Một số quốc gia châu Á được xem là những nước chống Covid-19 thành công nhất trên thế giới đang phải chật vật đối phó với đợt bùng phát dịch mới vào mùa đông. Đây là dấu hiệu cho thấy các biện pháp ngăn Covid-19 sẽ không có hiệu quả lâu dài, trừ khi vaccine được phổ biến rộng rãi.
Ngày 9/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In triệu tập cuộc họp khẩn cấp sau khi nước này ghi nhận 686 ca nhiễm trong một ngày, con số cao nhất trong vòng 9 tháng qua. Hàn Quốc phải sử dụng các container làm bệnh viện dã chiến vì thiếu giường bệnh.
Chính phủ Nhật Bản ngày 9/12 cũng cho biết nước này đã ghi nhận 2.810 ca bệnh mới, con số cao nhất từ trước đến nay tại đây.
Tại thành phố Hong Kong, nơi đã khống chế được ca bệnh mỗi ngày ở mức một chữ số, cũng ghi nhận hơn 100 người mắc Covid-19 mới. Chính quyền Hong Kong buộc phải áp đặt lại các biện pháp hạn chế như đóng cửa quán ăn và phòng gym.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Hong Kong. Ảnh: Getty. |
Nhiều vùng ở Malaysia đã bị phong tỏa trở lại sau khi số ca nhiễm tăng gấp đôi chỉ trong một tháng, theo Wall Street Journal.
“Chúng ta đã vượt qua khủng hoảng Covid-19 nhiều lần, nhưng chúng ta đang ở trong tình huống nghiêm trọng hơn bao giờ hết”, Tổng thống Moon phát biểu trong cuộc họp với các quan chức. Ông Moon đề nghị mở rộng việc xét nghiệm, tức các địa điểm xét nghiệm phải kéo dài thời gian làm việc. Các cơ sở xét nghiệm trên xe cũng được yêu cầu mở cửa trở lại.
Mặc dù những con số trên khá nhỏ nếu so với tình hình dịch bệnh tại châu Âu hay Mỹ, sự gia tăng số ca nhiễm này vẫn đáng lo ngại. Dịch bùng phát trở lại sau khi cuộc sống ở nhiều nơi tại châu Á gần như trở lại bình thường.
Không thể tránh chu kỳ lây nhiễm
Không giống những làn sóng lây nhiễm trước đó, đợt lây nhiễm này lan rộng hơn. Những nơi từng được xem là an toàn như nhà riêng và công sở giờ trở thành khởi nguồn của dịch bệnh.
Sự gia tăng số ca nhiễm ở các quốc gia châu Á cho thấy ngay cả những nước chống dịch nghiêm ngặt nhất cũng không thể ránh khỏi chu kỳ lây nhiễm. Mỗi lần các biện pháp chống Covid-19 được nới lỏng sau khi số ca bệnh giảm xuống, các hạn chế mới sẽ được áp đặt vì dịch lại lây lan.
Do các nước châu Á chỉ ghi nhận vài ca nhiễm trong nhiều tháng, người dân bắt đầu quay lại các quán bar và nhà hàng. Việc ra ngoài nhiều hơn kéo theo các ca lây nhiễm giữa thành viên trong gia đình cũng tăng.
Hàn Quốc phải dùng container làm bệnh viện dã chiến. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, theo giới chức y tế, virus tồn tại lâu hơn khi trời lạnh. Mùa đông cũng khiến người dân ở trong nhà nhiều hơn, dẫn đến việc tiếp xúc với nhau nhiều và số ca nhiễm đột ngột tăng cao.
Làn sóng lây nhiễm mới này tạo ra thêm áp lực cho hệ thống y tế và các biện pháp phòng dịch của chính quyền.
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải huy động quân đội để hỗ trợ cho các bệnh viện và truy vết người tiếp xúc.
“Nếu có thêm bệnh nhân, chúng tôi sẽ không thể nào bảo vệ bệnh nhân Covid-19 và cả các bệnh nhân khác”, Haruo Ozaki, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Tokyo, phát biểu ngày 8/12.
Ưu tiên khôi phục kinh tế
Tokyo và Seoul đã đoán được sẽ có đợt lây nhiễm này, tuy nhiên, chính phủ hai nước đều tập trung hơn vào việc phục hồi kinh tế. Người dân cũng đã quá mệt mỏi với các biện pháp hạn chế, Kim Dong Hyun, người đứng đầu Hiệp hội Dịch tễ học Hàn Quốc, cho biết.
“Nhiều người trẻ chán nản vì những lời cảnh báo được phát liên tục. Lần này, ngay cả công tác truy vết người tiếp xúc cũng đạt đến giới hạn vì hàng loạt ca nhiễm mới xuất hiện ở nhiều nơi cùng một lúc”, ông Kim nói thêm.
Truy vết là cách Hàn Quốc kiểm soát dịch bệnh đến nay.
Một con phố mua sắm ở Seoul vắng vẻ sau khi chính quyền áp đặt lại các biện pháp hạn chế. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Nhật Bản, quốc gia không đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hay tăng cường xét nghiệm nào, thậm chí còn có ít động thái hơn so với những đợt lây nhiễm trước đó. Bệnh nhân cần dùng máy thở hoặc ECMO ở Nhật đã tăng gấp đôi trong tháng qua, theo các quan chức.
Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh việc phải tiếp tục mở cửa nền kinh tế trong khi tuân thủ các quy tắc chống dịch cơ bản như thông khí và đeo khẩu trang. Tuy nhiên, họ không kích hoạt tình trạng khẩn cấp như hồi tháng 4 và tháng 5.
Hầu hết doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hoạt động bình thường. Thủ tướng Yoshihide Suga vẫn tiếp tục kế hoạch trợ cấp du lịch nội địa để khôi phục kinh tế.
Tuy nhiên, quan chức địa phương ở Nhật cũng yêu cầu doanh nghiệp giảm giờ hoạt động và người dân tránh các buổi tụ tập không cần thiết.
Ngược lại, trong tuần này, khu vực đô thị của Seoul, nơi ca nhiễm mới đang gia tăng, bị đặt dưới lệnh hạn chế mới.
Seoul hiện phải giãn cách xã hội ở mức thứ tư trên thang đo 5 cấp của Hàn Quốc. Các phòng gym và quán karaoke phải đóng cửa. Rạp phim, nhà hàng và hiệu cắt tóc phải đóng cửa trước 21h và quán cà phê chỉ được phục vụ đồ uống mang đi. Lớp học cũng chỉ được phép hoạt động với một phần ba sĩ số.
Người dân làm xét nghiệm Covid-19 ở Nhật Bản ngày 9/12. Ảnh: Bloomberg. |
Giới chức y tế cũng cho biết công tác truy vết đã trở nên khó khăn hơn. Các bệnh nhân trẻ tuổi, đa số không có triệu chứng, không biết rằng họ đã lây lan virus cho người khác. Vì vậy, chính quyền không thể tìm được nguồn lây.
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở Hàn Quốc đã tăng từ 1% lên 4% chỉ trong một tháng, sau khi dịch lan ra ở các phòng tắm hơi và trường học, theo Wall Street Journal.
Các quan chức cũng cảnh báo về sự sụp đổ hệ thống y tế ở Seoul. Ba phần tư giường bệnh dành cho bệnh nhân Covid-19 đã kín chỗ. 90% giường dành riêng cho bệnh nhân nguy kịch cũng đã đầy. Vì vậy, chính quyền đang yêu cầu người dân Hàn Quốc ở nhà đến hết năm 2020.
Bà Lee Hyun Sook, chủ nhà hàng ở Seoul, cho biết bà chỉ có 1-2 khách hàng mỗi ngày kể từ khi chính phủ siết chặt các biện pháp vào tháng 11.
Tuy nhiên, bà Lee nói rất khó để đeo khẩu trang khi gặp người nhà và giãn cách xã hội không dễ thực hiện với các chủ nhà hàng.
“Khách hàng phải tháo khẩu trang để ăn và vì trời quá lạnh, tôi không thể mở cửa sổ khi có khách”, bà Lee nói với Wall Street Journal.