Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không có gia đình, Tết chỉ là một ngày trên lịch'

Với những đứa con xa nhà vì đi học và vì Covid-19, nhiều người cố gắng tái hiện bầu không khí lễ hội để bớt đi cảm giác "ngày Tết chỉ là một ngày trên lịch".

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Đường bay bị gián đoạn khắp nơi. Những kế hoạch bị dở dang. Những cái Tết khi người Việt ở nước ngoài có thể trở về thăm nhà, hoặc tụ tập trong những đám đông lớn đón Tết đã trở thành quá khứ.

“Tháng 3 khi bùng dịch mình có đặt vé để về. Chuyến bay của mình quá cảnh tại Qatar. Tuy nhiên, dịch phát tán nhanh quá nên chuyến bay bị hủy. Sau đó cũng không đặt vé được nữa. Mình định hè năm 2020 về nhưng rồi kẹt ở lại đến bây giờ”, Phan Trung Hiếu, sinh viên Đại học Miami, Mỹ, chia sẻ.

Đón Tết online

Phần lớn du học sinh không có kỳ nghỉ cho Tết âm lịch. Trong bối cảnh của đại dịch, việc tổ chức Tết trong cộng đồng người Việt tại nước ngoài càng khó vì phải thực hiện giãn cách xã hội.

Phạm Trần Khánh Nhi (sinh viên Đại học RMIT, Australia) cho hay, dịp Tết Nhi vẫn phải đi học bình thường. Tuy nhiên, khi trở lại ký túc xá, các sinh viên Việt Nam tại Australia sẽ tụ tập theo nhóm nhỏ, và cùng nhau làm mứt dừa, cuốn chả giò, và nấu thịt kho trứng. Năm nay có Táo quân, cả nhóm háo hức hẹn nhau xem chương trình này vào đêm 30 Tết.

du hoc sinh Viet,  Tet,  Covid-19 anh 1

Khánh Nhi đi chợ của người Việt tại Australia sắm sửa Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ở Ohio, tuyết rơi phủ kín mặt đường. Vì đại dịch nên Phan Trung Hiếu không thể tham gia các hoạt động đón Tết của cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Năm ngoái, Trung Hiếu đón Tết tại bang Chicago cùng với một gia đình người Việt. Mọi người nấu những món ăn Việt Nam thân thuộc và trò chuyện quây quần bên nhau.

Tuy nhiên, năm nay, vì phải giãn cách xã hội, Hiếu đã mời một người bạn của mình về nhà và cùng nhau đón Tết, dù món ăn nguyên liệu có thể không đầy đủ giống như ở nhà.

Xa nhà 3 năm, Nguyễn Thu Hương (sống tại Nhật Bản) nhớ về những ngày giáp Tết dọn dẹp nhà cửa và đi mua sắm cùng gia đình. Năm nào nhà Thu Hương cũng gói bánh chưng nhưng những năm gần đây, Hương chỉ có thể tham gia với mọi người qua màn hình điện thoại.

“Ở Việt Nam, gia đình mình ăn Tết từ (thời điểm cúng) ông Công, ông Táo. Nhưng ở bên này, nhóm người Việt với nhau cũng chỉ tổ chức ăn uống được một ngày thôi", Thu Hương nói thêm.

Tại Nhật, người Việt sẽ đặt nguyên liệu từ chợ của người Việt ở Tokyo hoặc Osaka từ rất sớm. Sau đó, mọi người cùng nhau nấu ăn và thưởng thức các món quen thuộc như bánh chưng và giò.

Tại Hà Lan, Phan Thị Tuyết Ngân (sinh viên Đại học Amsterdam) cho biết hội du học sinh Việt Nam tại Hà Lan tổ chức nhiều hoạt động vào dịp Tết. Mọi người cùng nhau nấu bánh chưng. Vào đêm giao thừa, các sinh viên hội họp, ăn các món đặc trưng như bánh chưng, gà luộc, nem, và canh miến.

“Các bạn giúp mình cảm thấy mình không một mình. Ngoài ra, các hoạt động của hội sinh viên giúp mình có thêm những người bạn mới. Mình được lắng nghe nhiều câu chuyện và biết đến nhiều góc nhìn", Tuyết Ngân nói.

Hơn nữa, hàng năm, hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan tổ chức hội chợ Tết và có các chương trình biểu diễn văn nghệ. Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh, mọi người quay lại một talkshow và dự kiến phát sóng vào mùng một.

du hoc sinh Viet,  Tet,  Covid-19 anh 2

Mai Thảo trong dịp đón Tết âm lịch với nhóm bạn châu Á. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đỗ Nghĩa Hưng, sinh viên Đại học Toledo, Mỹ, cho biết mình sẽ dành thời gian gọi điện về nhà chúc Tết bố mẹ. Hai năm liền không về, ba cái Tết xa nhà, mỗi cuộc điện thoại như vậy giúp Nghĩa Hưng vơi đi nỗi nhớ nhà.

Tại Costa Rica, Mai Thảo (học sinh trường Thế Giới Liên Kết - UWC), cảm thấy buồn vì không được đón Tết cùng với gia đình. Mai Thảo thấy rằng nhiều người ở Costa Rica còn không biết về Tết âm. Ở trường cũng chỉ có 2 bạn người Việt, dù có nhiều học sinh đến từ châu Á.

Nhóm bạn châu Á sẽ thuê một căn nhà và mỗi người sẽ nấu các món ăn đặc trưng vào dịp Tết của nước mình. Trong khi đó, bố mẹ Mai Thảo thường gửi ảnh các hoạt động dịp Tết Nguyên Đán ở nhà.

Năm nay, ngày lễ Tình nhân diễn ra vào mùng ba Tết, vậy nên đối với các đôi tình nhân, Tết năm nay đặc biệt hơn hẳn. Bích Ngọc chia sẻ rằng mình và bạn trai người Việt của mình sẽ tổ chức lễ Valentine đầu tiên tại một nhà hàng ở Singapore. Hai người sẽ vừa đón Tết vừa đón lễ Tình nhân bên nhau.

Tuy nhiên, sinh nhật của mẹ Ngọc cũng trùng vào dịp Tết. Từ khi dịch bùng lên, Ngọc cũng không thể về quê thăm mẹ.

du hoc sinh Viet,  Tet,  Covid-19 anh 3

Bích Ngọc du xuân cùng gia đình năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cảm giác không nguyên vẹn

Đối với một số người, cảm giác về Tết không còn nguyên vẹn nữa.

Thu Hương chia sẻ rằng ở Việt Nam còn có thể đi mua đồ và chuẩn bị Tết. Không khí ngoài đường phố nhộn nhịp, và dịp Tết cũng là dịp gia đình sum họp khiến cho Hương cảm thấy háo hức hơn rất nhiều.

“Ở bên này mua bánh kẹo hay chuẩn bị Tết thì cho ai ăn nào. Không có mấy ai cả. Hơn nữa, dịp Tết lại vào đúng ngày mình thi học kỳ nên cũng không còn nhiều tâm chí để nghĩ về Tết nữa", Thu Hương nói với Zing.

Đối với Nghĩa Hưng, do du học xa nhà từ THPT, cứ một Tết xa nhà là cảm giác về Tết lại vơi đi.

du hoc sinh Viet,  Tet,  Covid-19 anh 4

Nghĩa Hưng đón Tết một mình tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khánh Nhi cho biết rằng Tết là dịp đoàn viên. Vì vậy, Tết không có gia đình ở bên thì không còn nhiều ý nghĩa. “Tết luôn là một phần quan trọng trong gia đình mình vì cả nhà năm nào cũng về quê cùng ông bà, người thân. Khi xa nhà, Tết cũng chỉ là một mốc thời gian trên lịch mà thôi”, Khánh Nhi chia sẻ.

"Có lúc mình đã quên Tết vui như thế nào. Những ngày Tết mình vẫn đi học đi làm bình thường nên có thể đã quên mất", Bích Ngọc nói.

Du học sinh Việt hướng về quê hương, tri ân gia đình ngày Tết

Dù cách xa vài nghìn cây số hay nửa vòng Trái Đất, nhưng dịp cận Tết Nguyên đán, những du học sinh Việt vẫn luôn hướng trái tim về gia đình.

Thanh Lam

Bạn có thể quan tâm