Trao đổi với Zing.vn về thông tin, cơ quan khí tượng đang sử dụng một số thiết bị của Trung Quốc nên ảnh hưởng đến công tác dự báo bão vừa qua, ông Lê Thanh Hải - Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia nói: "Tôi khẳng định không có chuyện thiết bị Trung Quốc làm ảnh hưởng đến công tác dự báo bão".
Theo lý giải của ông Hải, dự báo khí tượng thủy văn gồm các công đoạn chính như: Quan trắc, thu thập số liệu, truyền số liệu về các trung tâm tính toán xử lý và các dự báo viên sẽ chạy các mô hình dự báo.
Trong tất cả nội dung này, sự tham gia của các thiết bị, công nghệ là không thể thiếu, gồm: ra đa, vệ tịnh, trạm đo tự động, hệ thống mạng thông tin chuyên ngành, các máy tính hiệu năng cao…
Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải nói không có chuyện thiết bị Trung Quốc ảnh hưởng đến dự báo bão. Ảnh: Thắng Quang |
Theo thời gian, công nghệ dự báo Khí tượng thủy văn vủa Việt Nam đã được nâng cấp và hiệu ứng vào khoảng giữa các nước Đông Nam Á. Các mô hình dự báo khí tượng thủy văn của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, Đan Mạch…đã được mua về và cải tiến cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Công nghệ đo đạc tự động như gió, mưa chủ yếu được nhập từ Phần Lan, Ý, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và được kiểm định theo tiêu chuẩn của Tổ chức Khí tượng thế giới.
"Tuy nhiên, hệ thống ra đa, trạm đo tự động chưa đủ dày để phủ kín lãnh thổ mà còn nhiều trạm đo thủ công. Hạn chế chính của các trạm đo thủ công này ( trong đó có máy đo của Trung Quốc đã được kiểm định) là sự chậm trễ so với thời gian trực do quy trình quan trắc quy định", ông Hải thừa nhận.
Nói về quá trình sử dụng các công nghệ dự báo, ông Hải cho biết, trước năm 1993, mạng lưới trạm đo khí tượng, máy đo gió chủ yếu là máy đo đạc lạc hậu, độ chính xác kém và đặc biệt là khó quan trắc khi trời mưa bão. Ngoài ra, mạng lưới còn được trang bị một số máy đo gió của Pháp từ năm 1990.
Từ năm 1994, các máy đo gió của Trung Quốc, Pháp được đồng thời sử dụng theo các chương trình dự án ODA khác nhau. Sau đó, các thiết bị của Italia, Bắc Âu, Nhật Bản, Mỹ được sử dụng phổ biến cho công tác dự báo ở nước ta.
"Hiện, hơn 80% thiết bị đo gió, khí áp (các yếu tố chính quyết định độ chính xác dự báo bão) là của Hoa Kỳ. Khoảng 20% thiết bị của Trung Quốc phân bố chủ yếu ở các vùng ít chịu ảnh hưởng của bão về gió như Tây Bắc, Việt Bắc. Các thiết bị này được kiểm định thường xuyên, theo các quy định chặt chẽ của Tổ chức Khí tượng thế giới", ông Hải nói.
Vị lãnh đạo Trung tâm Khí tượng cũng khẳng định, các thông số dự báo hiện nay luôn đảm bảo tính khách quan, tính đại diện và luôn được kiểm tra khi có giá trị bất thường.
Ngày 20/8, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai rút kinh nghiệm trong công tác dự báo, ứng phó với cơn bão số 3, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho rằng, dự báo chưa sát thực tế.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Nam cũng nhìn nhận, cơ quan khí tượng đã dự báo đúng hướng đi, lượng mưa, thời gian bão vào vịnh Bắc Bộ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nâng cao cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác dự báo, tăng tiềm lực khoa học công nghệ làm cơ sở dự báo cảnh báo ngày một sát hơn với thực tế, làm cơ sở tham mưu cho công tác phòng chống lụt bão.
Ngày 23/8, báo Tiền Phong đặt vấn đề, sau dự báo bão số 1 sai, đến cơn bão số 3, có lẽ, cơ quan dự báo khí tượng đã khiến nhiều địa phương, lực lượng “việt vị” khi dự báo phạm vi ảnh hưởng quá rộng. Nghi vấn thiết bị nguồn gốc Trung Quốc ảnh hưởng tới dự báo đang bỏ ngỏ câu trả lời.