Bộ quy tắc này sau khi được hoàn thiện, được chờ đợi sẽ giúp người dân nâng cao ý thức, văn hoá ứng xử nơi công cộng.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn giao Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT và UBND các quận huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Nhiều cơ quan ngôn luận, coi đây là lời “tuyên chiến” của Hà Nội với nạn nói tục lâu nay khiến dư luận nóng bừng với những ý kiến tranh cãi trái chiều.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình, Sở VH-TT&DL khẳng định, không có cái gọi là chế tài xử lý nạn nói tục, có chăng chỉ là tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân theo Đề án Quy tắc ứng xử mà Sở VHTT&DL đã xây dựng từ năm 2013.
Được biết, UBND thành phố Hà Nội đã thông qua dự thảo bộ quy tắc ứng xử được áp dụng cho 6 nhóm người khác nhau trên địa bàn như cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư, nơi công cộng.
Theo bà Hạnh, Hệ thống Quy tắc ứng xử trong cộng đồng dân cư thành phố đã cơ bản xong phần khung, dựa vào đó, các địa điểm công cộng như: bến xe, ga tàu, nhà văn hóa… sẽ có quy định riêng. “Bộ quy tắc ứng xử mang ý nghĩa tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nâng cao ý thức của người dân Thủ đô. Sau thời gian chính thức áp dụng, tùy tình hình có thể đề xuất chế tài xử lý. Nhưng đó là một quá trình dài”, bà Hạnh khẳng định.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng cho rằng, văn hóa cư xử nơi công cộng không thể thay đổi một sớm, một chiều. Đó phải là sự nhận thức, tự thấy xấu hổ với xã hội khi chửi bậy. “Tôi cho rằng, khi nhận thức, trách nhiệm của xã hội được nâng cao, tự khắc những hành vi xấu, những lời thô tục sẽ dần tự biến mất”, ông Tiến khẳng định. PGS - TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho biết, nói tục của một bộ phận giới trẻ hiện nay bắt nguồn từ phản ứng trước những bất công, bức xúc, tiêu cực trong cuộc sống xã hội thường nhật.
Nếu chỉ dùng chế tài xử lý thì chỉ như “xoa dầu vào ung nhọt”, chứ không thể trị tận gốc. Một thói xấu về văn hóa cần được xử lý bằng những giá trị văn hóa. Loại bớt những tiêu cực trong xã hội, nâng cao trình độ nhận thức của người dân trong một xã hội văn minh mới là “thuốc đặc trị” cho nạn nói tục.
Giám đốc Sở VHTT&DL Tô Văn Động cho biết, lộ trình triển khai thực hiện Đề án chia thành 2 giai đoạn. Theo đó từ nay đến hết năm 2015 sẽ xây dựng kế hoạch và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện tiêu chí khung bộ quy tắc ứng xử ở tất cả các địa phương, đơn vị. Trong giai đoạn 2015 đến 2020 sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, chế tài và giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện quy tắc ứng xử.