốc khẳng định muốn đóng cửa tất cả sàn giao dịch tiền thuật toán tại nước này. Nạn nhân đầu tiên trong số đó là BTC China, sàn tiền thuật toán lớn nhất đất nước 1,3 tỷ dân.
Chia sẻ với Bloomberg, quản trị viên của BTC China cho hay sàn sẽ ngừng giao dịch sau ngày 30/9 và việc đăng ký thành viên mới đã không thể thực hiện được từ sau ngày 14/9.
Ngay sau đó, hai sàn tiền thuật toán của Trung Quốc khác là Huobi.com và OKCoin cũng đưa ra thông báo về kế hoạch ngừng giao dịch sau ngày 31/9.
Những thông tin bất lợi liên tiếp đến từ Trung Quốc cho thấy tương lai của Bitcoin tại thị trường này gần như đã không còn. Không có Trung Quốc, Bitcoin sẽ mất thị trường hiện đóng góp 23% giao dịch Bitcoin và có những nhóm "đào" Bitcoin lớn nhất thế giới.
Bitcoin đang trong chuỗi ngày mất giá u ám nhất kể từ đầu năm 2017. Dù vậy, khả năng đồng tiền thuật toán này trở về đỉnh giá đầu tháng 9/2017 được nhiều chuyên gia đánh giá là khả thi.
Trả lời Forbes, ông Stelian Balta, nhà sáng lập và đối tác quản lý của HyperChain Capital cho hay "nếu chúng ta nhìn Bitcoin hay Ethereum dưới góc nhìn kỹ thuật, những thông tin tiêu cực gần đây không mấy liên quan đến giá trị thực của Bitcoin.
Những thợ đào sẽ tiếp tục đào, những nhà phát triển vẫn sẽ tiếp tục tạo ra những ứng dụng và những dự án mới. Tài sản kỹ thuật số là một hiện tượng toàn cầu và hệ sinh thái của tiền thuật toán vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.
Balta cũng cho rằng tiền thuật toán vẫn có thể sống sót và phát triển mà không có Trung Quốc.
"Tôi rất lạc quan về thị trường tài sản kỹ thuật số toàn cầu", chuyên gia này cho hay.
"Tài sản kỹ thuật số có thể được coi là hàng hóa kinh doanh dựa trên cung cầu. Trong đó, cung thì có hạn mà cầu thì đang tăng lên. Trung Quốc là một thị trường quan trọng và những thông tin gần đây sẽ có hiệu ứng tiêu cực trong ngắn hạn lên giá trị của tiền thuật toán. Tuy nhiên tài sản kỹ thuật số là một hiện tượng toàn cầu. Các công ty Internet khổng lồ như Google hay Facebook vấn phát triển mạnh dù bị cấm cửa tại Trung Quốc", Balta nói thêm.
Trước đó, hồi cuối tháng 7, một sàn giao dịch tiền thuật toán được nhiều nhà đầu tư Việt Nam lựa chọn giao dịch là BTC-e đã buộc phải đóng cửa sau khi thành viên ban quản trị sàn bị Interpol bắt giữ vì nghi án rửa tiền.