Sự thăng tiến của ông Sunak lên vị trí hàng đầu trong chính trường Anh đang trở thành tâm điểm chú ý, CNN nhận định.
Chỉ bảy tuần trước, ông đã bị bà Liz Truss đánh bại toàn diện trong cuộc đua lãnh đạo đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, ông đã chính thức được Vua Charles III bổ nhiệm làm thủ tướng sau khi nhanh chóng giành được chiến thắng trong cuộc đua cho vị trí này.
Đây là thủ tướng Anh đầu tiên theo đạo Hindu và cũng là chính trị gia đầu tiên giữ vị trí này không phải người da trắng, theo Guardian. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh có một thủ tướng sở hữu tài sản lớn hơn bậc quân vương.
Khối tài sản của tân thủ tướng Anh cùng phu nhân ước tính vào khoảng 830 triệu USD, gần gấp đôi tài sản của cố Nữ hoàng Elizabeth II (420 triệu USD).
Nhiệm vụ khó khăn
Tuy nhiên, tân thủ tướng Anh giờ đây sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn khi vực dậy một quốc gia đang quay cuồng sau nhiệm kỳ đầy hỗn loạn của bà Truss.
“Vương quốc Anh là một đất nước tuyệt vời, nhưng chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức kinh tế sâu sắc”, ông Sunak cho biết hôm 24/10. Trên cương vị thủ tướng, nhiều khả năng ông Sunak sẽ triển khai chính sách đã vạch ra trong lần tranh cử thất bại trước đó vào năm nay.
Ông từng chỉ trích kế hoạch của bà Truss khi cắt giảm thuế và tài trợ chi tiêu hàng ngày thông qua vay nợ, nói rằng nó sẽ tàn phá nền kinh tế.
Ông đã được chứng minh là đúng khi chính phủ của bà Truss thực hiện các kế hoạch trong gói “ngân sách ngắn hạn” (mini-budget). Chính sách kinh tế đó đã khiến đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và giá trái phiếu sụp đổ. Nó đồng thời khiến chi phí đi vay tăng cao và đẩy các quỹ hưu trí đến bờ vực vỡ nợ.
Vị tân thủ tướng đã có kinh nghiệm điều hành nền tài chính công của Anh qua một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, điều đó không có khả năng làm cho việc giải quyết những thách thức kinh tế của đất nước bớt khó khăn hơn, theo New York Times.
Giờ đây, ông Sunak sẽ phải đối mặt với bối cảnh kinh tế rất khác: Tỷ lệ lạm phát đã lên tới 10%, cao nhất trong 40 năm. Như nhiều nước khác, nền kinh tế này đang tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh đang tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Danh tiếng trên trường quốc tế của nước Anh thậm chí đã bị ảnh hưởng trước khi bà Truss nhậm chức. Những vụ bê bối liên tiếp buộc ông Johnson phải rời nhiệm sở, cùng với vấn đề khác liên quan đến thỏa thuận Brexit, đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với nước này.
Ông Sunak đi bộ bên ngoài trụ sở Chiến dịch đảng Bảo thủ ngày 24/10. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa nước Anh không được chú ý trên trường quốc tế. Chẳng hạn, sự ủng hộ của chính phủ đối với Ukraine đã khiến Anh - và đặc biệt là ông Boris Johnson - được các nhà lãnh đạo phương Tây khác chú ý.
Ông Sunak được coi là một người có thể tin tưởng được sau những hỗn loạn ở chính trường Anh trong vài tháng qua. Ông từng nhận nhiều lời khen ngợi vì cách đối phó với nền kinh tế trong đại dịch Covid-19, giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân với các chương trình chi tiêu lớn của chính phủ.
Điều đó được cho là đã giúp bảo vệ sinh kế của rất nhiều người. Và công việc của ông hiện rất rõ ràng: Mang lại sự yên ổn.
Khó khăn lớn nhất
Tuy nhiên, thật không may cho ông Sunak vì ông đã kế thừa một đảng chính trị bị chia rẽ trong vài năm qua. Đảng Bảo thủ của năm 2022 được xác định bởi chủ nghĩa phe phái, khiến việc lãnh đạo đảng này trở nên khó khăn đối với cả ông Johnson và bà Truss.
Khó khăn lớn nhất đối với ông Sunak là những đảng viên ủng hộ Brexit và yêu mến cựu Thủ tướng Johnson. Salma Shah, một cựu cố vấn của đảng Bảo thủ, cho rằng nhiều đảng viên có lẽ sẽ không ủng hộ bất cứ ai vì họ biết rằng sẽ có tranh luận với thủ tướng mới về Brexit.
“Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Sunak sẽ là đàm phán Nghị định thư Bắc Ireland (một phần gây tranh cãi của thỏa thuận hậu Brexit). Nếu nó không bắt đầu đi theo định hướng của họ, họ có thể quay đầu”, ông nói.
Ông Sunak tại một sự kiện của đảng Bảo thủ ở London vào tháng 8. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, việc lãnh đạo đảng có thể nằm ngoài tầm tay của ông Sunak trước mắt. Tuy nhiên, điều chắc chắn ông có thể mang đến là chính sách kinh tế và đối thoại với các đối tác quốc tế.
“Ông ấy là một người giao tiếp lưu loát và biết mình đang đề cập về điều gì khi nói đến nền kinh tế”, Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary, nói.
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng có khả năng ông ấy sẽ được cộng đồng quốc tế chào đón, nếu ổn định được nền kinh tế và chính trị của Anh”, ông Bale nói thêm.
Điều lý tưởng dành cho ông Sunak là việc ông sẽ mang lại sự ổn định kinh tế và cùng với đó, giúp ổn định chính trị. Tuy nhiên, giới quan sát lâu năm về chính trị Anh sẽ biết rằng hai điều này không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau.
“Ông ấy phải cân bằng các chính sách có thể khiến các nghị sĩ đảng Bảo thủ phẫn nộ với các chính sách có thể khiến công chúng chống lại ông”, Vicky Pryce, cựu lãnh đạo của Dịch vụ Kinh tế Chính phủ Anh, cho biết.
Các nghị sĩ và cố vấn của đảng Bảo thủ có nhiều quan điểm khác nhau về ông Sunak. Một số người nghĩ rằng công chúng sẽ đánh giá cao một chút hòa bình và yên tĩnh từ tình trạng lộn xộn chính trị vừa qua.
Một số người lại phẫn nộ khi cho rằng ông Sunak đã hạ bệ cựu Thủ tướng Johnson. Cũng có người tin rằng ông Sunak sẽ quá mềm mỏng với Brexit, trong khi số khác nhận định họ đã thua trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.
Về lý thuyết, còn ít nhất hai năm cho đến khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo được tổ chức. Thời gian đó là quá đủ để ông Sunak ổn định tình hình và khôi phục mức độ ủng hộ đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, ông cần sự sát cánh của đảng này.
Và nếu những tuần vừa qua là một ví dụ, tân thủ tướng có thể trở thành một nhà lãnh đạo khác bị buộc phải dành nhiều thời gian hơn để quản lý chính trị nội bộ của đảng mình, thay vì giải quyết những vấn đề lớn mà đất nước của ông phải đối mặt.