"Hoạt động của hầm Hải Vân 1 có thể gián đoạn trong 1 - 2 tháng tới" - thông tin được Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) đưa ra ngày 29/10 gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên lãnh đạo đơn vị này sau đó đã khẳng định bằng mọi cách sẽ duy trì hầm vận hành ổn định.
Vì sao có thông tin đóng cửa hầm Hải Vân?
Theo Công ty Đèo Cả, đơn vị này đã bỏ ra 900 tỷ đồng xây dựng nâng cấp hầm Hải Vân 1 nhưng sau đó không được lập trạm BOT Nam Hải Vân để hoàn vốn theo cam kết trong hợp đồng ký với Bộ GTVT.
Hầm Hải Vân 1. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Để duy trì hoạt động của hầm (trả lương CBNV, nhiên liệu vận hành máy móc thiết bị, chi phí điện...), Công ty Đèo Cả đang phải tạm ứng tiền từ vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên nhu cầu kinh phí quá lớn và kéo dài nên doanh nghiệp đang đối diện với việc không thể tiếp tục chi trả các chi phí quản lý.
"Sẽ dẫn đến nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 trong 1-2 tháng tới nếu các vướng mắc này không được Bộ GTVT và Chính phủ tháo gỡ kịp thời", thông cáo của Công ty Đèo Cả nêu rõ.
Nguy cơ này càng có cơ sở khi cùng lúc có thông tin về việc cắt điện hầm Hải Vân 1 do Công ty Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) bị Điện lực Đà Nẵng kiến nghị lên Bộ GTVT đòi 2,6 tỷ đồng tiền điện.
Lãnh đạo Hamadeco thừa nhận đơn vị đang nợ 2,6 tỷ tiền điện. Nguyên nhân thiếu nợ là Công ty CP Đầu tư Đèo Cả chậm thanh toán chi phí quản lý vận hành và bảo dưỡng hầm Hải Vân 1.
Cuối tháng 8 vừa qua, Hamadeco có văn bản gửi yêu cầu Cty CP Đầu tư Đèo Cả thanh toán chi phí quản lý vận hành và bảo dưỡng hầm Hải Vân 1. Công ty CP Đầu tư Đèo Cả hiện mới thanh toán cho Hamadeco chi phí quản lý vận hành hầm đến quý I/2018.
Không thể vì đòi nợ mà cắt điện
Cuối tháng 10, Điện lực Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ GTVT về việc thanh toán khoản nợ 2,6 tỷ đồng tiền điện của Công ty Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân.
Ông Ngô Tấn Cư, giám đốc Công ty Điện lực Đà Nẵng. Ảnh: Petro Times. |
Tuy nhiên khi thấy dư luận xôn xao với thông tin cắt điện hầm Hải Vân 1, ông Ngô Tấn Cư, giám đốc Công ty Điện lực Đà Nẵng khẳng định trường hợp này không thể xảy ra do tầm quan trọng của hầm Hải Vân.
Ngay trong công văn gửi Bộ GTVT đề nghị can thiệp việc chậm trả nợ, Điện lực Đà Nẵng cũng ghi rõ: "Đây là phụ tải đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến lưu thông huyết mạch của cả nước nên Điện lực Đà Nẵng không thể ngừng cung cấp điện theo luật Điện lực...".
Vì vậy, công văn của Điện lực Đà Nẵng cũng chỉ hối thúc thu nợ, đề nghị Bộ GTVT có giải pháp hỗ trợ để Hamadeco thanh toán tiền điện.
Trao đổi với báo chí, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Đèo Cả, cho biết công ty đang phối hợp với Bộ GTVT tính toán tổng thể lại phương án tài chính của toàn bộ dự án để báo cáo lên Chính phủ.
“Về phía Công ty Đèo Cả, trước mắt chúng tôi sẽ cân đối nguồn tiền của công ty để thanh toán chi phí vận hành hầm, bằng mọi cách sẽ duy trì hầm vận hành ổn định, đảm bảo tuyến đường lưu thông thông suốt cho người dân”, ông Hoàng khẳng định.
Bộ GTVT chưa đồng ý lập thêm BOT
Theo Công ty Đèo Cả, đơn vị này đã ứng 900 tỷ đồng để nâng cấp hầm đèo Hải Vân 1 và 300 tỷ đồng để chi vận hành hầm đèo Hải Vân từ năm 2016 đến nay.
Doanh nghiệp này dự định sử dụng nguồn thu từ trạm thu phí Nam Hải Vân để hoàn vốn. Tuy nhiên, việc thu phí tại trạm Nam Hải Vân không thực hiện được do trạm Bắc Hải Vân đang thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia.
Ngày 26/10, đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã đã trình bày trước Quốc hội những khó khăn nêu trên của Công ty Đèo Cả.
Trả lời đại biểu, Bộ GTVT cho biết những khoản trên đều đã được tính trong phương án tài chính. Ngay sau khi thông tư sửa đổi Thông tư 35 được ban hành, trạm Bắc Hải Vân sẽ áp dụng mức phí mới, áp dụng hoàn vốn cho cả 2 dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng và hầm Đèo Cả.
Sau khi kết thúc hoàn vốn cho Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng, trạm Bắc Hải Vân sẽ sử dụng để hoàn vốn cho Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, Bộ đang khẩn trương phối hợp với Nhà đầu tư xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền và cùng với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng xem xét, tháo gỡ khó khăn cho dự án.
Công trình Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân nối TP Đà Nẵng với tỉnh Thừa Thiên - Huế, được khởi công xây dựng vào năm 2000 và khánh thành, đưa vào sử dụng vào năm 2005 với tổng kinh phí xây dựng trên 251 triệu USD.
Hầm đường bộ Hải Vân gồm 1 hầm chính (hầm Hải Vân 1) với chiều dài hơn 6,2km, 1 hầm lánh nạn dài hơn 6,2 km chạy song song với hầm chính, 1 hầm thông gió dài 1,9 km và 3 hầm lọc bụi tĩnh điện cùng 15 ống hầm thông ngang.
Do nhu cầu vận tải tăng cao, Chính phủ đã phê duyệt dự án nâng cấp hầm Hải Vân 1 và mở rộng hầm lánh nạn thành hầm Hải Vân 2. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả.
Tổng mức đầu tư dự án này dự kiến trên 7.296 tỷ, được khởi công vào đầu năm 2016, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vào đầu năm 2019.